Dị vật nhỏ, hiểm họa lớn

Thực quản là nơi dẫn thức ăn vào cơ thể, nhưng cũng dễ gặp tai nạn nếu bất cẩn. Xương cá, viên thuốc còn nguyên vỏ hay tăm trong món ăn có thể gây tổn thương, viêm, thậm chí áp xe nếu không được xử lý kịp thời.

Gắp nắp chai do trẻ nuốt.

Gắp nắp chai do trẻ nuốt.

Hàng chục ca hóc dị vật đường ăn

Cùng 1 ngày, Bệnh viện đa khoa An Phước tiếp nhận 2 ca bệnh hóc dị vật. Đó là trường hợp bệnh nhân nữ (xã Hàm Thuận), nhập viện với triệu chứng nuốt nghẹn, đau rát vùng cổ. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ xác định nguyên nhân là do bệnh nhân uống nhiều loại thuốc cùng lúc và vô tình nuốt phải một viên còn nguyên vỏ vỉ. Nội soi thực quản bằng ống mềm phát hiện viên thuốc dài khoảng 18mm mắc ngang đoạn 1/3 trên thực quản. Ê-kíp bác sĩ tiến hành lấy dị vật an toàn. Tiếp đó, bệnh nhân nam (phường Hàm Thắng), bị hóc tăm nhọn do ăn mực nhồi. Tăm nhỏ, sắc nhọn, cắm sâu vào niêm mạc thực quản đoạn trên. Bệnh nhân được nội soi khẩn cấp, lấy dị vật thành công, được theo dõi sát sau thủ thuật và an toàn.

Tại Phòng khám đa khoa An Phước – La Gi, một bệnh nhân nữ (xã Hàm Tân) đến khám trong tình trạng đau họng, cảm giác nuốt vướng sau bữa ăn. Thông qua nội soi, bác sĩ phát hiện dị vật là một chiếc xương cá nhọn mắc ở vùng hạ họng bên trái. Dị vật được gắp ra an toàn, không gây chảy máu, không tổn thương thêm.

Tương tự, Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện đa khoa Bình Thuận) tiếp nhận 1 trường hợp hóc xương cá gây viêm tấy thực quản, hình thành ổ áp xe phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cấp cứu trong 3 ngày. Sau đó chuyển về Bệnh viện đa khoa Bình Thuận tiếp tục điều trị nội trú thêm 2 tuần. Trong đó, có 1 tuần bệnh nhân phải ăn qua ống thông dạ dày. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh viện này tiếp nhận 27 trường hợp hóc dị vật đường ăn và 1 trường hợp phải chuyển viện.

Cẩn trọng trong từng bữa ăn

Bác sĩ Đinh Thị Lan Anh, Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện đa khoa Bình Thuận) cho biết, các trường hợp hóc dị vật ở vùng miệng, hạ họng, thực quản có thể xử trí ngay tại phòng khám. Với những ca dị vật cắm sâu, bệnh nhân phải nhập viện để nội soi tại phòng mổ, theo dõi sát nhằm phòng ngừa biến chứng như nhiễm trùng, sưng tấy, chèn ép đường thở gây khó thở. Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng dễ hóc dị vật khi nuốt đồng xu, nắp bút, hạt nhãn… đi sâu vào thực quản gây nguy hiểm.

Theo bác sĩ Lan Anh, trái vải, trái nhãn đang vào mùa được nhiều gia đình mua về ăn. Người lớn cần bóc vỏ, bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn. Tuyệt đối không đưa nguyên trái để trẻ tự cắn vì dễ dẫn đến hóc, nghẹt thở, đe dọa tính mạng; đặt trái cây chưa sơ chế xa tầm tay trẻ. Ngoài thức ăn, trẻ nhỏ có thói quen ngậm nắp bút, pin điện tử, viên bi, đồ chơi nhỏ… gây hóc dị vật vào thực quản gây sưng nề, viêm nhiễm, áp xe, thậm chí tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Vì vậy, các bác sĩ tai mũi họng khuyến cáo, khi bị hóc dị vật, đặc biệt là xương cá hoặc vật sắc nhọn, tuyệt đối không nên tự xử lý tại nhà bằng cách nuốt cơm, uống nước hay móc họng... Những hành động này có thể khiến dị vật trôi sâu hơn, gây tổn thương nghiêm trọng. Nếu có biểu hiện đau rát họng, vướng nghẹn, khó nuốt sau ăn hoặc sau khi chơi đùa, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và can thiệp đúng cách.

TRANG HIẾU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/di-vat-nho-hiem-hoa-lon-381122.html