NSƯT Trung Anh: 'Nhân vật Sơn trong phim Về nhà đi con là một vai dễ, vì thế nên tôi lo...'
Theo NSƯT Trung Anh (vai ông Sơn) trong phim Về nhà đi con đang 'làm mưa làm gió' trên sóng truyền hình, phim được đón nhận vì nó chính là con người, ai cũng thấy có một chút mình ở trong đó, ai cũng thấy có bóng dáng của bà hàng xóm nhà mình ở trong đó...
Một cảnh quay xúc động trong phim.
Được mệnh danh là “ông bố quốc dân” trong phim "Về nhà đi con", ông cảm thấy thế nào?
Thực ra, đó là vinh dự rất lớn đối với tôi. Tôi thấy nhiều người thường dùng cụm từ ấy để nói về mình, thậm chí có người còn nói vui rằng, tôi là người đông con nhất Việt Nam.
Hôm tôi nói chuyện với 600 em lứa tuổi từ 18 đến 24, phần lớn là sinh viên, câu đầu tiên tôi nói: "Chú chào các cháu". Ở dưới các em cứ ồ lên: "Không, phải là bố chào các con, phải xưng bố, gọi con cơ".
Thật lòng, tôi cũng thấy vui, thấy ấm áp trong tình cảm mọi người dành cho mình. Đấy là niềm hạnh phúc của người làm nghề.
Có thể nói, phim đã chạm đến nỗi lòng của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ thời nay. Từ trải nghiệm vai ông bố trong phim, ông cảm thấy làm cha mẹ thời nay khó hơn thời xưa như thế nào?
Chắc chắn rồi, xã hội phát triển đồng nghĩa với cuộc sống phức tạp hơn rất nhiều. Trẻ con 5, 6 tuổi thời nay có thể cầm ipad, iphone chơi, nghịch, xem biết nhiều thứ trong ấy.
Cuộc sống đầy đủ hơn, bên cạnh mặt tích cực, mình cũng phải thận trọng hơn rất nhiều trong việc giáo dục con cái. Bởi lẽ, sự giao tiếp của trẻ bây giờ không chỉ trực tiếp mà giao tiếp qua mạng và người lớn rất khó kiểm soát. Cùng với đó, thời nay, việc giáo dục con phức tạp hơn, kiểu giáo dục áp đặt rất khó để bảo ban con.
Vậy còn cách nuôi dạy con trong gia đình ông thì sao?
Thực ra tôi cũng ít chia sẻ về bản thân và gia đình. Cuộc sống của tôi cũng như nhiều gia đình khác, không có gì đặc biệt. Vợ chồng tôi hiểu nhau, thông cảm công việc của nhau, nên công việc cũng trôi chảy, không có chuyện mặt nặng mày nhẹ khi tôi đi đêm về hôm.
Quan điểm của hai vợ chồng là dạy con và đầu tư cho con bằng học hành. Thực sự mình cũng chẳng có nhiều tiền, tiền kiếm được chủ yếu đầu tư vào việc học hành của các con, lấy đó là trọng điểm của gia đình. Chỉ mong về sau các con có nền tảng kiến thức để hoàn thiện mình, đứng vững và tự lo được cho cuộc sống của mình.
2 ông bố trong phim cũng là những người bạn thân người đời.
Ông có kỷ niệm nào khi vào vai ông bố trong phim?
Có lẽ, thực sự tôi cũng nhát tay nên khi phải diễn cảnh tát đi tát lại các con nhiều lần. Nhưng vui nhất, xúc động nhất là cảnh quay 4 bố con. Tôi thật vui vì những cảnh quay đó đã chạm đến trái tim của nhiều người. Nói thật, đến bây giờ, tôi vẫn ám ảnh và không dám xem lại cảnh ông Sơn đến nhà thông gia và khi dắt xe về, Thư chạy ra ôm chầm lấy bố, ông Sơn nói: “Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều…”.
Tôi và Bảo Thanh đã diễn với nhau ăn ý từ trước đó nên khi bước vào cảnh này chỉ cần giữ cảm xúc. Có thể nói, trong bộ phim này dường như diễn viên sử dụng rất ít kỹ thuật diễn, tất cả đều sống, hóa thân với nhân vật của chính mình.
Thực tế, trong kịch bản phim, ông Sơn ủy mị hơn nhiều nhưng tôi đã xin với đạo diễn giảm bớt sự mềm yếu của nhân vật, chọn điểm nhấn thì mới tạo được cao trào cảm xúc.
Và để có được những cảnh quay thực sự ấn tượng hẳn là ông có một quan điểm khắt khe về lao động nghệ thuật?
Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng nhưng nói chung lao động nghệ thuật cũng giống như bất kỳ ngành nghề nào khác, cái quan trọng nhất đó là phải toàn tâm toàn ý và phải lao động cật lực. Cật lực không có nghĩa là bỏ sức ra một ngày 14 hay 16 tiếng mà ở tâm trí khi vào vai diễn rất nhiều, phải nghiên cứu rất kỹ về vai diễn của mình.
Với mỗi vai diễn, ông đều dán cho nó một cái “tem” riêng?
Trước khi nhận vai, tôi đều đọc rất kỹ kịch bản. Cũng là một dạng vai vất vả, đau khổ nhưng nếu để ý sẽ thấy có những dạng đau khổ khác nhau. Để không nhàm chán, tôi luôn có ý thức “dán tem” cho mỗi nhân vật của mình là vì thế.
Mỗi nhân vật tôi đều trăn trở, suy nghĩ để tạo cho nó một dấu ấn riêng của mình. Diễn viên thay vì diễn một cách dập khuôn hãy sáng tạo cùng với đạo diễn để tạo ra một nhân vật thú vị nhất.
Tôi nghĩ, làm bất cứ công việc nào, mình cũng cứ tận tâm, đào sâu suy nghĩ, sẽ có được những thành quả. Làm nghệ thuật không yêu nghề thì tốt nhất không nên làm. Có thể bạn chưa giỏi nhưng có tình yêu nghề, bạn sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình. Ngược lại, nếu bạn có năng khiếu tốt mà không yêu thì dần dần sẽ phai nhạt. Theo tôi, với nghệ thuật không thể hời hợt.
Với NSƯT Trung Anh, những cảnh quay giữa 4 bố con luôn xúc động nhất.
Nhìn lại chặng đường nghệ thuật của mình, vai diễn nào khiến ông tâm đắc nhất?
Thực ra, mỗi vai diễn sẽ có trải nghiệm khác nhau. Ngày xưa, thời những năm 94, 95, tôi đóng phim chỉ có một, hai tập. Tôi nhớ hồi đó đóng một ông bộ đội về làng bị bệnh tâm thần, suốt ngày cầm gậy hô xung phong, chạy dọc làng. Đấy là một vai tôi rất thích dù cũng cách đây hai mươi mấy năm rồi.
Vai Lương "bổng" trong "Người Phán xử" và vai này - ông Sơn trong phim "Về nhà đi con" cũng là những vai tôi rất thích, nhưng để nói là tâm đắc thì thực sự chưa thỏa mãn. Bởi xem lại, bản thân mình diễn vẫn còn nhiều “sạn”.
Do có gương mặt khắc khổ, có khi nào vì gương mặt ấy nên khi vào vai ông bố "gà trống nuôi con" trở nên hoàn hảo?
Có thể nói, "Về nhà đi con" là một kịch bản rất hay. Dạng vai này tôi đã diễn nhiều rồi và thực ra đây là một vai... dễ. Nhưng chính vì từ “dễ” đó khiến tôi rất lo, vì dễ thường hay nhạt, diễn không ra gì, thành ra tôi rất băn khoăn. Do vậy, tôi tự dặn lòng, phải nghiên cứu kỹ để tạo điểm nhấn cho vai diễn tốt hơn.
"Về nhà đi con" đã thành công khi khắc họa sinh động đời sống gia đình Việt Nam hiện đại, gần gũi với mỗi gia đình, đặc biệt là khoảng cách thế hệ ngày càng lớn và đó là lý do phim được mệnh danh là "bộ phim quốc dân" của màn ảnh Việt?
Phim "Về nhà đi con" được đón nhận vì sao? Bởi vì nó chính là con người, ở từng con người trong xã hội bây giờ, ai cũng thấy có một chút mình ở trong đó, ai cũng thấy có bóng dáng của bà hàng xóm nhà mình ở trong đó...
Bộ phim thành công có lẽ ở việc kêu gọi đề cao giá trị gia đình, giá trị từ mối quan hệ ruột thịt, yêu thương, đùm bọc chia sẻ. Tất cả những cái đó cùng với sự dung dị, đời thường làm nên sự thành công cho bộ phim.