NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn qua đời

Anh Nguyễn Bảo, con trai NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn, cho biết cha anh đã qua đời lúc 1 giờ ngày 31-7 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, thọ 68 tuổi.

NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn

NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn

NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn nhập viện điều trị do mắc Covid-19 cách đây 3 tuần. Do có bệnh nền đau dạ dày nhiều năm liền nên thời gian điều trị bệnh của nhạc sĩ Khải Hoàn không tiến triển. Ông ra đi đột ngột đã để lại nhiều đau xót cho các nghệ sĩ sân khấu cải lương và thế hệ học trò, diễn viên trẻ - vốn luôn xem ông là người thầy đáng kính.

Nhạc sĩ Khải Hoàn tên thật là Nguyễn Khải, SN 1953 tại Cần Thơ trong một gia đình cách mạng. Ông nội của ông là liệt sĩ, cha là cán bộ nghỉ hưu hiện sinh sống tại quận 10, TP HCM. Nhạc sĩ Khải Hoàn là trưởng nam và là người duy nhất trong gia đình theo con đường nghệ thuật rồi thành danh khi còn rất trẻ.

Nhạc sĩ Khải Hoàn bị đậu mùa năm lên 4 tuổi. Căn bệnh này còn cướp đi nguồn sáng quý báu của ông, khiến ông bị khiếm thị. Năm 7 tuổi, ông được gia đình đưa lên Sài Gòn học trường dành cho học sinh khiếm thị và đã học đến bậc trung học.

Bước "đột phá" quan trọng trong cuộc đời ông chính là tại Trường Nguyễn An Ninh (quận10), nơi ông đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Ban đầu, ông được cha dạy đàn mandoline, sau đó tìm đến nhạc sĩ cải lương Phi Long để học guitar phím lõm và violon về nhạc tài tử cải lương.

NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn và NSƯT Kim Phương trong lễ đón nhận danh hiệu NSƯT năm 2019 ở Hà Nội

NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn và NSƯT Kim Phương trong lễ đón nhận danh hiệu NSƯT năm 2019 ở Hà Nội

Chỉ một thời gian sau đó, nhạc sĩ Khải Hoàn đã đàn thành thạo 20 bản Tổ của âm nhạc đờn ca tài tử và một số bản cải lương. Ngoài ra, ông còn mày mò tự học thêm đàn tranh và kìm.

Nhờ ngón đàn đã được trui rèn sắc bén, kỹ năng đã đủ độ hành nghề nên nhạc sĩ Khải Hoàn bắt đầu khởi nghiệp bằng đàn guitar trong ban nhạc Đoàn cải lương Kim Chung (1973). Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của sân khấu cải lương, ông luôn gắn bó với nghề, đàn chính cho nhiều đoàn hát như: Tân Dạ Lý, An Giang, Khánh Hồng, Trúc Giang, Long An, Tiền Giang I, Phước Chung, Sài Gòn I, Sài Gòn II, Nha Trang, Nhà Bè... Thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương, ông đã gắn bó với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và đàn chính ở đoàn II cho đến khi về hưu.

Các vở diễn nhạc sĩ Khải Hoàn tham gia chỉ huy dàn nhạc đã được thể hiện thành công tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đoạt huy chương vàng và huy chương bạc. Ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT đợt 9 năm 2019.

NSND Ngọc Giàu nhận xét mỗi nhạc sĩ đều có phong cách và "tuyệt chiêu" riêng. Sau khi học thầy rành nghề, trong quá trình thực hành trên sân khấu, nhạc sĩ Khải Hoàn tự tìm tòi sáng tạo cho mình một lối đàn riêng.

"Anh mang những âm giai mang âm hưởng các làn điệu lý và nhạc Huế kết hợp các giai điệu bài bản đã học, sáng tạo những âm sắc lạ, vừa rộn ràng tươi mượt, nghe đậm chất trữ tình hơn là ai oán, ngón nhấn luyến láy rất lanh lẹ tạo những thanh âm huyền hoặc, nhất là những âm chủ: Xang, Oan, Xự... Sở trường của nhạc sĩ Khải Hoàn không chỉ ở guitar phím lõm mà cả violon, sến, kìm... Với mỗi giai điệu, dường như tiếng đàn của anh đều như mang tâm trạng" - NSND Ngọc Giàu nhận xét.

Nhạc sĩ Khải Hoàn đã được nhà nước tặng Huy chương "Vì sự nghiệp văn hóa" năm 1993. Ông từng tâm sự những thành quả đạt được trước tiên là nhờ sự hỗ trợ và động viên tối đa của gia đình, sự quan tâm giúp đỡ tận tình của những nghệ sĩ đi trước. Do đó, ông có trách nhiệm truyền nghề lại cho thế hệ nhạc sĩ đi sau.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nsut-nhac-si-khai-hoan-qua-doi-20210731094923066.htm