Nữ bí thư 'Dân tin, Đảng cử'

Khu dân cư 8 (KDC 8), xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh là một trong những KDC kiểu mẫu, đi đầu các phong trào thi đua. Có được kết quả này, người dân địa phương ghi nhận đóng góp của Bí thư Chi bộ KDC 8 Nguyễn Thị Huế, người cán bộ có 40 năm công tác luôn hết mình vì dân.

 Bà Nguyễn Thị Huế chăm sóc vườn chanh leo chuẩn bị cho thu hoạch vụ thứ 2 - Ảnh: N.T

Bà Nguyễn Thị Huế chăm sóc vườn chanh leo chuẩn bị cho thu hoạch vụ thứ 2 - Ảnh: N.T

Hiện thực hóa các chủ trương lớn

KDC 8 có trên 75 hộ dân. Những năm 2005 về trước, 100% hộ làm nông nghiệp. Mỗi hộ có nhiều thửa đất, mỗi thửa chỉ vài thước, rất manh mún, vừa không tận dụng nguồn tài nguyên đất để thâm canh lại cản trở máy móc ra vào đồng ruộng nên nông dân làm mãi thu nhập vẫn thấp. Năm 2008, xã triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về dồn điền đổi thửa. Xác định việc thay đổi cả quy mô lẫn nhận thức sản xuất nông nghiệp sẽ khó do đụng đến đất đai. Song với mong muốn người dân làm nông nghiệp đúng hướng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Huế quyết tâm dồn điền đổi thửa. Nhớ lại thời điểm cùng cán bộ xã đi vận động từng hộ dân, bà Huế chia sẻ: “Người dân ai cũng có tâm lý giữ đất, chia lại sẽ không đồng đều. Vậy nên, trước hết phải giải thích cặn kẽ giúp bà con hiểu rõ mục đích dồn điền đổi thửa là vì chính sinh kế, thu nhập của mình. Quá trình thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Khi người dân chấp thuận mới tiến hành san ủi mặt bằng, phân lô, thửa, bốc thăm giao đất. Cấp ủy đảng chỉ đạo sát sao, đảm bảo lợi ích cho từng hộ. Dồn đổi xong phối hợp cùng các cấp, ngành tập trung hoàn chỉnh hồ sơ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con”.

Cách làm của Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Huế được nguời dân đồng tình. Nhờ vậy, chỉ trong 2 tháng, KDC 8 hoàn thành dồn điền đổi thửa sớm nhất xã. Sau dồn đổi, ruộng đất trở nên liền kề, đường nội đồng được mở rộng thuận tiện cho cơ giới hóa từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Năng suất, sản lượng nông sản nhờ vậy tăng lên, bà con rất phấn khởi. Người dân những KDC khác thấy rõ hiệu quả nên đồng lòng làm theo. Từ đó, phong trào dồn điền đổi thửa đẩy mạnh khắp xã. Cùng với dồn đổi đất, bà Huế hướng dẫn Nhân dân chuyển phương thức cấy sang gieo lúa ruộng choi khe, canh tác thêm nhiều cây trồng như môn, lạc, ném… Ngoài vận động, tổ chức cho người dân phát triển sản xuất, bà Huế tổ chức hiệu quả phát triển kinh tế của gia đình mình với mô hình chăn nuôi lợn và bò, làm hầm biogas để vừa có khí đốt phục vụ sinh hoạt, vừa có nguồn phân bón cung cấp cho trồng trọt lại giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đến những năm 2015 - 2018, khi cao su, hồ tiêu, khoai môn… liên tục bị mất giá, bà Huế trăn trở tìm đối tượng nuôi trồng mới ổn định. Đầu năm 2019, khi Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc và Sở Nông nghiệp & PTNT cùng huyện Vĩnh Linh hợp tác triển khai dự án phát triển cây chanh leo, loại cây được kỳ vọng “cây xóa đói giảm nghèo”, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã, bà Huế động viên các hộ trong KDC cùng làm. Ban đầu có đến 20 hộ đăng ký tham gia nhưng khi được phổ biến quy trình, 100% hộ đều rút lui vì chi phí ban đầu cao. Để thuyết phục nông dân bằng kết quả thực tế, tháng 9/2019, bà Huế đầu tư 80 triệu đồng cho mô hình trồng thử nghiệm chanh leo trên diện tích 0,4 ha. Sau 6 tháng chăm sóc tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật, đầu tháng 3/2020, ngay lứa thu hoạch thứ nhất, vườn chanh leo đã mang về 62 triệu đồng, gần hoàn vốn. Chanh leo mỗi năm thu hoạch 2 vụ, cho thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha/năm và đến 3 năm sau mới phải trồng lại gốc chanh mới. Thấy rõ hiệu quả, nông dân trong, ngoài xã đã tìm đến tham quan, học tập làm theo, mở hướng chuyển đổi sinh kế bền vững.

Cũng đầu năm 2019, xã Trung Nam chủ trương chỉnh trang, nâng cấp đường giao thông đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Vướng mắc lớn nhất là ở công tác giải tỏa mặt bằng khi phần đất ở, đất hoa màu của 17 hộ thuộc KDC 8 sẽ bị thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng. Để giải quyết khâu này, bà Huế trực tiếp “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng NTM để người dân đồng thuận hiến hơn 3.100 m2 cùng nhiều tài sản trên đất mở đường liên thôn, xã.

Phát triển sắn dây Vĩnh Linh thành sản phẩm tiêu biểu

Sắn dây là loại cây trồng truyền thống của xã Trung Nam. Giống sắn dây ta lại được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ nên củ sai, cho ra tinh bột thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, trước đây các hộ trồng, làm tinh bột sắn dây theo phương thức thủ công, nhỏ lẻ, bán số lượng ít tại các chợ nên giá cả bấp bênh. Nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng này cùng với kinh nghiệm của mình, bà Huế tham mưu chính quyền địa phương quy hoạch vùng trồng sắn dây hàng hóa, gắn với chuỗi thu mua, chế biến, bao tiêu, tạo ra sản phẩm chủ lực để hưởng ứng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Năm 2018, bà Huế đầu tư trang thiết bị, thành lập cơ sở sản xuất “Tinh bột sắn dây Thanh Huế” đầu tiên của xã Trung Nam. Có cơ sở tại chỗ, sản phẩm được bao tiêu, nông dân toàn xã mở rộng diện tích trồng sắn dây lên gần 30 ha. Vào vụ, ngoài sản phẩm sắn dây của gia đình, bà Huế nhập thêm khoảng 20 tấn củ tươi từ các hộ trong xã để chế biến, tạo việc làm 6 - 8 lao động thời vụ. “Tinh bột sắn dây Thanh Huế” sau đó được xã Trung Nam lựa chọn làm sản phẩm tiêu biểu của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và tiếp tục trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Vĩnh Linh. “Bột sắn dây Vĩnh Linh” có chứng nhận an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, giá bán khoảng 200.000đ/ kg, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn bởi uy tín, chất lượng. Tháng 5/2020, sản phẩm “Bột sắn dây Vĩnh Linh” được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2020.

Với tư duy đi trước đón đầu, nêu gương dám nghĩ và dám làm, nhân lên niềm tin trong Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, bà Nguyễn Thị Huế đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết để đưa KDC 8 đi lên về mọi mặt. Hiện ngoài 4 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, KDC không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng/năm. Chi bộ KDC 8 liên tục nhiều năm liền được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả đạt được của KDC 8 đã tiếp động lực cho những KDC khác trên địa bàn xã sôi nổi đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhờ vậy diện mạo nông thôn mới xã Trung Nam ngày thêm khởi sắc. Cá nhân bà Nguyễn Thị Huế tạo dựng kinh tế gia đình vững chắc với tổng thu nhập 500 triệu đồng/năm. Bà được Tỉnh ủy Quảng Trị tặng bằng khen trong thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng nhiều hình thức khen thưởng khác.

Chính đội ngũ lãnh đạo “dân tin, đảng cử” ở cơ sở như Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Huế đã góp phần quan trọng xây dựng nên những chi bộ tiêu biểu, những KDC điển hình trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153543