NTM gắn với xây dựng 'nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại'
Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng 'nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh'. Đặc biệt, tỉnh đang hướng tới phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.
Huyện Đại Từ có 10/27 xã nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, là nơi có khí hậu trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng, có bản sắc dân tộc đậm đà, có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, văn hóa, tâm linh của huyện.
Phát huy thế mạnh địa phương
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, những năm qua huyện Đại Từ đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nhờ đó, huyện đang tạo ra hướng đi riêng phù hợp với đặc thù, trong đó có việc tận dụng tối đa lợi thế về đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, bản sắc văn hóa, để tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Với diện tích hơn 2 ha, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Hòa Bình, xã Khôi Kỳ, đang xây dựng vùng chuyên canh cây nông nghiệp. Với mục tiêu hướng đến xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm, HTX đã tập trung phát triển các cây trồng như cây nho hạ đen, cây hoa Lan... Bước đầu, mô hình đã hình thành lên không gian xanh.
Anh Lê Đăng Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Hòa Bình chia sẻ, HTX đã hình thành được mô hình, cảnh quan, có khu vực riêng cho sản xuất hoa quả, cho chụp ảnh.
“Về cơ bản chúng tôi đã xây dựng được không gian xanh để du khách yêu thích nông nghiệp đến trải nghiệm. Nhiều du khách sau tham quan còn mua nông sản về làm quà. Việc kết hợp với du lịch cũng là một hình thức tiêu thụ nông sản, khi cung cấp cho người tiêu dùng biết rõ quy trình sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra, tiêu thụ sản phẩm an toàn tại chỗ”, Ông Lê Đăng Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình, cho hay.
Anh Nông Văn Quyền, thành viên HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Hòa Bình, chia sẻ: Gia đình tôi đã nhiều đời gắn bó với nghề nông, đến thời chúng tôi cũng vậy. Tuy vậy, sau một vài chuyến tham quan, tôi nhận thấy quê mình cũng có nhiều cảnh đẹp, đất đai rộng rãi, khí hậu lại ôn hòa, nếu không làm du lịch thì quả thực lãng phí. Vậy là hai vợ chồng tôi nung nấu ý tưởng xây dựng một địa điểm du lịch ngay trên chính mảnh ruộng, nương chè nhà mình. Với vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng, chúng tôi san gạt đồi bãi, bố trí các tiểu cảnh phù hợp để du khách có thật nhiều góc tham quan, chụp ảnh, song vẫn phải giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có và không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Tại xã La Bằng, tận dụng dòng suối Kẹm trong xanh, điều kiện tiểu khí hậu mát mẻ, cùng nhiều đồi chè đẹp, một số hộ dân ở xã đã xây dựng các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du khách. Đến nay, xã đã có 2 địa điểm lưu trú dưới dạng Homestay, 6 cơ sở phục vụ ăn uống.
Chị Nguyễn Thị Chinh, xóm Tân Sơn, xã La Bằng cho biết: “Du khách khi đến chụp ảnh mọi người có thể ở lại thưởng thức món đặc sản cá Tầm, những món của khu vực rừng núi như măng rừng, nộm hoa chuối, rau dớn...”.
Hướng đi mới trong xây dựng NTM của huyện
Mô hình sinh thái trên địa bàn huyện Đại Từ chủ yếu dựa trên cơ sở cảnh quan tự nhiên và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất chè.
Những năm gần đây, nhiều HTX, tổ hợp tác đã quan tâm chỉnh trang đồi chè, tạo dựng không gian thưởng trà, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, phát triển đa dạng các sản phẩm chè làm quà biếu để phục vụ du khách. Đồng thời, góp phần lan tỏa, đưa thương hiệu chè Đại Từ vươn xa.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng, xã La Bằng cho biết, ngoài hoạt động sản xuất, vài năm gần đây, chúng tôi còn đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đồi chè, cùng tham gia hái chè và chế biến chè với bà con. Thành viên HTX là những người làm chè sẽ trực tiếp hướng dẫn, trải nghiệm cùng du khách. "Nhằm hướng tới phát triển chuyên nghiệp, chúng tôi đang tích cực cử các thành viên tham dự nhiều lớp tập huấn về du lịch, đi tham quan các mô hình du lịch nông thôn trong và ngoài tỉnh", bà Hải nói.
Bên cạnh cây trồng thế mạnh là chè, thì vườn cây ăn quả trải khắp các xã Khôi Kỳ, Tiên Hội, Hoàng Nông, Quân Chu… cũng bước đầu được bà con đưa du khách vào trải nghiệm. Đặc biệt là những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến thời điểm này, huyện Đại Từ có trên 30 sản phẩm OCOP tiêu chuẩn từ 3-4 sao, trong đó nhiều nhất là sản phẩm chè. Với diện tích trên 6.600ha chè, cùng hơn 50 làng nghề, làng nghề chè truyền thống, cây chè đã mang lại “lợi ích kép” cho người nông dân khi vừa là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, vừa có ý nghĩa phát triển du lịch gắn với văn hóa trà... Ngoài thế mạnh về cây chè, hơn 2.000ha cây ăn quả với các vùng trồng tập trung cũng cho thấy sự trù phú trong phát triển nông nghiệp và tiềm năng đẩy mạnh du lịch nông thôn.
Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại từ cho biết: “Sau khi quy hoạch nông nghiệp thì các gia đình có thể phát huy thế mạnh môi trường nông nghiệp của địa phương mình chứ không chỉ riêng cây chè mà cả cây ăn quả, vùng du lịch xanh”.
Với những điều kiện tự nhiên của huyện Đại Từ cùng với việc sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra những vùng nông nghiệp có giá trị và tạo ra những vùng quê đáng sống.
Nỗ lực hoàn thành huyện NTM năm 2023
Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Để sớm về đích huyện NTM trong năm 2023, huyện đã phát động phong trào thi đua “Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện NTM” với sự hưởng ứng của các cấp, các ngành và nhân dân. Huyện xác định, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia.
Hiện nay huyện có 27/27 xã đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2025. Với yêu cầu có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao thì huyện đã có 2 xã đảm bảo yêu cầu nói trên, 2 xã còn lại đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đại Từ có 2 thị trấn là Hùng Sơn và Quân Chu đều hội tụ đủ các tiêu chuẩn đạt đô thị văn minh. Trong số 9 tiêu chí đối với huyện NTM, Đại Từ đang tập trung thực hiện 2 tiêu chí đó là quy hoạch và giao thông. Đến nay, tiêu chí quy hoạch đã hoàn thiện đồ án và trình UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt theo quy định. Việc thực hiện tiêu chí giao thông đang được tiến hành khẩn trương xây dựng 2 tuyến đường với khối lượng công việc đến thời điểm hiện tại đạt 50%.
“Để xây dựng NTM nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, huyện đã và đang tăng cường ứng dụng, chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông và đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, ông Phạm Quang Anh chia sẻ.