NSƯT Văn Tân: Học Bác qua từng vai diễn

NSƯT Văn Tân là nghệ sĩ hiếm hoi mà quá trình lao động nghệ thuật hầu như đều gắn liền với vai diễn về Bác Hồ và tên tuổi của ông được công chúng biết đến cũng nhờ vai diễn về Bác. 50 năm với hàng nghìn lần thể hiện hình tượng Bác Hồ, nhưng với ông, lần nào lên sân khấu cũng như lần đầu tiên nhập vai và luôn phải học…

50 năm gắn bó với vai diễn Bác Hồ

Hình ảnh của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được nhiều nghệ sĩ tái hiện trên sân khấu, trên màn ảnh, nhưng có lẽ NSƯT Văn Tân là người đã đóng vai Bác nhiều lần nhất. Cho đến nay, đã tròn 50 năm, kể từ ngày đầu tiên nhập vai Bác Hồ, ông đã có 2019 lần thể hiện hình tượng Bác trên sân khấu.

NSƯT Văn Tân kể rằng, cơ duyên đưa ông đến với vai diễn Bác Hồ là vào năm 1970, khi ông còn là đội trưởng đội kịch nói của Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc. Hôm đó, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ về thăm Đoàn, có nói về việc đồng chí Tố Hữu (Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương lúc ấy) đề nghị 5 - 7 năm sau, các nghệ sĩ cố gắng đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu và điện ảnh, để sau này đất nước thống nhất, Nhân dân ta hiểu sâu hơn về công đức Bác Hồ...

Sau buổi nói chuyện đó, Văn Tân âm thầm thực hiện ý tưởng của mình. Chàng trai trẻ đi bộ 30 cây số, đến tận huyện Thuận Thành ở Bắc Ninh lấy cây đay về ngâm lấy sợi tơ trắng để hóa trang làm râu, tóc cho giống Bác. Để có “đất” diễn, nghệ sĩ Văn Tân viết hoạt cảnh ngắn “Kỷ niệm cao quý”, kể về một lần Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ Thủ đô, động viên quân, dân ta bắn cháy máy bay Mỹ. Sau 4 năm trời âm thầm tập luyện, ông mạnh dạn đề đạt và được lãnh đạo Đoàn đồng ý… Ngày 17/1/1974, hoạt cảnh được Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc đưa lên sân khấu, Văn Tân lần đầu vào vai Bác Hồ.

 NSƯT Văn Tân tại nhà riêng.

NSƯT Văn Tân tại nhà riêng.

Khi tôi xuất hiện trên sân khấu, nhiều người không khỏi bất ngờ vì hình dáng khá giống Bác. Hoạt cảnh không dài, nhưng càng xem mọi người càng thấy thuyết phục. Kết thúc vai diễn, nhiều đại biểu tiến đến ôm diễn viên mà chảy cả nước mắt; anh em vừa động viên chúc mừng, vừa xúc động bảo cảm thấy như được gặp Bác ngoài đời thật”, NSƯT Văn Tân kể lại.

Từ thành công ban đầu đó, nghệ sĩ Văn Tân đi diễn nhiều nơi, trong nhiều chương trình, phục vụ nhiều đối tượng, ở đâu ông cũng được khán giả nồng nhiệt cổ vũ. Năm 1984, đi diễn ở Cao Bằng, khi diễn viên vừa bước lên sân khấu thì nhiều người òa lên khóc và chen nhau đến gần hơn để được thấy Bác. Có cựu chiến binh xưa từng phục vụ Bác ở hang Pác Bó, bây giờ thấy hình ảnh Người trên sân khấu, họ rưng rưng xúc động nói: “Bác ơi, mấy chục năm nay giờ con mới được gặp lại Bác”. Những kỷ niệm như vậy khiến ông cảm động, vui và hạnh phúc lắm.

Lại có một lần vào năm 1992, khi ông đi diễn ở Quân khu 9, gặp mặt các Anh hùng thời chống Mỹ, chống Pháp, nhiều cụ tuổi cao, nặng tai, mắt kém nhưng cứ nắm tay nghệ sĩ, bảo: “Bác ơi, chúc Bác mạnh khỏe”. Rồi có lần ông đi diễn ở Củ Chi, nhiều bà má lên sân khấu khóc và nói rất cảm động: “Do chiến tranh ác liệt mà nay Bác đã đi xa nên không có cơ hội được gặp Bác, nay chúng tôi rất biết ơn nghệ sĩ đã vào vai Bác”.

NSƯT Văn Tân cười vui và cho biết, dù đã hơn 30 năm rồi nhưng ông vẫn nhớ như in ngày 18/5/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức cho các nghệ sĩ thể hiện hình tượng Bác Hồ qua các thời kỳ biểu diễn báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng lúc đó là nhạc sĩ Trần Hoàn đã chọn 5 người là các nghệ sĩ Văn Tân, Tiến Hợi, Đức Trung, Tiến Thọ, Sĩ Hùng. Sau này có người nhận xét, Văn Tân là một trong số ít nghệ sĩ “đóng đinh” trong lòng người xem với vai Bác Hồ và thời điểm ông “định danh” tên tuổi của mình chính là ngày 18/5/1992 đáng nhớ đó.

Làm gì cũng hướng về Bác

Dù đã có hàng nghìn lần thể hiện vai Bác Hồ trên sân khấu, nhưng với NSƯT Văn Tân lần nào đóng vai Bác ông cũng thấy như lần đầu tiên nhập vai và luôn phải học. Theo ông, muốn thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ thì từ ngoại hình, giọng nói, cử chỉ phải để người xem cảm nhận được đó chính là Bác. May mắn là trong cuộc đời, nghệ sĩ Văn Tân đã có 2 lần được gặp Bác vào năm 1961 và 1963. Ông được đứng gần Bác, được nghe Bác nói chuyện, được cùng hát với Bác bài ca Kết đoàn. Trong hình dung của ông, Bác Hồ hiền từ, phúc hậu, giản dị và luôn vui vẻ... Hai lần trực tiếp gặp Bác Hồ đã giúp nghệ sĩ Văn Tân rất nhiều trong việc thể hiện hình tượng Bác sau này.

 NSƯT Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu với những người thợ mỏ Quảng Ninh, năm 2023.

NSƯT Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu với những người thợ mỏ Quảng Ninh, năm 2023.

Rồi sau đó, nhờ việc vào vai Bác thành công, từ năm 1978 đến 1981, nghệ sĩ Văn Tân nhiều lần được mời ra Hà Nội, được ở lại cùng làm việc với Thư ký riêng của Bác là đồng chí Vũ Kỳ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông được các đồng chí: Vũ Kỳ, Hà Huy Giáp, Đặng Xuân Kỳ kể nhiều mẩu chuyện về đời sống, về cốt cách, phong thái của Bác, tác phong của Bác khi tiếp khách trong và ngoài nước… Cuối đợt làm việc, ông được tặng cuốn băng ghi âm 13 bài Bác diễn thuyết, nói chuyện, đọc thơ. Ông còn được đồng chí Vũ Kỳ chọn cho bộ kaki, đôi dép cao su được làm theo đúng mẫu trang phục của Bác.

Có được tài liệu quý, nghệ sĩ Văn Tân đem về nghe, đọc miệt mài, suy ngẫm về văn phong, câu chữ, ngôn từ của Bác. Việc bắt chước giọng nói của Người khá khó khăn bởi Bác Hồ có chất giọng miền Trung pha Bắc rất trầm ấm, còn giọng của ông lại cao. Thế là ông vào Nghệ An quê Bác cả tháng trời để luyện tiếng, luyện tập sao cho lời nói truyền cảm, kết hợp được ánh mắt, dáng dấp và cử chỉ trong sinh hoạt hàng ngày của Bác. NSƯT Văn Tân nói rằng, phong cách Bác Hồ nhanh nhẹn nhưng không vội vã, khúc triết mà thần thái tinh anh, lỗi lạc nhưng mềm dẻo...

“Tôi là nghệ sĩ đầu tiên đóng vai Bác, nên không có ai đi trước để học. Nhưng thế mạnh của tôi là cái tình và ham học, lại được thầy, được đồng nghiệp giúp đỡ nên không lo. Từ năm 1970 đến giờ, bất kể làm gì tôi cũng hướng về Bác, tất cả những hiểu biết về cuộc đời cách mạng của Người đã ngấm vào máu, nên khi diễn rất tự nhiên thôi, không có gì khó khăn cả”, NSƯT Văn Tân nói.

Nhưng cái khó nhất khi thể hiện Bác không nằm ở ngoại hình trên sân khấu. Theo NSƯT Văn Tân, diện mạo có thể hóa trang, quần áo, giày dép có thể bắt chước, lời thoại có thể học thuộc, thần thái, giọng nói có thể luyện tập… Điều quan trọng nhất mà người nghệ sĩ cao tuổi đau đáu, đó chính là làm sao để tư tưởng, đạo đức của Người thật sự thấm vào bản thân, trở thành một phần trong cách sống, cách làm việc của mình và truyền tải được điều đó đến mọi người.

Ông cũng bảo rằng, vào vai Bác không được qua loa, đại khái, làm cho xong mà phải tỉ mỉ, chân thực đến từng chi tiết và cần phải rèn luyện, học hỏi cả đời. Bởi vậy, từng buổi biểu diễn đều được ông chuẩn bị, chăm chút kỹ lưỡng nhất. Khi rời sàn diễn, về với cuộc sống đời thường, ông cũng luôn ý thức gìn giữ hình ảnh của mình cho đẹp, để có thể bảo vệ hình ảnh Bác. Niềm vui hàng ngày của ông là được kể chuyện về Bác Hồ cho những người xung quanh với mong muốn lan tỏa những đức tính tốt đẹp của Người.

81 tuổi đời, NSƯT Văn Tân vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ông sẵn sàng rời căn nhà nhỏ ở thành phố Bắc Giang để đến với những vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con; vai diễn của ông vẫn giữ được cái duyên rất riêng khi thể hiện hình tượng vị Cha già dân tộc…

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nsut-van-tan-hoc-bac-qua-tung-vai-dien-post309795.html