Đi về phía thượng nguồn một dòng sông

HNN - Đi về phía thượng nguồn thường là cuộc đi về với thiên nhiên, với đồi núi trập trùng, khoáng đạt và nguyên sơ, nhiều hấp dẫn. Vì thế mà lời hẹn đi chơi hồ chứa nước Tả Trạch với người anh kỳ cựu trong làng báo Huế và cô em gái đam mê khám phá khiến tôi háo hức như đứa trẻ được nhận quà.

 Các cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa di chuyển trên lòng hồ Tả Trạch. Ảnh: Thức Lê

Các cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa di chuyển trên lòng hồ Tả Trạch. Ảnh: Thức Lê

Vậy là, tôi được đi ngắm hồ Tả Trạch, Dương Hòa (nay thuộc phường Phú Bài, TP. Huế) - hồ chứa nước lớn nhất của thành phố, lớn gấp mười lần hồ Truồi, được xây dựng trên sông Tả Trạch, một nhánh chính của sông Hương phía thượng nguồn.

Có nhiều cảm nhận khi tôi đứng ở đập ngăn của hồ Tả Trạch. Trước mắt tôi mặt hồ hiện ra như một bức tranh tĩnh lặng với lòng hồ xanh ngắt. Đó là màu của mây trời và màu của nước, là một sự soi chiếu vào nhau và làm rạng rỡ cho nhau. Mặt hồ đã lấy màu mây trời miên viễn làm gam màu chung thủy gắn trên hình hài của mình, cùng đi qua bao mưa nắng.

Chúng tôi đi bằng thuyền của Ban quản lý hồ Tả Trạch. Thuyền đi êm đềm trên lòng hồ, tôi đưa tay vốc nước rồi cho chảy thành dòng nhỏ, những giọt nước rơi xuống trong veo như những hạt ngọc. Khi tay tôi chạm vào làn nước mát, trong tôi dâng lên một niềm xúc động, đúng hơn là lòng biết ơn. Dòng nước này là một phần trên hành trình vạn dặm của sông Hương từ khởi nguồn Trường Sơn hùng vĩ xuôi về, dâng tặng Huế một nguồn nước sạch, thơm và ngọt mà chất lượng nước có thể sánh với những dòng sông sạch nhất thế giới. Người anh đi cùng tôi nói nhỏ: “Sông Hương sạch là nhờ dòng nước đi qua toàn núi, đồi, không có nhà máy. Cây cối ở đây đã lọc sạch dòng sông”.

Mùa hè, nước lòng hồ Tả Trạch có thể thấp xuống còn 35 mét, thế nhưng Huế mới qua một đợt mưa lớn cuối tháng 6, nước hồ dâng lên cao chừng 45 mét, lòng hồ mênh mang, xanh ngắt. Thuyền chúng tôi đi qua từng cụm đồi cây, nơi mà trước đây phải là những ngọn đồi cao lắm. Đi chừng hơn 20 phút là đến một đoạn hồ rộng, đây là nơi dòng sông Hai Nhánh hòa vào Tả Trạch.

Trời vẫn xanh, nước trong vắt, bốn bề tĩnh lặng, thanh bình, lòng tôi bỗng rung lên niềm cảm xúc, giữa mặt nước bình lặng này, nơi dòng sông Hai Nhánh hợp lưu và cả vùng chiến khu Dương Hòa đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt, nhiều anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.

Người anh, một nhà báo kỳ cựu, thời tham gia kháng chiến đã từng đi qua sông Hai Nhánh, chỉ cho tôi những vị trí trước đây là núi Mỏ Tàu, động Mang Chang, khu vực hậu cứ... Giờ đây, cây cối xanh tươi đã xóa nhòa dấu vết chiến tranh nhưng trong mắt người lính năm nào vẫn còn đọng lại nỗi xót thương đồng đội đã nằm xuống.

Đất nước hòa bình, thống nhất năm mươi năm rồi, những ngọn đồi hoang tàn, trơ sỏi đá vì bom đạn bây giờ cây rừng đã lên xanh, bạt ngàn, mướt mát. Con sông xưa là chiến trường nay đã trở thành lòng hồ chứa nước, nhận lãnh sứ mạng mới, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - đời sống - xã hội của thành phố.

Hường, người con gái quê Dương Hòa, duyên dáng trong tà áo dài tím cho tôi biết: “Đời sống của bà con ở đây bây giờ khá lắm. Khi thực hiện di dời dân làm hồ chứa nước Tả Trạch, các hộ được giao đất để trồng rừng. Gần hai mươi năm qua, bà con vừa trồng rừng vừa làm thêm các công việc khác, đời sống đủ chi tiêu, lo cho con cái học hành và còn có chút ít để dành nữa”.

Trong bữa cơm trưa dưới bóng mát của những cây thanh trà lão ở Farm Vườn Ngoại, một điểm du lịch trải nghiệm nông nghiệp mới mở ở Dương Hòa, tôi nghe được những câu chuyện đời thường nhưng cho thấy cuộc sống của bà con vùng gò đồi Dương Hòa bây giờ đã ổn định và khá giả, như ở đây kêu công thợ nề 300.000 đồng/ngày mà cũng khó kiếm người, họ đi làm rừng thu nhập cao hơn...

Trên ngọn đồi Rường ở giữa vùng lòng hồ rộng lớn, ngay địa điểm hợp lưu của sông Hai Nhánh, bia tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh ở khu vực sông Hai Nhánh đã được dựng lên vào những ngày cuối tháng 6 năm 2025. Bia mang hình biểu tượng hai giọt máu rơi xuống và hai nhành bông lúa vươn lên. Lặng thầm bao thương xót và cũng đầy tự hào. Đất nước hòa bình rồi, các anh, các chị yên nghỉ nơi này, Dương Hòa - Hai Nhánh cũng là quê hương, các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi nhớ ơn người nằm xuống.

Một chuyến trở về thượng nguồn sông Hương với hồ chứa nước Tả Trạch và sông Hai Nhánh, mắt vui với những ngọn đồi xanh, với dòng nước mát, tôi thấy lòng mình mở ra với bao hy vọng. Đồi xanh xào xạc tiếng lá hát, hoa bưởi, hoa thanh trà ngát thơm trong vườn.

Đất này đang nở hoa.

Xuân An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/di-ve-phia-thuong-nguon-mot-dong-song-155403.html