Nữ bác sĩ chia sẻ kỷ niệm, từng bị bệnh nhân hung hãn tát một cú như trời giáng
Nhắc đến Bệnh viện Tâm thần, phần lớn mọi người đều nghĩ nơi đây toàn là những người dở hơi, điên khùng, ngập tràn những áng mây đen u ám. Có người muốn tỉnh mà không thể tỉnh. Họ sống mê mê, thực thực và đôi lúc dữ tợn như con thú hoang… Dù có lúc bị bệnh nhân xem là 'kẻ thù', nhưng những thiên thần áo trắng hàng ngày vẫn cần mẫn gieo hy vọng cho chuyến trở về từ 'cõi điên'.
Cuộc sống sau cánh cổng "nhà thương điên"
So với những người đồng nghiệp trong ngành, có lẽ đội ngũ cán bộ y tế trong lĩnh vực tâm thần phải "gánh" thêm nhiều áp lực về chuyên môn, tâm lý. Đặc biệt, đối với những nữ y, bác sĩ hàng ngày phải đối mặt với "người điên" thì áp lực càng tăng thêm gấp bội.
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp ghé thăm Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, thấy chúng tôi – những "người lạ" đến thăm, nhiều người giật mình ngồi dậy lùi vào phía sau tường, tránh đi chỗ khác. Có người lại nhanh chân chạy đến cười toe toét xin thuốc lá, bánh kẹo….
Hơn 4 năm gắn bó với những bệnh nhân tâm thần tại khoa cấp tính nữ, bệnh nhân của điều dưỡng Trần Thị Bích Hằng ở nhiều độ tuổi, đó có thể là cô sinh viên trẻ bị trầm cảm, một người đàn bà trung niên tâm thần phân liệt hay một bà cụ đã không còn tỉnh táo... Công việc của chị và nhiều đồng nghiệp khác là chăm sóc, hỗ trợ điều trị và trở thành những "người bạn", "con gái", "con trai", "em gái", "anh trai"… của những bệnh nhân.
Cửa phòng số 02 mở ra, nơi có 5 giường bệnh, một người phụ nữ dáng thấp đậm, ngồi chải tóc cho con gái, tâm trang nặng trĩu. Dường như người phụ nữ ấy đang đầy tâm trạng, thấy chúng tôi chị luống cuống gấp gọn thu dọn những vật dụng đứa con gái bé bỏng vừa vứt xuống đất.
Theo lời kể của điều dưỡng, cháu bé được mẹ chăm sóc ấy là em Trần Khánh L. (17 tuổi, trú tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên), một tháng trước em có biểu hiện sao nhãng việc học, mất ngủ, thường xuyên la hét, gia đình cứ nghĩ em căng thẳng chuyện học tập nên có phần sao nhãng. Chỉ đến khi tình trạng của L. trở nặng, gia đình mới đưa đi thăm khám thì được các bác sĩ cho biết em đang ở giai đoạn hưng cảm phải nhập viện điều trị.
"Gia đình tôi phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, tôi không nghĩ cháu còn bé mà đã mắc phải căn bệnh này, không biết tương lai của cháu sẽ như thế nào", bà Phan Thị Lương, mẹ của L. nước mắt ngấn lệ nói.
Ngồi cạnh vợ, trò chuyện cùng vợ, thỉnh thoảng lại bóp tay, chân cho vợ, anh Nguyễn Văn Công (chồng bệnh nhân Nguyễn Thị Hà) không giấu nổi nỗi buồn: "Vợ tôi bị trầm cảm, hay không làm chủ được cảm xúc. Thương vợ, tôi đành bỏ việc để vào đây chăm, hi vọng cô ấy sẽ sớm khỏi bệnh".
Theo anh Công, vợ chồng có với nhau 3 mặt con, đứa lớn năm nay học lớp 12, nhưng mẹ thường xuyên ốm đau, tinh thần bất ổn nên anh đành gửi 3 đứa con nhờ ông bà nội chăm sóc, còn bố mẹ cứ thường xuyên lui tới bệnh viện điều trị. Hiện cuộc sống của vợ chồng anh cũng gặp nhiều khó khăn, bởi anh là lao động chính trong gia đình nhưng lại thường xuyên phải nghỉ việc để vào viện chăm vợ.
Ngồi trên ghế đá, hai tay đan chặt với nhau, ánh mắt nhìn xa xăm, năm nay đã hơn 50 tuổi, nhưng bệnh nhân Nguyễn Quỳnh Hoa đôi lúc vẫn như một đứa trẻ. So với nhiều bệnh nhân khác, người đàn bà ấy mang trong mình nhiều nỗi đau. Thấy người lạ, bệnh nhân Hoa chỉ biết cúi mặt, chạy nhanh vào phòng nằm úp mặt xuống, miệng liên tục lẩm bẩm những từ mà chúng tôi nghe không hiểu.
Thấy chúng tôi có vẻ hoang mang, điều dưỡng Trần Thị Bích Hằng chia sẻ: "Bệnh nhân Hoa bị tâm thần phân liệt đã hơn 12 năm, bệnh nhân này cũng từng có một gia đình hạnh phúc nhưng từ ngày hai vợ chồng ly hôn. Bệnh nhân nuôi đứa con trai thì phát bệnh. So với các bệnh nhân khác, bệnh nhân Hoa có hoàn cảnh éo le hơn, mẹ đơn thân nuôi con, bản thân lại bị bệnh nên không ai chăm sóc. Hiểu được khó khăn của bệnh nhân, chúng tôi đã đi xin cơm từ thiện cho bệnh nhân".
Gồng mình khi bị chửi, đánh
Hơn 8 năm gắn bó với "người điên", bác sĩ Lê Thị Quỳnh Nga là nữ bác sĩ hiếm hoi đang làm việc tại bệnh viện này. Những năm đầu làm việc ở bệnh viện, bác sĩ Quỳnh Nga vẫn nhớ như in giọt nước mắt khi vào nghề, đó là những lần chị bị đánh vô cớ bởi sự kích động của bệnh nhân, đó là những lần chị bị bệnh nhân xé áo… Tất cả những kí ức ấy vẫn luôn theo chị trong suốt những năm tháng hành nghề.
Với nét mặt thoáng buồn, bác sĩ Quỳnh Nga vẫn không thể quên được trường hợp của bệnh nhân tên Hòa. Bệnh nhân được người thân đưa đến bệnh viện khám với tinh thần bất ổn, liên tục cáu gắt, hung hãn như một con thú.
"Thời điểm đó, tôi mới chân ướt chân ráo vào nghề, mặt đối mặt với bệnh nhân kích động tôi cũng rất sợ. Bệnh nhân Hòa hoang tưởng mạnh, thường tưởng mình bị tấn công, trước thời điểm được người nhà đưa đến thăm khám, ở nhà bệnh nhân cũng thường dùng hung khí tấn công người xung quanh. Khi đưa bệnh nhân đến viện người nhà cũng không dám vào hỗ trợ cùng bác sĩ, để lại tôi mặt đối mặt với bệnh nhân. Bệnh nhân kích động, tôi bị bệnh nhân bất ngờ tát một cú như trời giáng".
Cũng theo bác sĩ Nga, thời điểm đó chị rất sợ nhưng cũng phải cố trấn an bản thân để khiến cho bệnh nhân thả lỏng. May mắn, sau thời gian trò chuyện, bệnh nhân đã đỡ kích động hơn và chịu hợp tác với bác sĩ.
Trước khi theo chân y, bác sĩ đến thăm bệnh cho bệnh nhân, chúng tôi đã được bác sĩ Nga đề cập trước về sự hung hãn, kích động có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân tại đây, nhưng chúng tôi không giấu được cảm giác lo lắng, nhất là khi nhìn vóc dáng thấp gầy của bác sĩ Nga lọt thỏm trong "vòng vây" những bệnh nhân có phần "điên dại".
Gắn bó với "người điên" hơn 4 năm, số lần điều dưỡng Trần Thị Bích Hằng bị bệnh nhân tấn công không thể đếm xuể, nhẹ thì bị xé quần áo, nặng thì bị bệnh nhân tấn công đến chảy máu.
Nhớ lại những lần "thoát chết trong gang tấc", chị Hằng kể: "Trong một lần đang cho bệnh nhân uống thuốc, khi vừa đưa thuốc lên thì bệnh nhân Trần Thị Đông rút thanh chắn giường ném qua người, may mắn tôi né được không thì không biết như thế nào. Một lần khác, khi đang phát thuốc cho bệnh nhân Nguyễn Thị Lương (bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt), bất ngờ tôi bị bệnh nhân lao tới cào rách mặt, đồng nghiệp phải hỗ trợ, tôi mới thoát khỏi bệnh nhân để đi băng bó vết thương".
Bác sĩ Trần Hữu Anh – Trưởng khoa cấp tính nữ: "So với những người đồng nghiệp trong ngành, những cán bộ y tế trong lĩnh vực tâm thần nói chung phải 'gánh' thêm nhiều áp lực về chuyên môn, tâm lý. Đặc biệt đối với những y, bác sĩ nữ 'chân yếu tay mềm' thì áp lực lại càng tăng thêm gấp bội. Những bệnh nhân tâm thần có tâm lý phức tạp, biểu hiện bệnh đa dạng, nên chuyện bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý bị tấn công đến thương tích không còn là chuyện lạ."
Ông Nguyễn Đình Thiện – Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh cho biết: "Hiện tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đang điều trị gần 100 bệnh nhân. Hiện bệnh viện đang tự chủ 43%, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các y, bác sĩ vẫn luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân".
Theo ông Thiện, mỗi năm số bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện ngày càng gia tăng, cụ thể 2020 có đến 5.700 lượt bệnh nhân đến thăm khám, điều trị, năm 2021 là hơn 6.000 lượt".
"Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh hiện có biên chế 13 bác sĩ, trong đó có 02 bác sĩ nữ và 22 nữ điều dưỡng. So với các bác sĩ làm việc tại các bệnh viện khác, bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Tâm thần chịu nhiều áp lực hơn trong quá trình tiếp xúc và thăm khám bệnh nhân, đặc biệt là các nữ bác sĩ . Để cổ vũ các bác sĩ tiếp tục cố gắng làm việc, yên tâm công tác, tập thể lãnh đạo Bệnh viện thường xuyên thăm hỏi, động viên các bác sĩ, đặc biệt là các nữ bác sĩ; bố trí các nữ bác sĩ làm những khoa phòng ít áp lực, ít bệnh nhân kích động hơn; giảm tần suất trực cho các bác sĩ nữ so với các bác sĩ nam" – ông Nguyễn Đình Thiện – Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh chia sẻ.
Có lẽ trong các loại bệnh được con người biết tới trên thế giới này, tâm thần nằm trong nhóm bệnh rất đặc biệt. Sự đặc biệt xuất hiện từ những hoàn cảnh "không giống ai" của người bệnh, từ những hiểu lầm lệch lạc của cộng đồng về căn bệnh không lây nhiễm này. Và hơn ai hết, chúng ta càng trân quý những sự hi sinh thầm lặng của những "bông hồng thép" mặc áo blouse vẫn đang miệt mài với công việc chăm sóc "người điên", giúp họ sớm trở về với cuộc sống đời thường.