NSƯT Thái Sơn: Lên hạng đã khó, trụ hạng còn khó hơn
Thái Sơn là gương mặt tài năng mới của màn ảnh phía Bắc. Mảnh khảnh, thư sinh, nói chuyện từ tốn, ít ai ngờ chàng diễn viên sinh năm 1983 này lại có thể nhập vai như lên đồng, nhất là khi diễn hài. Anh cũng là một trong những người được phong tặng danh hiệu NSƯT khi tuổi đời còn rất trẻ. Nam diễn viên đã có cuộc trò chuyện cùng An ninh Thủ đô Cuối tuần.
Lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất
- Phóng viên: Nhắc đến Thái Sơn, người ta thường ấn tượng với hình ảnh một cây diễn hài dù anh đóng khá nhiều vai chính diện, thậm chí phản diện. Anh nghĩ sao về điều đó?
- NSƯT Thái Sơn: Tôi nghĩ, khi mình làm việc gì với tần suất cao thì sẽ dễ in vào trí nhớ khán giả. Giống như chúng ta vẽ một nét rồi tô đi tô lại. Nếu mình đặt cảm xúc ít vào thì những nét vẽ đó sẽ mỏng, chưa dày, chưa đậm, người ta chưa nhớ đến nhiều. Riêng tôi đang cố gắng thay đổi để được sống với nhiều nhân vật có tính cách và số phận khác nhau. Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể đóng được các vai chính kịch, kể cả bi kịch. Người diễn viên nào cũng đều mong tạo ra nhiều màu sắc thay vì sự đơn điệu, để khán giả đỡ nhàm chán và bản thân không cảm thấy đơn điệu với chính mình.
- Ở dạng vai này anh cũng nhận được không ít lời khen, những phản hồi tích cực. Nhưng có nhận xét nào thể hiện sự chưa đón nhận không? Và anh phản ứng thế nào về điều đó?
- Tôi nghĩ chuyện đó là rất bình thường. Ngay cả những sản phẩm giải trí mà tôi tham gia diễn xuất, những vai diễn trên mạng xã hội hay sóng truyền hình, có người khen thì sẽ có người chê. Tôi quan niệm, trong cuộc sống mọi thứ đều “nhân vô thập toàn”. Làm nghệ thuật cũng thế, không phải lúc nào chúng ta cũng có được ưu ái trọn vẹn. Tôi đón nhận việc đó với tâm thế bình thản. Tất nhiên, khi nhận được những lời góp ý tôi cũng suy ngẫm để từ đó hoàn thiện bản thân. Mình làm cho khán giả thì phải lắng nghe xem có được mọi người đón nhận hay không, có được yêu thích không. Tôi lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất.
- Từ một nghệ sĩ không được nhiều người biết, tới có chỗ đứng trong lòng khán giả, anh có ý thức được sự nổi tiếng không? Có nghĩ mình đã tiến một bước khá dài so với những ngày mới vào nghề không?
- Ai cũng có những bước đi đầu tiên và con đường chắc chắn còn dài. Nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã qua, tôi nghĩ mình cũng ít nhiều có một số thành quả nhất định. Tôi cảm ơn khán giả vì đã yêu thương, đón nhận và giúp tôi có được những thành quả đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không phụ sự tin yêu của mọi người.
NSND Tự Long là một tấm gương soi
- Xuất thân là nghệ sĩ chèo, lấn sân sang màn ảnh, diễn đủ các dạng vai từ hài đến bi, con đường này có vẻ hơi giống NSND Tự Long - người đã dìu dắt anh từ những ngày đầu mới vào nghề. Anh nghĩ sao nếu có người nói Thái Sơn mang bóng dáng của đàn anh?
- Anh Tự Long là người anh, người thầy đầu tiên của tôi về nghề diễn, đó là tấm gương để tôi soi vào. Hồi tôi thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh, bác tôi ở Nhà hát Chèo quân đội dẫn sang giới thiệu với anh Tự Long và nhờ hướng dẫn, chỉ bảo thêm về diễn xuất. Sau đó, nhờ sự chỉ dạy này mà tôi đã thi đỗ vào trường với tiểu phẩm “Câu cá trộm”. Tôi rất biết ơn về điều đó. Cá nhân tôi cũng rất thích lối diễn xuất của anh Tự Long. Anh ấy diễn được nhiều dạng vai, mà vai nào cũng rất hay. Sau này, khi trở thành diễn viên chèo và có cơ hội đi đóng phim, tôi cố gắng vận dụng linh hoạt trong việc đưa chèo vào các vai diễn mà mình tham gia trên phim. Tôi cũng không nghĩ nhiều đến “cái bóng” của anh Tự Long. Với tôi, đó là tấm gương.
- Anh được phong tặng danh hiệu NSƯT khi còn khá trẻ. Niềm vui thì dĩ nhiên rồi, nhưng anh có thấy áp lực khi đón nhận danh hiệu này không?
- Người ta vẫn bảo, lên hạng đã khó nhưng trụ hạng còn khó hơn. Tôi nghĩ ngoài hạnh phúc vì được ghi nhận ra thì đó cũng là áp lực không nhỏ. Với danh hiệu được phong tặng, tôi luôn tự nhủ mình càng cần phải cố gắng nhiều hơn, phải giữ vững phong độ và phát triển hơn để đáp lại sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè và khán giả. Tôi cảm thấy mình may mắn. Đây là nỗ lực rất nhiều trong lĩnh vực chèo mà tôi đã được ghi nhận.
- Trong tất cả các yếu tố tạo nên thành công của một tác phẩm thì có biên kịch, có đạo diễn và cả ê-kip sản xuất nữa. Sự sáng tạo là của tập thể nên dù ngoài đời mình có tính cách thế nào, hướng nội hay hướng ngoại thì khi nhận vai vẫn phải có sự tìm tòi về mặt chuyên môn lẫn kinh nghiệm sống để có sự hóa thân sao cho phù hợp nhất. Một người ở ngoài đời có tính cách hướng nội như tôi không có nghĩa là không thể vào những vai có tính cách hướng ngoại trên phim. Nếu chúng ta chỉ bê bản thân mình ở ngoài đời thật vào phim thì đâu cần tới trường lớp đào tạo hay sự nghiên cứu tìm tòi nữa.
Ngoài đời không phải người… “nanh nọc”
- Đợt Tết vừa rồi nhiều người trông đợi anh sẽ tham gia chương trình “Táo Quân”. Anh cũng tham gia tập luyện cho chương trình này, nhưng lý do vì sao đến phút chót lại không xuất hiện?
- Tôi rất tiếc vì điều đó. Lý do là tôi không may bị sốt xuất huyết nặng nên không đủ sức tập luyện. Ngoài ra không có lý do nào khác.
- Tới đây, khán giả sẽ gặp lại anh trong bộ phim “Vui lên nào anh em ơi” trên sóng của VTV3. Anh có thể chia sẻ về vai diễn của mình không?
- Trong phim, tôi được giao vai Thắng - một nhân vật có tính cách khù khờ, chân thành, mộc mạc. Thật ra đây là vai diễn khá gần với tôi ở ngoài đời (cười). Ngoài đời tôi cũng không “nanh nọc” lắm đâu nên không phải tiết chế nhiều khi đóng vai này. Thú thật, Thái Sơn ở ngoài đời nếu chưa quen thì chưa mở lòng, chưa thân thì chưa nói nhiều. Tôi thuộc tuýp người hướng nội nên thấy vai này khá tương đồng với mình.
- Anh có thể chia sẻ kỷ niệm thú vị trong quá trình quay bộ phim này không?
- Kỷ niệm thì nhiều lắm. Phim nói về 3 anh chàng chơi và gắn bó với nhau trong cuộc sống. Tôi từng làm việc với Anh Đức rồi, cả 2 bằng tuổi nhau nhưng tôi vẫn hay gọi Đức là “anh” và rất quý mến người đồng nghiệp này. Còn Tô Dũng là cháu họ của tôi ngoài đời, song đây là lần đầu tiên cậu cháu có dịp đóng phim chung, lại còn vao vai bạn bè. Quá trình quay, Anh Đức làm tôi “xòe” rất nhiều vì diễn xuất chân thực của anh ấy khiến tôi không nhịn cười được. Nhiều lúc đứng trước ống kính mà thấy mặt Anh Đức là tôi lại buồn cười, phải tìm mọi cách để “hãm”, từ chạy ra ngoài chống đẩy đến đi vặt lá cây… mà cũng không cách nào để hết cười được. Thậm chí tôi còn bảo mọi người trong đoàn là: “Các anh ơi, các anh mắng chửi em một câu đi, cho liêm sỉ được đánh thức”. Nhưng mọi người lại bảo: “Đến tao còn cười rũ ra thì mắng mày thế nào được”. Thú thật, cả đoàn quay bộ phim này trong những ngày nắng gay gắt nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười. Tôi nghĩ vai diễn này là phần thưởng dành cho mình.