Nụ cười trong gió sớm

Tấm biển báo địa giới tỉnh Quảng Trị hiện ra bên phải cửa kính xe, tấm biển vô tri mà như biết cười với khách từ phương xa đến. Do ánh nắng mặt trời buổi trưa hè hay lòng tôi bồi hồi, chộn rộn khi lần đầu đến được với mảnh đất anh hùng?

Những ngày cuối tháng Tư này, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vinh dự được cùng các đồng nghiệp cơ quan Báo Bắc Ninh và nhiều đồng nghiệp các cơ quan báo Đảng khác trong cả nước tham gia chuyến công tác kết hợp về nguồn tại một số “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Những địa danh lịch sử nơi đây như Thành cổ, sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải vốn đã vô cùng quen thuộc qua những trang sách giáo khoa Lịch sử, qua những thước phim, những bài thơ, bài hát. Tôi vẫn hằng ao ước ít nhất một lần được đặt chân đến nơi đây, trực tiếp bước đi những cây cầu, những con đường, những bến sông lịch sử, kính cẩn thắp nén nhang thơm, nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ.

Vượt hành trình hơn 600 km bằng ô tô, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Nếu không có những mảnh tường thành nham nhở vết đạn cày, ta có thể lầm tưởng nơi đây là một công viên sinh thái bởi cỏ cây hoa lá xanh tươi mướt mát. Những ngày đầu hè, cái nắng nóng của miền Trung như thử thách sự kiên nhẫn của con người. Trước Đài tưởng niệm, kính cẩn dâng hương, nghiêng mình tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ, chúng tôi lặng nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện hào hùng, bi tráng của các chiến sỹ cách mạng trong trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ. Con tim như thắt lại, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi hòa cùng những giọt mồ hôi chát mặn, cay xè nơi khóe mắt.

Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28-6 đến 16-9-1972 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 đến 170 lần máy bay phản lực, 70 đến 90 lần chiếc B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ. Với diện tích chưa đầy 3 km2, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành cổ phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, như báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945.

Dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội của ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào, từng đống đổ nát. Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, các lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh chóng “tái chiếm Thành cổ” của Mỹ - Ngụy, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao. Trong 81 ngày đêm ấy, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh tại đây, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát của Thành cổ, vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi tuổi đôi mươi.

Một góc Thành cổ Quảng Trị hôm nay.

Một góc Thành cổ Quảng Trị hôm nay.

Chắc hẳn nhiều người trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình sẽ tự hỏi, sức mạnh nào, động lực nào đã giúp cha ông ta anh dũng xông lên chiến đấu với kẻ thù, bất chấp mưa bom bão đạn, cái chết cận kề? Thì đây, bức di thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương (Thái Bình) gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được trưng bày trang trọng trong lồng kính bảo tàng đã hé mở phần nào. Trong những trang thư ố màu thời gian, người chiến sỹ ấy dự cảm về ngày ra đi, không khỏi đau xót, day dứt khi nghĩ về những người thân yêu trong gia đình.

Nhưng trên hết là lý tưởng “Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình”: “Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột… Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm…”. “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc”.

Cũng tại đây, còn lưu bút tích của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Lễ thả hoa đăng tại bờ Nam sông Thạch Hãn được tổ chức khi màn đêm buông xuống. Vừa cử hành nghi thức dâng hương, trời bỗng chuyển gió to, một cơn giông kéo đến. Khác với vẻ lo lắng của những người khách như chúng tôi, các thành viên Ban Tổ chức vẫn bình tĩnh tiến hành các thủ tục, tựa như đã quen với hiện tượng thời tiết dị thường như thế này.

Nghi lễ kết thúc thì giông gió cũng tan. Một nữ đồng nghiệp khe khẽ thốt lên: “Trời, có lẽ nào anh linh các liệt sỹ hiển linh!” Một người khác khẽ trấn an: “Vùng đất miền Trung vốn có địa hình đặc thù gần biển nên mùa hè hay có giông cũng là chuyện bình thường.” Với tôi, dù đó là gì thì khoảnh khắc ấy vẫn vô cùng trân quý. Bởi vừa trước đó không lâu, nhìn dòng sông Thạch Hãn hiền hòa lơ thơ nước chảy tôi không thể nghĩ nơi đây xưa kia là chiến trường ác liệt. Thế nhưng, khi giông gió nổi lên, nước sông cuộn sóng ầm ầm vỗ bờ, tôi như thấy những cột sóng nước nhô cao sau mỗi cơn mưa bom đạn của kẻ thù, như thấy những gương mặt kiên nghị, quật cường của hàng ngàn chiến sỹ hăng hái vượt sông dẫu biết phía trước là mưa bom bão đạn. Trên đường trở về, trong đầu tôi văng vẳng 4 câu thơ của cựu chiến binh Nguyễn Bá Dương, người trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ, dành cho đồng đội:

“Đò xuôi Thạch Hãn…xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nằm trên khu đồi Bến Tắt, cạnh Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, là nơi yên nghỉ của các Anh hùng liệt sỹ dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Từ xa nhìn lại, nơi đây tựa như một góc vùng quê yên bình và xinh đẹp trên đất nước Việt Nam với cỏ cây, hoa lá sum suê. Hơn 10 nghìn phần mộ liệt sỹ được quy tụ thành các khu vực theo địa phương: Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tiên... và một khu dành cho các liệt sĩ khuyết danh.

Sau khi kính cẩn dâng hương trước Đài tưởng niệm chung của nghĩa trang, đoàn chúng tôi đến thắp nhang lên các phần mộ liệt sỹ Hà Bắc. Tôi có người bác ruột là liệt sỹ, hi sinh năm 1968 nhưng trên giấy báo tử gia đình nhận được chỉ vẻn vẹn thông tin nơi hy sinh là chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, gia đình đã hiều lần đi tìm kiếm, thăm hỏi cơ quan chức năng, đồng đội cũ để đưa di cốt của bác về quê nhà nhưng chưa thỏa nguyện. Dù đã từng dành rất nhiều thời gian truy cập phần mềm để rà soát tên từng liệt sỹ trên các nghĩa trang liệt sỹ trên khắp cả nước, nhưng lần này đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tôi vẫn căng mắt nhìn từng cái tên trên bia đá. Không có tên bác! Điều đó tuy đã nằm trong dự liệu, nhưng sao nước mắt cứ rơi?

Một đoàn cựu chiến binh đến viếng tại khu vực các liệt sỹ Hà Bắc, chúng tôi vồn vã thăm hỏi nhau nhưng cũng nhanh chóng chia tay để tập trung vào việc chính là thắp nhang cho các liệt sỹ. Một bác dúi vào tay chị đồng nghiệp của tôi một mảnh giấy láng bóng in tên tuổi, địa chỉ, năm sinh, năm mất của một liệt sỹ: “Đấy là anh tôi, gia đình đi tìm đã lâu nhưng chưa thấy. Các anh, các chị nhà báo để tâm thông tin giúp chúng tôi với nhé!” Một lần nữa khóe mắt lại cay xè.

Tôi biết, để có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất như ngày hôm nay, hơn 1 triệu 100 nghìn người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các chiến dịch khác bảo vệ Tổ quốc (như chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo). Nhìn những hàng bia mộ bạt ngàn, nhìn mảnh giấy người cựu chiến binh gửi gắm tôi bỗng thấy nỗi đau của gia đình mình chỉ là một phần bé nhỏ. Tại nơi linh thiêng này, sự cộng hưởng của những nỗi đau không làm cho chúng ta đau thêm mà nó làm cho người ta bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn khi đối diện với quá khứ. Di cốt của bác tôi có thể sẽ mãi mãi không về được với mảnh đất nơi ông chôn nhau cắt rốn nhưng tôi biết bác đã hóa thân, trở thành một phần của đất mẹ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu như hàng ngàn chiến sỹ ở Thành cổ Quảng trị khi xưa.

Đoàn công tác Báo Bắc Ninh cùng các cựu chiến binh trước Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Hà Bắc. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Đoàn công tác Báo Bắc Ninh cùng các cựu chiến binh trước Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Hà Bắc. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành hai miền dọc theo vĩ tuyến 17 từ năm 1954 đến năm 1976. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử” trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước. Bao nhiêu những day dứt của người dân 2 miền Việt Nam 2 bên cây cầu này. Mùa Xuân năm 1956 nhạc sỹ Đoàn Chuẩn viết bài hát “Gửi người em gái miền Nam” với những câu hát biểu đạt lòng mong mỏi về một ngày non sông thống nhất: “Nụ cười trong gió sớm, anh đến chờ em giữa cầu Hiền Lương”. Và rồi, khát vọng ấy đã trở thành hiện thực, thỏa nỗi ước mong của triệu triệu con dân nước Việt Nam. Hai bên bờ sông Bến Hải gắn với cây cầu Hiền Lương hiện nay là cụm di tích, gồm: Cầu Hiền Lương, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17. Trên cây cầu Hiền Lương được phục chế như nguyên bản, nửa phía Nam sơn màu vàng, nửa phía Bắc sơn màu xanh, từng đoàn học sinh theo bước chân thầy cô khám phá lịch sử dân tộc. Nhìn những gương mặt như thiên sứ, những đôi môi xinh nở nụ cười trong gió sớm, tôi chợt thấy tâm hồn mình cũng như bừng sáng theo.

Tạm biệt Quảng Trị, tôi sẽ nhớ mãi về mảnh đất này với những chiến tích hào hùng, với những người con kiên cường, bất khuất đã ngã xuống nơi đây để giữ cho Tổ quốc mãi yên bình. Quảng Trị, không chỉ có Thành cổ, sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn... Quảng Trị có nụ cười trong gió sớm.

Ghi chép của Thanh Hương (Bài đăng trên Báo Bắc Ninh)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/nu-cuoi-trong-gio-som/176542.htm