NSƯT Ngọc Anh: Cháy mãi tình yêu với âm nhạc dân tộc
Giới nhạc công vẫn thường truyền tai nhau: 'Đã nói đến sáo thì phải nói đến Đình Thìn, nói đến kèn thì phải nói đến Ngọc Khánh' và cũng giống như Đinh Thìn, Ngọc Khánh cũng đã tìm được truyền nhân, đó chính là người con trai thân yêu của mình. Nối tiếp NSƯT Đinh Thìn là NSƯT Đinh Linh, nối tiếp NSƯT Ngọc Khánh là NSƯT Ngọc Anh.
1.Nếu nhìn qua “lý lịch trích ngang” thì thấy Ngọc Anh theo âm nhạc cũng là điều dễ hiểu, bởi ông nội anh tuy không được học hành về âm nhạc bài bản nhưng đã chơi được 5 loại nhạc cụ dân tộc, cha anh là NSƯT Ngọc Khánh, từng công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, người được biết đến với biệt danh “Khánh kèn”.
Ngày còn nhỏ, tiếng kèn, tiếng sáo của ông và cha đã ngấm vào máu anh từ lúc nào không hay. Hồi ấy, khi gia đình còn sống ở quê nhà thôn Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) vào những buổi chiều không phải đi học, anh lại cùng lũ bạn ra bờ đê chăn trâu rồi vút lên những điệu sáo du dương đến quên cả giờ về.
Quá trình học sáo của anh bị ngắt quãng vào thời điểm năm 1993, khi cả gia đình chuyển về Hà Nội sinh sống. Bởi khi ấy thấy con trai sức khỏe yếu, cha anh đã cho anh đi học xiếc 3 năm. Thế nhưng, đã là nghệ thuật mà không có năng khiếu thì rất khó thành công.
Mà ông trời đã “se duyên” để Ngọc Anh sinh ra là để theo âm nhạc, nhất là khi anh được học thầy Triệu Tiến Vượng, một NSƯT sáo trúc nổi tiếng thời bấy giờ. Thầy Vượng đã dạy rất tỉ mỉ, cẩn thận, trong mỗi bài thầy đều minh họa bằng hình ảnh rất dễ hiểu, dễ nhớ.
Từ những kiến thức của thầy, cùng với quá trình nỗ lực không ngừng, anh đã gặt hái được nhiều thành công, như: Giải Nhất cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2008 với bài sáo “Luyện năm cung” (nhạc chèo) cùng các tác phẩm “Mùa xuân biên phòng” của NSƯT Ngọc Phan, “Tiếng gọi mùa xuân” của NSƯT Đinh Thìn; Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc với hai tác phẩm của NSƯT Huỳnh Tú: Năm 2009 với “Mặt trời đỏ”, năm 2010 với “Rừng gọi”.
2. Song song với học sáo, anh còn học kèn bầu từ lời đề nghị của người cha: “Nếu con không học kèn bầu thì chết cha cũng không mang theo được”. Thương cha, thương người nghệ sĩ cả một đời lăn lộn, đắm say với kèn bầu mà chưa thể tìm được truyền nhân, anh đã bắt tay vào học.
Nhưng thú thật ban đầu anh chỉ học với tâm lý là cho cha được vui lòng, bởi học loại kèn mà nhiều người vẫn gọi là kèn đám hiếu nên anh rất tự ti. Nhưng sau đó, chính tiếng kèn bầu đã lay động trái tim anh để anh say sưa với nó một cách hoàn toàn tự nguyện. Rồi anh tự nghiệm ra là nhạc cụ không có lỗi, quan trọng là người nghệ sĩ chơi có hay hay không? Có đem đến cho khán giả cảm xúc hay không?
Là con trai của một nghệ sĩ kèn bầu nổi tiếng, Ngọc Anh thừa nhận luôn áp lực. Đi đâu anh cũng nhận những lời đại loại như: “Con trai bố Khánh là phải thổi kèn hay”. Thế nên suốt những năm qua, anh luôn cố gắng, chăm chỉ học tập theo gương cha bởi trong lòng anh thì cha mình quá giỏi, quá đam mê và tâm huyết.
Anh bảo, ngoài hâm mộ tiếng kèn, anh còn rất ngưỡng mộ cha về phong cách sống chân chất, gần gũi, hòa đồng với mọi người. Và anh đã không phụ lòng cha, khi sau hai năm được truyền nghề, lần đầu tiên anh xuất hiện với tiếng kèn bầu là trên sân khấu thổi cho ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện ca khúc “Giọt sương bay lên” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến trong chương trình Bài hát Việt.
Tiếng kèn bầu của anh cũng đã “chinh phục” được nhạc sĩ “khó tính” như Lê Minh Sơn vì thế trong những liveshow tổ chức gần đây, tác giả “Ôi quê tôi” luôn mời anh chơi kèn trong những tác phẩm được coi là “đinh” của chương trình như:“Hạn hán”, “Đá trông chồng”, “Một khúc sông Hồng”… Gần đây, trong đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, anh cũng được mời chơi kèn bầu cho 3 ca khúc “Bài ca thần chim lạc”, “Hội thề Mê Linh”, “Ngũ hành sơn”.
3.Ngọc Anh tự hào vì mình được theo đuổi âm nhạc truyền thống, mặc cho mức thu nhập không cao nhưng anh tin mình đang đi đúng đường bằng niềm đam mê “sống, chết với nghề”. Anh mong muốn âm nhạc dân tộc được đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, vì thế anh đã lập kênh YouTube “Sáo trúc Ngọc Anh” để đăng lên những bài sáo ngợi ca người mẹ, cách mạng và quê hương.
Anh bảo, sẽ thật đáng buồn nếu một ngày âm nhạc dân tộc mất đi bởi đó chính là tinh hoa mà cha ông để lại, là niềm tự hào của người Việt Nam. Anh cũng vui vẻ nhận thấy, những năm trở lại đây sáo trúc đã được thế hệ trẻ thích thú và đã có không ít câu lạc bộ thổi sáo trong trường đại học được thành lập.
Không những được biểu diễn ở trong nước, anh đã từng đi biểu diễn ở hơn 20 nước trên thế giới. Lần đầu tiên là năm 2004, anh là một trong những đại diện của sinh viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) biểu diễn ở Trung Quốc trong tuần lễ giao lưu văn hóa giữa thanh niên hai nước.
Cũng trong năm ấy, anh được đi Pháp rồi kể từ đó trở đi mỗi năm anh được đi 2,3 lần đến nhiều quốc gia. Theo anh đó là cơ hội để đem âm nhạc dân tộc giới thiệu với bạn bè quốc tế. Anh thấy rất vui khi công chúng nước ngoài đón nhận âm nhạc Việt rất hào hứng.
“Có những lần được biểu diễn cho nguyên thủ quốc gia trong các sự kiện ở trong và ngoài nước, tôi thấy hơi khác một chút, tâm lý lo lắng hơn nhưng đã là một nghệ sĩ thì phải luôn biết cách thăng hoa trong nghệ thuật, thăng hoa trong khuôn khổ cho phép”, anh bộc bạch.
4. Là một trong những nghệ sĩ nhận danh hiệu NSƯT trẻ nhất thời điểm năm 2019 (lúc ấy anh mới 37 tuổi) nhưng giới chuyên môn cho rằng đó là “phần thưởng” xứng đáng cho sự lao động miệt mài trong suốt 15 năm công tác của anh. Anh bảo, nhận danh hiệu hay không không quá quan trọng, bởi đã là người nghệ sĩ thì phải biết “cháy” hết mình với nghệ thuật, mọi thứ khác nên để bên ngoài.
Trong câu chuyện, anh luôn xúc động khi nhắc về người mẹ của mình. Trong mắt anh, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời, bởi khi gia đình ra Hà Nội cuộc sống rất khó khăn. Đồng lương của cha không đủ sống, mẹ anh phải lăn lộn, ngược xuôi buôn bán lo cho 4 người con đang tuổi ăn tuổi học. Và anh nghĩ rằng để trong gia đình có 2 NSƯT thì người có công lớn nhất phải là mẹ anh.
Vợ của anh, nghệ sĩ Bích Ngọc cũng là người chơi đàn tam thập lục trong Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Là những nghệ sĩ lại làm cùng Nhà hát nên vợ anh rất thông cảm cho chồng trong những đêm đi diễn về muộn và ngược lại.
Anh bảo, vợ chồng nghệ sĩ thì rất nghèo nhưng không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc. Với anh, vợ luôn là vị khán giả khó tính nhất mà anh từng gặp, nhưng chính sự “khó tính”, khắt khe ấy khiến anh phải luôn phải hết sức cố gắng, nỗ lực.
Trong gia đình đã có 3 đời theo âm nhạc và mặc cho hiện tại cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh vui mừng cho biết sẽ động viên, khuyến khích cậu con trai mới được 9 tuổi theo âm nhạc truyền thống. Bởi với “con mắt nghề” của mình, anh nhận thấy con trai có năng khiếu âm nhạc từ những năm 3 tuổi. Mỗi lần cho con đi diễn cùng, anh để ý khi diễn viên, nhạc công biểu diễn là con lại hát và có các động tác diễn theo.
Gần đây, con trai anh phát lộ khả năng đánh trống rất nhanh bằng cách xem các clip trên YouTube mà không cần ai dạy. Ngọc Anh cho biết, anh sẽ cho con theo học đánh trống một cách nghiêm túc và biết đâu trong tương lai trong bộ môn trống sẽ có một nghệ sĩ đầy tài năng gìn giữ âm nhạc dân tộc giống như ông nội anh, cha anh và anh.