Nữ CEO Việt hơn 20 năm làm dâu xứ Đài, miệt mài với công tác kiều bào

Với vai trò là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Nguyễn Vy Yến, tên thường gọi là Lily, luôn nỗ lực hết mình trong công tác kiều bào ở xứ người, đồng thời cũng không quên dành thời gian giáo dục con cái biết yêu quê hương đất nước.

Hơn 20 năm trước, khi đang ở độ tuổi đôi mươi, cô gái trẻ Nguyễn Vy Yến đã đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời: rời quê nhà Cần Thơ để theo chồng sang định cư tại Đài Loan (Trung Quốc). Tới nay, xứ Đài vẫn luôn là một “miền đất hứa” với những cơ hội khởi nghiệp đa dạng, thị trường lao động rộng mở; từ đó thu hút hàng chục nghìn người Việt Nam tới tìm kiếm việc làm mỗi năm.

Buổi đầu ở “miền đất hứa”, cô dâu trẻ phải đối mặt với muôn vàn thử thách như rào cản về ngôn ngữ, bất đồng về văn hóa, kinh tế chưa ổn định,…; khiến chị gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống mới. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực phi thường, từ hai bàn tay trắng, giờ đây, người con gái Việt năm nào đã từng bước vượt qua khó khăn, tạo lập được sự nghiệp riêng ở nơi đất khách quê người và trở thành CEO của một công ty chuyên kinh doanh dòng sản phẩm chăn y tế.

Cái tên Nguyễn Vy Yến dịch ra tiếng Trung Quốc là Juan Li Yen. Vì vậy, chị đã tự gọi mình là Lily, một cái tên dễ nghe, dễ gọi, lại thuận tiện hơn trong giao tiếp với các đối tác quốc tế.

Chị Nguyễn Vy Yến, tên thường gọi là Lily. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Vy Yến, tên thường gọi là Lily. Ảnh: NVCC

Hết mình vì công tác kiều bào ở xứ Đài

Chị Lily chia sẻ, công việc kinh doanh đã mở ra cho chị nhiều cơ hội tiếp xúc với cộng đồng người Việt, đặc biệt là các cô dâu Việt Nam cùng chung cảnh ngộ. Đồng cảm và thấu hiểu với họ, vào 8 năm trước, với vai trò là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Đài Loan, chị đã thành lập tổ chức Lily Visaya nhằm mục đích giúp đỡ các cô dâu Việt sớm hòa nhập với cuộc sống mới. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 100.000 cô dâu Việt đang sinh sống ở Đài Loan.

“Về mặt tinh thần, Lily Visaya cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực,… hướng đến đối tượng là các chị em người Việt, để họ cảm thấu mình được đón nhận, được yêu thương ở nơi xứ người. Về mặt vật chất, các chị em có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Đài Loan cũng chủ động dạy tiếng, dạy nghề cho những người mới, cụ thể là kỹ năng chăm sóc sắc đẹp, phun xăm, làm nail, kinh doanh nhỏ lẻ,…”, chị Lily cho biết.

Lâu dần, những cô dâu Việt Nam học được tiếng Trung, quen với môi trường sống ở xứ Đài cũng tìm thấy cơ hội kinh doanh với những sản phẩm quê hương như cá hộp, cà phê, tương ớt, nước mắm… Thế hệ F1, F2, tức là những đứa trẻ sinh ra từ các cuộc hôn nhân giữa chồng Đài – vợ Việt sẽ được Hội người Việt Nam tại Đài Loan dạy chữ, dạy văn hóa để tương lai có thể lựa chọn trở về nước và làm việc cho các công ty Đài Loan ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, vào những dịp lễ lớn như Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán, Hội người Việt Nam ở Đài Loan đều tổ chức kỷ niệm long trọng. Hàng tháng, các thành viên trong Hội cũng gặp mặt một lần để cùng tâm sự, chia sẻ những câu chuyện ngọt bùi trong cuộc sống. Để khâu tổ chức diễn ra suôn sẻ, mỗi người đều phải cố gắng rất nhiều để thu xếp công việc cá nhân, lên kế hoạch triển khai từ sớm, tập văn nghệ để biểu diễn cho mọi người cùng xem,…

Đây cũng là những dịp hiếm hoi mà cộng đồng người Việt tại Đài Loan có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với nhau sau những tháng ngày bôn ba vất vả ở xứ người. Trong bầu không khí vui tươi, hạnh phúc, họ cùng ngồi chung mâm, nói cùng một thứ tiếng, thưởng thức các món ăn cổ truyền của dân tộc và nghe lại những lại những lời ca, tiếng hát quê hương thân thuộc mà lâu ngày vắng bóng. Trong giây phút ấy, tất cả kiều bào lại cảm thấy như được trở về nhà, trở về quê hương Việt Nam – nơi “chôn rau cắt rốn” cách xa hơn 1.700 cây số.

Chi Lily (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng các cô dâu Việt Nam tại Đài Loan. Ảnh: NVCC

Chi Lily (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng các cô dâu Việt Nam tại Đài Loan. Ảnh: NVCC

“Thật may mắn vì ở nơi đất khách quê người, chúng tôi gặp được đồng bào của mình. Ở đây, chúng tôi giống như một đại gia đình thứ hai, luôn yêu thương, quan tâm, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau vượt qua nhiều thử thách, khó khăn trong cuộc sống”, chị Lily nói.

Người mẹ Việt mong muốn giữ “lửa” văn hóa cho gia đình nhỏ

Bận bịu với công việc ngoài xã hội là vậy nhưng nữ doanh nhân Việt vẫn cố gắng thu xếp thời gian ở bên chăm sóc, lo toan cho mái ấm nhỏ; dạy con biết yêu những giá trị truyền thống của người Việt Nam. Hơn 20 năm sinh sống ở Đài Loan, chị chưa bao giờ quên đi nguồn cội, đặc biệt là những nét văn hóa đặc trưng ở quê nhà Cần Thơ. Ra đường ăn đồ Đài, nói tiếng Trung nhưng mỗi khi về nhà, chị luôn nấu cho các con những món ăn đậm vị quê hương, dạy các con tiếng mẹ đẻ của mình. Ba người con của chị, hai trai một gái, có thể sử dụng song ngữ Việt-Trung dù các em được sinh ra và lớn lên ở xứ Đài.

Ngay từ khi các con còn nhỏ, chị Lily đã rèn giũa con từ lời ăn tiếng nói đến điệu bộ cử chỉ “sao cho ra dáng người Việt Nam nhất”. Chị kể, ba người con của chị đều vô cùng lễ phép, biết đi thưa về trình, gặp người lớn tuổi thì khoanh tay cúi chào, không nói tục chửi bậy.

“Tôi luôn dạy các con rằng, dù lớn lên ở nước ngoài nhưng mình vẫn là người Việt Nam. Người Việt Nam có đạo đức, có kiến thức, có truyền thống văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Các con phải sống sao cho cho bạn bè quốc tế nhìn thấy được hình ảnh tốt đẹp đó của con người Việt Nam", chị Lily nói.

Nhờ vị trí địa lý gần, múi giờ chỉ chênh nhau khoảng 1 tiếng đồng hồ nên hàng tháng, chị Lily đều từ Đài Loan bay về Việt Nam, vừa để thăm nhà vừa để quản lý chi nhánh công ty tại đây. Chị cũng thường xuyên đưa các con theo, tạo cơ hội cho các con tìm hiểu văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Đối với chị, việc giáo dục con cái cũng là một phần trong công tác kiều bào, bởi các con chị chính là thế hệ F1 tại Đài Loan, có trách nhiệm tiếp nối, gìn giữ những truyền thống văn hóa lâu đời của đất nước, của con người Việt Nam.

Gia đình chị Lily tại Cần Thơ có 4 anh em. Hai chị em gái đều lấy chồng Đài Loan, chỉ còn hai người con trai ở với bố mẹ. Xa nhà quanh năm, vì vậy vào mỗi dịp Tết, chị đều cố gắng tạm gác công việc để về sum họp với người thân, gia đình; thưởng thức những món ăn truyền thống như mứt bưởi, mứt bí, bánh in,.. mà chị vốn yêu thích.

Tết năm nay có đặc biệt hơn mọi năm, vì nữ doanh nhân lần đầu tiên được mời tham dự chương trình “Xuân Quê hương” 2025 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức tại Hà Nội. Chị là một trong gần 1000 cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng Việt kiều đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Lời mời tham dự chương trình lần này vừa là một sự khẳng định vừa là một sự động viên để tôi tiếp tục hành trình còn đang dang dở ở Đài Loan. Là một phần của cộng đồng kiều bào ở đây, tôi sẽ tiếp tục đóng góp sức mình để giúp đời sống của các anh chị em Việt Nam ngày càng phát triển hơn, hạnh phúc hơn; giúp nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc ta không bị mai một ở những thế hệ sau”, chị Lily nói.

Diệp Thảo/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/nu-ceo-viet-hon-20-nam-lam-dau-xu-dai-miet-mai-voi-cong-tac-kieu-bao-post1150043.vov