NSƯT Nguyễn Lan Hương: Lan tỏa tình yêu múa rối đến giới trẻ

Sinh năm 1985, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Lan Hương là một trong những gương mặt tiêu biểu của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Suốt 21 năm gắn bó với sân khấu, ánh đèn và những con rối, chị không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn tận tụy, mà còn là người lặng thầm gìn giữ, nâng niu và lan tỏa hơi thở sống động của nghệ thuật múa rối đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

- Được biết chị theo học ngành Sư phạm Âm nhạc, vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghệ thuật múa rối?

- Được biết chị theo học ngành Sư phạm Âm nhạc, vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghệ thuật múa rối?

- Ban đầu, tôi theo học ngành Sư phạm Âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Thế nhưng, đến năm thứ hai đại học, một cơ duyên đã đưa tôi thử sức với bộ môn múa rối, tôi dự tuyển vào lớp diễn viên múa rối tại Nhà hát Múa rối Việt Nam và may mắn trúng tuyển. Kể từ đó đến nay, tôi đã gắn bó với nghệ thuật múa rối được 21 năm.

- Trong quá trình tập luyện và biểu diễn chị đã gặp những khó khăn như thế nào?

- Nghệ thuật múa rối đòi hỏi phải có sức khỏe - đặc biệt là với phụ nữ. Bình thường con rối đã rất nặng, mà diễn viên lại phải đứng dưới nước, mặc những bộ quần áo cao su chuyên dụng để chống nước. Bộ quần áo này cũng nặng khoảng tầm 3kg. Khi đứng trong nước với độ sâu khoảng 80 - 90cm, bàn chân và mắt cá chân của chúng tôi phải chịu áp lực lớn do nước đè lên, rất đau. Vì vậy, chúng tôi phải đi thêm một đôi tất bông để giảm bớt áp lực nước lên chân.

Bạn cứ tưởng tượng mà xem, mình phải điều khiển một con rối nặng, mặc một bộ đồ cao su 3kg, rồi di chuyển dưới nước với sức cản rất lớn - thì phải sản sinh ra lực rất nhiều. Vừa di chuyển, vừa điều khiển con rối, là điều không hề đơn giản. Với phụ nữ “chân yếu tay mềm” thì lại càng khó khăn hơn.

Thứ hai, bộ quần áo cao su rất bí. Các anh chị ở Nhà hát Múa rối thường hay bị một số bệnh nghề nghiệp như viêm khớp, viêm xoang... vì suốt ngày phải ngâm mình trong nước. Nhiều khi luyện tập, chúng tôi phải ngâm từ sáng đến tối, cả chục tiếng đồng hồ. Rồi còn chạy đi biểu diễn nữa. Những bệnh đó đi theo mình như một “combo khuyến mãi” không thể thiếu của nghề nghiệp và mình cũng phải học cách chấp nhận điều đó.

- Vất vả như thế, vậy điều gì khiến chị vẫn giữ được ngọn lửa nghề suốt 21 năm qua?

- Tôi thấy mình rất may mắn khi đạt được nhiều thành tựu và những kết quả đáng quý mà nghề nghiệp này mang lại. Hơn nữa, trong quá trình làm nghề, tôi được đi biểu diễn và lưu diễn ở rất nhiều nơi, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Dù đến bất cứ đâu, khán giả cũng luôn dành sự yêu quý, thích thú và mến mộ với bộ môn nghệ thuật múa rối của Việt Nam. Đó cũng chính là những động lực lớn để tôi tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật cho đến ngày hôm nay.

- Trong quãng đường dài ấy, có bao giờ chị muốn dừng lại?

- Có chứ, thời điểm trước thì nghệ thuật múa rối khó khăn lắm, chưa phát triển như bây giờ. Nhiều lúc, về kinh tế, mình cũng không đủ sống, nên cũng từng nghĩ hay là nghỉ, hoặc chuyển sang làm một công việc khác để có thu nhập tốt hơn. Nhưng rồi mình lại được anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp động viên. Cứ mỗi lần trong đầu lóe lên suy nghĩ “hay là nghỉ” hoặc “hay là chuyển nghề”, thì không hiểu sao cơ hội với công việc lại đến, mình lại luyện tập, lại biểu diễn, rồi tham gia các cuộc thi. Thế là mình lại bị cuốn vào vòng quay ấy, rồi lại có thêm sự tự tin, thêm quyết tâm để tiếp tục làm nghề.

- Trong những vở rối từng biểu diễn, vở nào khiến chị xúc động và nhớ mãi?

- Vở diễn để lại nhiều ấn tượng nhất và làm thay đổi tôi nhiều nhất chính là “Thân phận nàng Kiều”. Tôi được giao vai Thúy Kiều. Đây là lần đầu tiên tôi đảm nhận một vai diễn nặng ký đến vậy nên cảm thấy rất áp lực. Đúng vào thời điểm luyện tập cho vai diễn, tôi gần như mất ăn mất ngủ, bị stress rất nặng.

Sau khi hoàn thành vai Kiều, tôi phải mất đến ba tháng mới có thể thoát vai. Thời gian đó khá mệt mỏi, gần như mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng hai tiếng. Còn lại, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn, luôn nghĩ về nhân vật Thúy Kiều, làm sao để thể hiện nhân vật một cách tốt nhất.

- Chị từng nhiều lần tham gia biểu diễn lưu động, mang rối đến trường học. Điều gì thôi thúc chị?

- Gắn bó với rối suốt 21 năm nay, tôi thấy nghệ thuật này rất thú vị, có nhiều điều để khám phá, để tìm hiểu nên muốn lưu giữ và lan tỏa nghệ thuật múa rối nước đến với các bạn trẻ, để họ biết và hiểu hơn về một loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian đặc sắc. Đây là một bộ môn rất hay, rất cuốn hút. Tôi cũng hy vọng rằng trong tương lai, mình có thể mang nghệ thuật múa rối đến gần hơn với sinh viên, để múa rối - đặc biệt là múa rối nước - không bị mai một theo thời gian.

Tôi rất mừng khi thấy các bạn trẻ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật múa rối, đặc biệt là đối tượng sinh viên. Trước đây, nhà hát chủ yếu tổ chức các chương trình dành cho thiếu nhi, nhi đồng và lứa tuổi mẫu giáo. Lượng khán giả là sinh viên hay các bạn ở độ tuổi thiếu niên trở lên rất ít. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, các chương trình của nhà hát ngày càng được mở rộng, và đối tượng khán giả cũng đa dạng hơn. Đáng mừng là sinh viên bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhà hát, đến nghệ thuật truyền thống. Đây có thể xem là một sự cộng hưởng rất tích cực, góp phần đưa văn hóa dân gian Việt Nam trở lại và phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn chị!

NSƯT Nguyễn Lan Hương đã khẳng định tài năng và bản lĩnh qua nhiều vai diễn, giành được nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp: Được vinh danh “Tài năng trẻ” tại Liên hoan múa rối lần thứ 2 (2008), Huy chương Bạc tại Liên hoan múa rối lần thứ 3 (2012), Huy chương Vàng tại Liên hoan múa rối lần thứ 4 (2015), Huy chương Vàng tại Liên hoan múa rối lần thứ 5 (2018), Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 (2019)... Năm 2023, chị được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Tiêu Phương Anh thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nsut-nguyen-lan-huong-lan-toa-tinh-yeu-mua-roi-den-gioi-tre-708224.html