Nữ bác sỹ coi nước Nga là quê hương thứ 2 của mình
BS Lê Thị Minh Hương: 'Tôi coi nước Nga là quê hương thứ 2 của mình vì sang đây từ khi mới 19 tuổi – lứa tuổi đầy nhiệt huyết và hoài bão'.
Trong những ngày này, nhiều thế hệ lưu học sinh Việt Nam đã, đang sống và học tập tại nước Nga Xô viết đều tràn ngập những kỷ niệm, tình cảm và hình ảnh khó phai về đất nước mà họ vô cùng yêu mến. PGS TS BS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong số đó.
Hình ảnh nước Nga in đậm trong trái tim
Nói về kỷ niệm của mình tại đất nước Nga, BS Lê Thị Minh Hương xúc động nói: “Tôi coi nước Nga là quê hương thứ 2 của mình vì sang đây từ khi mới 19 tuổi – lứa tuổi đầy nhiệt huyết và hoài bão.
Từ thời học phổ thông được xem bộ phim chiến đấu liên cơ, rồi sang Nga từ khi mới 19 tuổi, tôi rất ngưỡng mộ họ. Vừa đến sân bay, nhìn hàng Bạch Dương - loài cây được coi là quốc thụ, linh hồn của đất nước Nga vĩ đại, tôi vô cùng ấn tượng.
Tôi có may mắn được sống và học tập tại thành phố Saint Peterbourg – một thành phố cổ của nước Nga rất yên bình, con người nơi đây rất thân thiện. Sau khi học xong đại học, tôi quay trở lại nước Nga làm nghiên cứu sinh tại thành phố Moscow 5 năm. Có lẽ nước văn hóa cũng như cái chất của người Nga đã ngấm vào tôi từ lúc nào. Cuộc sống thiên nhiên, cách sống người Nga rất đôn hậu, bộc lộ qua lời ăn tiếng nói và rất cởi mở”.
BS Hương cho biết, bà rất cảm ơn nước Nga, coi nước Nga như máu thịt của mình: “Nước Nga đã mang tôi đến với nghiệp Y khoa. Dù đã về nước nhưng các anh chị em chúng tôi cứ vào dịp tháng 10 và tháng 11 lại tụ tập với nhau, ôn lại kỷ niệm thời thanh niên sôi nổi, uống rượu, ăn những món ăn Nga tự làm”.
BS Hương tự hào nói: Chúng tôi cố gắng áp dụng những gì đã học ở nước Nga về đóng góp cho Việt Nam để không phụ công các thầy cô giáo đã dạy dỗ và giúp đỡ khi đất nước còn nghèo đói. Chúng tôi cũng luôn gắn kết tình cảm giữa Việt Nam với Nga qua các mối quan hệ. Ở Đại sứ quán Nga, các cháu bị ốm đau chúng tôi nhiệt tình khám chữa. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có rất nhiều bác sĩ đã học ở trường Saint Peterbourg và có quan hệ tốt với Đại sứ quán”.
“Đấy là những kỷ niệm không bao giờ phai. Dù đã đi rất nhiều nước châu Âu, châu Á nhưng điều lắng đọng lại vẫn là nước Nga, thiên nhiên đẹp, con người Nga chân thành và văn hóa lâu đời”- BS Hương nói.
Kể về thời kỳ đi học, BS Hương cho biết, nước Nga có nền giáo dục rất cơ bản và bà được học chuyên ngành Nhi ngay từ thời Đại học và bà được thực tập các bệnh viện Nhi tại Nga. Được đào tạo bài bản về Nhi và sau đó về công tại tại bệnh viện lớn chuyên về nhi là điều vô cùng tuyệt vời.
Những năm 90, đất nước Nga phát triển và đi sâu về một số chuyên ngành nhi (hô hấp, dinh dưỡng) cũng như mô hình bệnh tật mới những bệnh về di truyền chuyển hóa nội tiết. Năm 1997, bà quay lại Nga học chuyên ngành dị ứng miễn dịch.
Về nước, những kiến thức được học đã áp dụng tại BV Nhi Trung ương. BV Nhi là nơi đầu tiên ở Việt Nam thành lập chuyên khoa Dị ứng Miễn dịch khớp, thu hút nhiều chuyên gia và điều trị cho bệnh nhân bị dị ứng miễn dịch hoặc có các chứng về khớp. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng phát triển những chi hội về dị ứng miễn dịch để đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng mô hình trong cả nước.
Theo đuổi chuyên ngành Nhi là duyên nợ
Sinh ra trong gia đình có bố là một trong những bác sĩ nổi tiếng về Răng Hàm Mặt nhưng bà lại theo đuổi chuyên ngành Nhi vừa nhọc vừa khó. Có lẽ đây là “duyên nợ” với trẻ con bởi nghề đã chọn bà. Bà cho biết, bà từng đi khám bệnh nhân lớn tuổi ở Nga, họ cứ bảo đau chỗ nọ đau chỗ kia nhưng thực ra chả đau chỗ nào hết mà thích ở lại bệnh viện cho vui. Đối với trẻ con, khi đứa trẻ ốm đau, nó kêu khóc và không biết nói dối. Điều quan trọng là đứa khi ốm nhìn ỉu xìu nhưng lúc khỏi lại vui đùa xinh xắn. Mỗi khi nhìn những đứa trẻ như thế bà cảm thấy vui.
“Đứa trẻ nó phụ thuộc vào tất cả những người chăm sóc, mình phải hiểu về tâm sinh lý của từng đối tượng. Mình tư vấn phù hợp, nhẹ nhàng để người nhà hiểu để chăm sóc chúng một cách tốt nhất. Thuốc chỉ là một phần hỗ trợ và điều quan trọng là phải hiểu tâm lý đứa trẻ.
Hồi ở Nga, khi còn là một sinh viên, chúng tôi rất ngưỡng mộ 1 giáo sư đẹp như “ông Tiên”, ông ấy có kỹ năng giao tiếp với các bệnh nhân, người mẹ và những người xung quanh rất tuyệt vời. Ông ấy tiếp xúc, vuốt ve, nịnh đứa trẻ và tư vấn rất tận tình cho bà mẹ hoặc người chăm sóc. Đó là hình ảnh và cũng là tấm gương để chúng tôi noi theo và áp dụng trong công việc hàng ngày của mình.” - BS Lê Thị Minh Hương chia sẻ.
Không chỉ BS Hương mà bất cứ ai được đào tạo tại Nga đều tự hào vì những kiến thức mà mình đã được học. BS Hương tâm sự, bà đã gặp may trong cuộc sống và nghề nghiệp. Bởi về nước làm việc đúng chuyên ngành mình đã học và lại làm việc ở BV Nhi Trung ương, nơi có các thầy thuốc rất giỏi, dạy bà nhiều điều trong công việc cũng như trong cuộc sống. Tính đến nay, BS Hương đã làm việc tại BV Nhi được 26 năm.
Mang kiến thức học được về phục vụ đất nước
Chia sẻ về lĩnh vực y khoa ở Nga, BS Hương cho biết: Ở Nga điều kiện y tế cho Nhi khoa rất phát triển. Ví dụ: 1 bệnh nhân chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh, bác sĩ đến từng nhà trong 1 tháng đầu để dạy cho bà mẹ biết cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng... như bác sĩ gia đình. BS Hương mong muốn, mô hình này được triển khai ở Việt Nam.
Gần 30 năm gắn bó với các bệnh nhân nhi, điều hạnh phúc nhất đối với bác sĩ Lê Thị Minh Hương là từng bước cập nhật những kiến thức khoa học nước ngoài và ứng dụng để chẩn đoán được rất nhiều bệnh nhân trong nước mà trước đây bỏ sót. Những bệnh thông thường được kiểm soát tốt hơn. Bà mong muốn, ngành y Việt Nam được phát triển đến tận tuyến tỉnh, tuyến huyện, hệ thống nhi khoa được nối liền với mạng cơ sở.
“Tôi rất thương các cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ốm đau nhưng chưa được chăm sóc đúng cách. Lẽ ra các cháu được chăm sóc tốt hơn - đó là điều trăn trở của tôi. Vì vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm đào tạo bác sĩ ở các tuyến dưới để chăm sóc sức khỏe cho các cháu”- BS Hương thừa nhận.
Chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ trẻ, BS Hương nhấn mạnh: “Ở bên Nga, chúng tôi học chuyên sâu về nhi, hiểu được bản chất từng lứa tuổi tâm sinh lý. Ở Việt Nam, trước năm 2000, chúng ta có một hệ thống định hướng chuyên khoa từ sau năm thứ tư, các bác sĩ được 2 năm, sau đó là đào tạo bác sĩ nội trú 3 năm nữa. Bác sĩ nội trú được đào tạo dài lâu và có nhiều kinh nghiệm trong bệnh viện. Việc đào tạo cơ bản, bác sĩ hành nghề tốt hơn.
Hiện tại, chúng ta đào tạo 6 năm đều là bác sĩ đa khoa, số lượng bác sĩ đào tạo quá đông, sinh viên không được thực hành nhiều, chủ yếu là trên mô hình hoặc lý thuyết. Cho nên, khi tiếp xúc với bệnh nhân muôn hình vạn trạng, các bạn ấy chưa có kinh nghiệm.
Khi về cơ sở không được đào tạo liên tục sẽ mai một và điều trị theo một cách không ai giám sát rất khó để nâng cao chất lượng và cập nhật khoa học. Y học là khoa học mà khoa học là biến đổi, ngày hôm nay đúng nhưng mai có thể lại chưa đúng vì những nghiên cứu ngày hôm nay có thể đã phủ nhận những cái cũ”.
Với cương vị là giảng viên, BS Hương luôn truyền cảm hứng cho các em không chỉ học về nhi khoa mà còn kĩ năng yêu trẻ và thông cảm với gia đình. 2 cái này song hành với nhau sẽ tìm ra cách giúp các cha mẹ trong lúc họ bối rối.
Bí quyết để thành công, theo BS Hương là tâm lý thoải mái, làm việc hết mình. Chúng ta phải biết cân bằng giữa gia đình và nghề nghiệp. Bệnh viện Nhi Trung ương là một môi trường rất tốt để các bác sĩ phát triển sự nghiệp. Ban giám đốc tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ có khả năng cống hiến hết mình. Bệnh nhân cũng vui vì chúng tôi đem lại cho họ những nụ cười, họ cảm ơn mình thấy hạnh phúc./.
Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nu-bac-sy-coi-nuoc-nga-la-que-huong-thu-2-cua-minh-693227.vov