Nữ ca sỹ phải bỏ nghề, họng đau như dao cắt do nghiện trà sữa
Vốn là ca sỹ chuyên nghiệp, Xiaoli phải giải nghệ vì mất giọng, cổ họng đau như dao cắt, không ngờ chứng nghiện trà sữa lại là nguyên nhân.
Xiaoli (biệt danh), cô gái 28 tuổi đến từ Chiết Giang, Trung Quốc, trước đây là ca sỹ chuyên nghiệp. Trả lời phỏng vấn trong một chương trình gần đây, Xiaoli cho biết cô từng đi biểu diễn khắp nơi, nhưng từ cách đây hai năm, cô thường cảm thấy giống như có dị vật trong cổ họng, thường xuyên bị trào ngược axit và ợ nóng.
Giọng Xiaoli ngày một khàn, dần dần cô mất giọng và không thể biểu diễn trên sân khấu. Khi đi khám, cô được chẩn đoán trào ngược thanh quản - hầu. Khi tìm hiểu thói quen của Xiaoli, bác sỹ cho rằng chứng nghiện trà sữa của cô chính là nguyên nhân.
Họ giải thích, việc uống quá nhiều đồ uống có đường sẽ kích thích tiết axit dạ dày. Khi vượt quá khả năng điều chỉnh của cơ thể, axit dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như nóng rát ngực, khó nuốt.
Đặc biệt, việc uống quá nhiều trà sữa có thể gây trào ngược dạ dày - thực quản bệnh lý, vì trà sữa chứa quá nhiều đường và caffeine, làm tăng tiết axit dạ dày, nhiều chất lỏng dễ bị trào ngược. Xiaoli thừa nhận rằng cô uống 3 đến 4 cốc trà sữa mỗi ngày.

Nữ ca sĩ 28 tuổi đến từ Chiết Giang, Trung Quốc phải bỏ nghề, họng đau như dao cắt do nghiện trà sữa. (Ảnh: Sohu)
Bác sỹ của Xiaoli nói rẳng số lượng bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản tăng đáng kể trong những năm gần đây, chủ yếu liên quan đến thói quen ăn uống và stress. Tình trạng trào ngược không chỉ ảnh hưởng đến thực quản mà còn gây ra bệnh bạch sản dây thanh quản, trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây ung thư.
Việc uống trà sữa trong thời gian dài cũng có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa da, mụn trứng cá, sâu răng, bệnh tim mạch, bệnh gút, mất ngủ và các vấn đề khác. Nếu bạn quá mê trà sữa thì cũng không nên uống quá một cốc và nên giảm lượng đường.
Mới đây, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, Trung Quốc cũng đưa tin về một nạn nhân đặc biệt của trà sữa. Sản phụ Li 28 tuổi ở thành phố Trịnh Châu phải sinh mổ sớm khi mang thai 32 tuần do huyết áp tăng vọt. Em bé sinh non chỉ nặng khoảng 1,6kg, phải điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.
Li không thích uống nước trong thời gian mang thai nhưng hầu như ngày nào cũng uống một đến hai cốc trà sữa. Gần đây, cô cảm thấy chóng mặt và buồn nôn, cuối cùng ngất xỉu. Tại khoa cấp cứu, bác sỹ chẩn đoán Li bị tăng huyết áp thai kỳ, kênh trao đổi máu và dinh dưỡng của thai nhi bị tắc, phải mổ lấy thai khẩn cấp để cứu sống mẹ và con. Tình trạng của Li liên quan đến việc cô nạp vào người quá nhiều axit béo chuyển hóa trong trà sữa.
Bác sỹ Xin Yanyan, Trưởng khoa Sản phụ khoa tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam, cho biết, lớp kem và sữa trong trà sữa chứa một lượng lớn axit béo chuyển hóa, khó phân hủy sau khi vào máu và dễ tích tụ trong mạch máu, gây tắc nghẽn. Bà nói: "Việc mạch máu của mẹ bị tắc nghẽn đồng nghĩa với việc đứa trẻ bị thiếu nước, thức ăn và không khí. Cách duy nhất để cứu sống là cho sinh sớm".
Đây là lần thứ ba cô Li phải nhập viện cấp cứu và vào khoa hồi sức tích cực (ICU) do chế độ ăn uống không hợp lý. Mặc dù đã có 2 lần suýt chết, cô vẫn không thay đổi thói quen của mình. Vác bác sỹ đã nhiều lần cảnh báo cô về những nguy cơ tiềm ẩn của trà sữa đối với thai nhi và mẹ, bao gồm tăng huyết áp, thiếu ôxy ở thai nhi và thậm chí khiến em bé tử vong, nhưng thai phụ vẫn không kiểm soát hiệu quả lượng trà sữa mà mình uống.