Nữ bác sĩ người Mỹ góp phần cải thiện môi trường làm việc của người lao động
Harriet Louise Hardy (23/9/1906 - 13/10/1993) là một nhà khoa học, bác sĩ người Mỹ. Bà chủ yếu nghiên cứu về độc chất học và các bệnh liên quan đến môi trường, từ đó giúp cải thiện môi trường làm việc và phúc lợi của người lao động, đặc biệt là công nhân trong các nhà máy than, bóng đèn, hóa chất…
Harriet Hardy sinh ra tại thị trấn Arlington thuộc bang Massachusetts, Mỹ. Việc phải chứng kiến người nhà liên tiếp qua đời do bệnh tật đã khơi dậy mơ ước trở thành bác sĩ của bà từ khi còn nhỏ.
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Wellesley với bằng cử nhân khoa học, bà đã đăng ký vào Trường Y khoa Đại học Cornell và được làm nội trú ở Bệnh viện Đa khoa Philadelphia, một trong số ít bệnh viện tiếp nhận sinh viên nữ vào thời điểm đó.
Bà còn làm việc tại các trường học, hướng dẫn các học sinh, sinh viên nữ về cách đối phó khi gặp tai nạn hay bị xâm hại tình dục, cũng như hậu quả của các bệnh tình dục.
Năm 1945, bà Harriet bắt đầu nghiên cứu về berili (gọt tắt là beri). Đây là một nguyên tố phổ biến trong công nghiệp, tuy nhiên lại có độc tính. Vào thời của bà Harriet, một trong các sản phẩm phổ biến có chứa các hợp chất beri chính là ống đèn huỳnh quang.
Bà Harriet đã nghiên cứu các nhà máy sản xuất bóng đèn huỳnh quang và phát hiện, nhiều công nhân mắc bệnh beriliosis (bệnh hô hấp mãn tính do hít phải khói bụi chứa beri).
Bà dành thời gian nghiên cứu, tranh luận về tác hại của beri và cùng hợp tác với một nhà khoa học nổi tiếng khác là Tiến sĩ Alice Hamilton.
Nhờ sự đấu tranh tích cực của bà, năm 1949, ngành công nghiệp đèn huỳnh quang đã đồng ý loại bỏ beri ra khỏi quy trình sản xuất.
Bên cạnh việc nghiên cứu về beri, Harriet Hardy đã đi khắp thế giới để nghiên cứu về bệnh than, ngộ độc thủy ngân và sự phát triển của phụ nữ. Bà góp phần thành lập nhiều chương trình, tổ chức, cơ quan chăm sóc y tế cho các công nhân làm việc trong môi trường độc hại.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tài trợ Harriet mở một phòng khám dành riêng cho các công nhân mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Năm 1958, bà là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm phó giáo sư lâm sàng y khoa tại Trường Y Harvard.
Các nghiên cứu của bà đã góp phần vào việc cải thiện môi trường và phúc lợi của người lao động và bà cũng nhận được các giải thưởng danh giá như Giải thưởng William S. Knudsen (1962), Giải thưởng Browning từ Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ (1974)…