Nữ công nhân đi bộ 40km về quê, Foxconn tăng lương cho nhân viên ở lại sản xuất iPhone
Foxconn, nhà cung cấp hàng đầu của Apple, đã tăng lương và trao tiền thưởng cho công nhân tại nhà máy Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.
Đây là động thái dập tắt sự bất mãn của công nhân tại nhà máy vì các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt và hạn chế họ bỏ về quê.
Sử dụng khoảng 300.000 công nhân, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu là cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Tiền lương hàng ngày cho nhân viên đã được tăng lên 100 nhân dân tệ (13,70 USD) từ ngày 26.10 đến 11.11, tờ Nhật báo Hà Nam trích dẫn một người đứng đầu đơn vị kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số tích hợp của Foxconn.
Những nhân viên được tăng lương thuộc đơn vị Foxconn chịu trách nhiệm sản xuất thiết bị điện tử, gồm cả smartphone.
Foxconn cũng sẽ tặng khoản tiền thưởng 50 nhân dân tệ/ngày cho tất cả nhân viên đi làm bình thường tại nhà máy này từ hôm 19.10 và tuân thủ các biện pháp phòng chống vi rút SARS-CoV-2.
Tờ Nhật báo Hà Nam dẫn lời một người giấu tên phụ trách đơn vị Foxconn chịu trách nhiệm lắp ráp dòng iPhone 14 cho biết nhà máy này đang rất cần công nhân để hỗ trợ mùa sản xuất cao điểm hiện nay và thỉnh cầu sự hỗ trợ từ các nhà máy ở một số vùng khác của Trung Quốc.
Foxconn không bình luận về bài viết của Nhật báo Hà Nam. Nhật báo Hà Nam là tờ báo chính thức của tỉnh này.
Foxconn là đối tác lớn nhất của Apple, sản xuất 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu. Foxconn sản xuất hầu hết iPhone tại nhà máy ở Trịnh Châu, dù có các cơ sở khác nhỏ hơn ở phía nam Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhà máy ở Trịnh Châu náo động do công nhân bất bình trước các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan SARS-CoV-2, với nhiều người bỏ trốn về quê vào cuối tuần qua, khiến các thành phố phải gấp rút lên kế hoạch đáp ứng nhu cầu của họ.
Các bức ảnh và video lan truyền rộng rã trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy các công nhân Foxconn leo rào, đi bộ qua các cánh đồng vào ban ngày và dọc theo các con đường vào ban đêm.
Để bày tỏ sự ủng hộ, các cư dân ở khu vực lân cận đã để lại nước đóng chai và các vật dụng bên cạnh các con đường với những tấm biển như: "Cho công nhân Foxconn trở về nhà", theo các bài đăng trên mạng xã hội.
Các thành phố gần Trịnh Châu, bao gồm Vũ Châu, Trường Cát và Thấm Dương, đã kêu gọi công nhân Foxconn báo cáo trước với chính quyền địa phương trước khi về nhà.
Các công nhân trở về phải đi bằng phương tiện đã được sắp xếp trước và cách ly khi đến nơi, các thành phố cho biết trong các bức thư riêng biệt trên các tài khoản mạng xã hội tương ứng gửi cho công nhân Foxconn ở Trịnh Châu.
Hôm 30.10, nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu đã đưa ra ba thông báo, cam kết sắp xếp lối đi an toàn cho những công nhân muốn rời đi và môi trường được vệ sinh cho những người chọn ở lại.
Truyền thông Trung Quốc trích dẫn tài khoản WeChat của chính quyền Trịnh Châu báo cáo rằng Foxconn đang sắp xếp dịch vụ xe buýt cho nhân viên muốn rời đi, với ít nhất 7 điểm đón.
Các công nhân chọn ở lại khuôn viên nhà máy sẽ được cung cấp các bữa ăn ngon, với các xét nghiệm PCR thường xuyên được thực hiện để ngăn chặn sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Công ty hứa hẹn sẽ tiến hành khử trùng thường xuyên dây chuyền sản xuất và ký túc xá.
Những người trở về nhà sẽ phải trải qua 7 ngày cách ly tập trung, sau đó là 3 ngày cách ly tại nhà, tuyên bố từ các nhà chức trách Trịnh Châu cho biết.
Foxconn đề cập với Reuters trong một email trả lời các câu hỏi: “Chính quyền đã đồng ý tiếp tục các bữa ăn trong nhà để cải thiện sự thuận tiện và hài lòng trong cuộc sống của nhân viên. Với một số nhân viên muốn về quê, nhà máy đang phối hợp với chính quyền tổ chức nhân sự và phương tiện để cung cấp dịch vụ trả hành lý có trật tự cho nhân viên kể từ hôm nay. Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng trong tình hình hiện tại, đó là một cuộc chiến kéo dài".
Kể từ hôm 31.10, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đã dần dần mở trở lại các phòng ăn dù công nhân bị cấm ngồi trực diện. Foxconn cũng nói với các nhân viên vào ngày 30.10 rằng nhà máy sẽ hoạt động trở lại sau 4 đến 5 ngày và những công nhân làm việc hàng ngày sẽ nhận được tiền thưởng.
Reuters đưa tin hôm 31.10 rằng sản lượng iPhone tại nhà máy này trong tháng 11 có thể giảm tới 30%. Foxconn đang nỗ lực tăng cường sản xuất tại một nhà máy khác ở thành phố Thâm Quyến để bù đắp lượng thiếu hụt.
Kuo Ming-chi, nhà phân tích nổi tiếng tại hãng TF International Securities, người theo dõi chuỗi cung ứng của Apple, viết trên Twitter hôm 30.10 rằng ít nhất 10% công suất sản xuất iPhone toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tình hình tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu.
Tuy nhiên, sự cố không làm thay đổi dự báo hiện tại của ông về các lô hàng iPhone. Kuo Ming-chi tin rằng năng lực sản xuất của Foxconn “sẽ dần được cải thiện trong vòng vài tuần” và “tác động hạn chế” với các lô hàng iPhone trong quý 4/2022.
Trịnh Châu, được gọi là thành phố iPhone của Trung Quốc, đã áp đặt chế độ bán phong tỏa với 10 triệu cư dân của mình, yêu cầu người dân ở một số khu vực phải ở nhà và trong khu dân cư của họ.
Trịnh Châu cố gắng hạn chế lây nhiễm SARS-CoV-2 bằng cách khử trùng tất cả nơi công cộng và các tòa nhà dân cư, theo một thông báo đăng trực tuyến.
Các doanh nghiệp không thiết yếu đã được lệnh đóng cửa, chỉ một số công ty được phép tiếp tục hoạt động.
Trong thông báo về khử trùng, họ cũng yêu cầu những cư dân được phép rời khỏi nhà hãy “nhẹ nhàng cởi áo khoác, treo chúng ở vị trí thông thoáng” và “lau mặt trên của giày” bằng chất khử trùng khi trở về.
Nữ công nhân đi bộ 40km sau khi rời nhà máy Foxconn
Hôm 30.10, Dong Wanwan quyết định từ bỏ công việc tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới và đi bộ về nhà.
Cô gái 20 tuổi đã làm việc trong ba tháng qua trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy này. Cô là một trong số hàng chục nghìn người đã giúp đưa những chiếc iPhone của Apple đi khắp thế giới. Đó là một công việc được nhiều người thèm muốn, nằm trong số những hợp đồng làm việc cho công nhân được trả lương cao nhất Trung Quốc.
Sau đó, COVID-19 bắt đầu lan rộng trong khuôn viên sản xuất. Nhà máy đã đi vào một “vòng sản xuất khép kín”, ngăn cách khu phức hợp khổng lồ với thế giới bên ngoài. Rác chất thành đống ở hành lang. Thức ăn khó kiếm hơn. Nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 cho biết họ buộc phải ăn bánh mì.
Hôm 30.10, Dong Wanwan đón em trai 19 tuổi của cô và bắt đầu hành trình đi bộ khoảng 40km với hành lý được kéo theo, để về nhà. Chuyến đi đến một thị trấn nhỏ phía đông nam Trịnh Châu mất gần 9 giờ.
“Foxconn thực sự rối tung lên, tôi không nghĩ có nhiều người muốn quay lại. Tôi biết mình sẽ không làm như vậy”, Dong Wanwan nói với trang Bloomberg News.
Trước đó, Dong Wanwan thuộc diện cách ly sau khi báo cáo bị cảm lạnh cuối tháng 10. Dong Wanwan lên cơn sốt 39,5 độ C và không thể rời khỏi giường. Dong Wanwan đã thử gọi đến đường dây nóng hỗ trợ của nhân viên, sau đó là các bệnh viện gần đó. Không có cuộc gọi nào của cô được tiếp nhận.
Ngay cả nhóm nhắn tin cho nhân viên Foxconn được thành lập trên WeChat cũng im lặng dù có nhiều lời cầu cứu. Nếu không có người giám sát dây chuyền sản xuất nhờ các đồng nghiệp gửi thực phẩm và thuốc men, Dong Wanwan sẽ hết nguồn cung cấp.
Trải qua điều đáng sợ đó khiến cô quyết định rời nhà máy Foxconn. Dong Wanwan khởi hành đến một thị trấn nhỏ gần Khai Phong, phía đông nam, lúc 8 giờ sáng 30.10 và bắt đầu chuyến đi dài 9 giờ qua vùng đồng bằng rộng mở của Trịnh Châu.
Dong Wanwan đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ trên đường đi. Dù Trịnh Châu đang bị phong tỏa, những người dân vẫn thông cảm cho công nhân Foxconn, để lại nước đóng chai và đồ ăn nhẹ bên các đường cao tốc chính. Những hành động tử tế đó đã vực dậy tinh thần của cô.
Không rõ có bao nhiêu công nhân rời khỏi nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu trong vài ngày qua. Dong Wanwan kể rằng cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp cho biết có hàng nghìn người, nhưng thông tin này không thể xác minh ngay lập tức.
Foxconn đã cố gắng giảm thiểu nguy cơ gián đoạn, tăng lương và thu xếp dự phòng từ các nhà máy khác của Trung Quốc nếu dây chuyền lắp ráp ở Trịnh Châu bị đình trệ.
Foxconn nhiều lần nhấn mạnh người lao động là ưu tiên hàng đầu của họ.
Dong Wanwan nói không biết nhiều về điều này, thay vào đó tập trung vào hành trình của mình.
Dong Wanwan kể lại rằng chính quyền địa phương đã vào cuộc. 16 giờ ngày 30.10, hai chị em Dong Wanwan cuối cùng cũng đến được một điểm tập hợp đặc biệt mà các quan chức đã thiết lập để giúp vận chuyển các công nhân Foxconn trở về các thị trấn xung quanh.
Dong Wanwan ước tính có khoảng 500 người chờ xe buýt. Từ đó, họ được đưa đến cơ sở cách ly được chuyển đổi từ một trường tiểu học, cuối cùng về đến quê hương, dù vẫn phải tuân theo các quy tắc Zero COVID.
“Tôi đã hoàn toàn kiệt sức vì đi bộ. Tôi bị một vết phồng rộp lớn chứa đầy máu”, cô nói.