Nữ bác sĩ trẻ đam mê công việc 'đón đầu hạnh phúc' cho mỗi gia đình
Nhiều năm qua, bác sĩ Trần Thị Mỹ Linh, Khoa sản - Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) luôn là một trong những người 'đón đầu niềm hạnh phúc' cho mỗi gia đình.
Ngành y luôn đòi hỏi một sự hy sinh của người làm nghề, chính vì vậy với nữ bác sĩ thì sự hy sinh đó lại càng được nhân lên gấp nhiều lần. Đó có thể là sự đánh đối thời gian vì những khó khăn, thử thách, hay đánh đổi sự quan tâm dành cho gia đình vì sức khỏe của người bệnh. Mặc dù vậy, bác sĩ Trần Thị Mỹ Linh chưa một giây, phút nào hối hận với lựa chọn của mình.
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y khoa Vinh, nữ bác sĩ Trần Thị Mỹ Linh nhận công tác ngay tại Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với cương vị bác sĩ sản khoa.
Kể về hành trình của mình, bác sĩ Linh chia sẻ: "Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ở cấp THCS, mình đã bắt đầu có mong muốn trở thành bác sĩ vì chị gái mình khi đó đã là một bác sĩ trông rất "ngầu". Có lẽ vì đã trải qua những nỗi vất vả khi làm nghề mà trông chị luôn có nét "ngầu" như vây. Rồi từ đó, ước mơ được trở thành bác sĩ của mình cứ dần một lớn thêm.
Ngày ấy, học lực của mình ở mức trung bình, mà để trở thành bác sĩ thì phải học thật giỏi. Vì thế mình đã phải nỗ lực rất nhiều. Và cuối cùng những cố gắng cũng được đền đáp khi mình đã tốt nghiệp được trường y, trở thành một bác sĩ thực thụ. Nhìn lại mới thấy hành trình đó thật dài…".
Là bác sĩ trẻ mới ra trường, bác sĩ Linh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau mỗi lần chứng kiến những khoảnh khắc em bé chào đời, niềm hạnh phúc dâng trào với người mẹ và những thành viên trong gia đình, lòng bác sĩ trẻ lại thấy nhẹ nhõm. Mệt nhọc, vất vả khi đó dường như cũng tan biến theo.
Vào nghề chưa lâu, nhưng bác sĩ Linh cũng đã nhận về cho bản thân rất nhiều cảm xúc. Ấn tượng đọng lại cho bác sĩ nhiều nhất là khoảnh khắc tiếp xúc lần đầu giữa mẹ và bé. Y học gọi đó là phương pháp "da kề da sau sinh".
"Khoảnh khắc thiêng liêng ấy đã xua tan đi mọi nỗi đau của người mẹ, thay vào đó lại là nụ cười hạnh phúc khi ngắm nhìn em bé nằm trên lồng ngực. Trước đó em bé chào đời khóc rất lớn, sau khi được tiếp xúc da kề da với mẹ, thì lại lặng thinh chăm chú cảm nhận từng hơi ấm, nhịp tim, nhịp thở của mẹ. Ấy là sự thiêng liêng cao cả của tình mẫu tử nơi phòng đẻ - sự thiêng liêng có thể chạm đến trái tim mỗi người", bác sĩ Linh tâm sự.
Được xem là người "đón đầu niềm hạnh phúc" của mỗi gia đình, bác sĩ Linh đã nhận được nhiều lời khen, lời động viên từ những đồng nghiệp và từ chính gia đình của các sản phụ. Đó là những lời động viên kịp thời, giúp bác sĩ không ngừng cố gắng, luôn trau dồi thêm kiến thức để ngày càng làm tốt sứ mệnh của mình.
"Thời điểm chuyển sinh, mình nhận thấy bản thân giống một người trung gian đưa những thiên thần nhỏ ra ngoài gặp bố mẹ. Thay vì chỉ cảm nhận thì bố mẹ có thể nhìn thấy em trực tiếp. Mọi hạnh phúc vỡ òa khi em bé cất tiếng khóc đầu tiên. Trong khoảnh khắc đó mình nhận thấy sứ mệnh không chỉ riêng mình, mà còn là của tất cả những bác sĩ sản phụ khoa là rất cao cả", Bác sĩ Linh xúc động nói.
Bản thân mới vào nghề chưa được lâu, nhưng bác sĩ Linh cũng đã phải chứng kiến những ca sinh không thuận lợi. Bác sĩ cho biết: "Khi nhìn thấy nỗi mất mát của người mẹ, trái tim mình cũng như bị bóp nghẹn, không thể tránh khỏi nỗi xót xa".
Một gia đình hạnh phúc
Khi rời bệnh viện, bác sĩ Trần Thị Mỹ Linh trở lại làm một cô gái hồn nhiên, với điểm tựa vững chắc là gia đình, nơi đó có cha, mẹ, cùng các anh chị em của mình. Họ đã luôn đồng hành trong mỗi khó khăn, thử thách, hỗ trợ bác sĩ Linh có thể yên tâm, đứng vững trong sự nghiệp.
Với tính chất công việc cường độ cao, thời gian hầu hết đều ở bệnh viện, nhưng mỗi khi có thời gian rảnh cô gái trẻ ấy lại tranh thủ dành thời gian cho gia đình của mình. Trong những bữa cơm, cô luôn cảm thấy hạnh phúc khi có thể vừa ăn những món ngon do chính tay mẹ nấu, lại vừa có thể tâm sự cùng các thành viên trong nhà.
"Biết mình phải trực đêm nhiều, các thành viên trong gia đình đều rất cảm thông, luôn tạo mọi điều kiện để mình có thể hoàn thành tốt công việc. Ngoài ra, họ còn là điểm tựa vững chắc để mình có thể dựa vào mỗi khi mệt mỏi, giải tỏa được áp lực công việc.
Mẹ là người lo lắng cho mình nhiều nhất. Bà cũng là người luôn lắng nghe những tâm sự của mình, từ công việc đến cuộc sống. Mẹ luôn cho mình những lời khuyên hữu ích, gỡ rối cho mình trong mọi tình huống. Có mẹ và gia đình ở bên, mình có thêm động lực để phấn đấu thật nhiều hơn nữa", cô bác sĩ trẻ tâm sự.