Nữ cựu chiến binh học Bác suốt đời
Sống một mình trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, thỉnh thoảng, nữ cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Kim Em mời đồng đội cũ đến nhà chơi. Những người bạn từng cùng nhau 'vào sinh ra tử' giờ đây lại cùng nấu những món ăn giản dị, ôn lại chuyện xưa với đong đầy tình cảm. Ai cũng mang trên mình những vết thương, là chứng tích cho sự gan dạ, anh hùng trong những ngày kháng chiến.
1. Gia tài quý nhất của nữ CCB Kim Em giờ đây là giấy tờ, tài liệu, những lá thư tay, bài thơ tự viết đã ngả màu thời gian và hàng loạt bằng khen, giấy khen trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Lần giở từng trang trong cuốn sổ viết tay nhỏ, CCB Kim Em chầm chậm đọc lại những vần thơ viết trong những ngày tham gia kháng chiến khi tuổi mới tròn mười tám, đôi mươi. Thơ bà viết ngọt ngào, tình cảm, ít ai nghĩ rằng đó là những vần thơ viết trong hoàn cảnh “ngặt nghèo”, có khi “ngàn cân treo sợi tóc”. “Nhờ học Bác Hồ, học từ đồng đội, tôi cảm thấy mình được tiếp thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều lúc đối diện với quân thù, tôi cũng không hề run sợ” - bà Kim Em chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng nên CCB Kim Em có sẵn lòng quyết tâm, căm thù giặc, hết lòng vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Trong giai đoạn 1968-1969, bà được phân công làm công tác văn phòng tại Huyện ủy Cần Giuộc, không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng bằng sự mưu trí, gan dạ, bà cùng đồng đội tiêu diệt nhiều lính Mỹ, ngụy, bảo vệ an toàn cho cấp trên và đồng đội.
Sau năm 1968 là thời gian địch đánh phá ác liệt, bình định nông thôn, xây dựng nhiều đồn, bót,... gây khó khăn rất nhiều cho lực lượng ta. Để bảo vệ căn cứ, ngoài các nhiệm vụ được giao, chiến sĩ trẻ Kim Em thường cùng đồng đội gài lựu đạn trên những đoạn đường địch đi qua, dẫn vào căn cứ,... Biết rõ gài lựu đạn là một việc nguy hiểm nhưng nữ chiến sĩ Kim Em không hề e ngại, xung phong nhận nhiệm vụ đó mỗi ngày.
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giuộc - Giản Ngọc Thiện từng kể: “Có lúc, cả huyện chỉ còn một mình đồng chí Kim Em là cán bộ nữ thoát ly. Ở Văn phòng Huyện ủy, đồng chí vừa đánh máy, vừa lo cơm nước cho anh em và đi liên lạc. Đặc biệt, đồng chí phục vụ y tế rất tích cực. Có những lần anh em bệnh, không về được, phải nằm tại hầm, đồng chí Kim Em nấu cháo, lo thuốc men, ban đêm một mình lội sông đến tận nơi chăm sóc bệnh nhân. Có lần, tôi bị thương cũng được đồng chí điều trị an toàn”.
Để hiểu thêm về CCB Kim Em, chúng tôi tìm gặp người đồng đội cũ của bà - CCB Trương Thị Mai Nương. Trầm ngâm một lúc để “gọi” ký ức về, CCB Trương Thị Mai Nương kể: “Lúc đó là năm 1969, chị Kim Em vừa là y tá, vừa là giao liên mật trong vùng địch tạm chiếm. Tôi là thư ký đánh máy của Huyện ủy Cần Giuộc. Một ngày, khi Huyện ủy chuẩn bị họp thì biệt kích Mỹ đột nhập vào căn cứ, chúng tôi tản ra ngay. Lúc đó, đồng chí Kim Em là người đi sau cùng, chỉ cách bọn địch không đến 10m nhưng vẫn bình tĩnh nán lại gài trái (lựu đạn) để cản “bước chân” của chúng. Vừa xong việc, đồng chí rời vị trí thì bọn địch xông tới, lục soát khu vực nhóm họp và bị vướng lựu đạn do đồng chí Kim Em gài lại nên nhiều tên bị thương. Nhờ vậy, chúng không tiếp tục truy đuổi anh em nữa”.
Vốn lanh lợi và gan dạ, trong suốt quá trình tham gia kháng chiến, dù ở vai trò, vị trí nào, nữ CCB Kim Em cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến được cấp trên đánh giá cao. Theo lời kể được ghi chép lại của các CCB, giai đoạn từ 1968-1970, địch càn quét ác liệt, có nhiều cán bộ không chịu nổi, trở về với gia đình, thậm chí, có người đầu hàng. Khi đó, chiến sĩ trẻ Kim Em sẵn sàng xung phong về vùng thượng làm Bí thư xã Phước Hậu, xây dựng cơ sở trong vùng địch tạm chiếm, củng cố lại chi bộ, vận động cơ sở trong lòng địch, đưa lựu đạn, đạn ra ngoài cho bộ đội ta.
Nhắc lại những ký ức xưa, CCB Kim Em khẳng định, sự gan dạ lúc bấy giờ xuất phát từ lòng căm thù giặc và được hun đúc, vun bồi trong quá trình chiến đấu. “Cùng chiến đấu bên nhau, tôi học ở đồng đội đức hy sinh vì nghiệp lớn. Tôi còn học theo lời dạy của Bác, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hầu hết những bài thơ tôi viết trong kháng chiến đều khẳng định rõ quyết tâm học theo lời Bác dạy và tin tưởng vào thắng lợi của ta” - CCB Kim Em chầm chậm nói.
2. Khi đất nước thống nhất, bà Kim Em được phân công giữ nhiều vị trí công việc khác nhau. Khi về hưu, bà tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc đến năm 2022. Trong quá trình công tác, bà vận động kinh phí xã hội hóa, xây dựng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố, thị trấn.
Bí thư Chi bộ khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc - Giản Thị Thúy Phượng cho biết: “Đồng chí Kim Em là đảng viên gương mẫu, uy tín tại địa phương. Đồng chí không chỉ vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn tích cực tham gia xã hội hóa, xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố và thị trấn. Với các hộ gặp khó khăn, bệnh đột xuất, đồng chí Kim Em cũng vận động kinh phí hỗ trợ kịp thời, giúp các gia đình vượt qua khó khăn. Ở khu phố, nhiều người yêu mến và nhận được sự giúp đỡ của đồng chí Kim Em. Mười mấy năm nay, từ khi bắt đầu sinh hoạt Đảng tại địa phương đến nay, năm nào đồng chí cũng được xếp loại Đảng viên xuất sắc”.
CCB Nguyễn Thị Kim Em đã cống hiến gần cả đời cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương. Đến khi tuổi cao, sức yếu, bà vẫn miệt mài với việc chăm lo cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. “Trong kháng chiến, chúng tôi được người dân chở che, bảo vệ, nhiều lần nhờ có dân mà tôi thoát được nanh vuốt kẻ thù. Giờ đây, khi đất nước thống nhất thì việc chăm lo cho cuộc sống của người dân là chuyện đương nhiên và nên làm. Bác Hồ cũng căn dặn phải thương dân mà!” - nữ CCB Kim Em khẳng định./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nu-cuu-chien-binh-hoc-bac-suot-doi-a166631.html