Nữ đại biểu người Rục ở ĐH Sinh viên toàn quốc
Nữ sinh gen Z Cao Thị Lệ Hằng đến từ mảnh đất Quảng Bình giàu nghị lực, vượt khó học giỏi, là nữ đại biểu đầu tiên của đồng bào Rục tham dự sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam - Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028.
Giấc mơ có thật
Cao Thị Lệ Hằng (SN 2004) thuộc thế hệ thứ 2 của tộc người Rục ở Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) sau khi được chính quyền, bộ đội biên phòng đưa từ hang đá về quần tụ theo bản làng trong những nếp nhà xây gạch và trồng lúa nước, làm nương rẫy. Hằng đang học năm hai trường Đại học Quảng Bình, là một trong hai đại diện của tỉnh Quảng Bình dự Đại hội đại biểu hội toàn quốc Hội SVVN lần thứ XI.
Những ngày về Thủ đô, hòa vào ngày hội lớn của sinh viên Việt Nam, cô sinh viên người Rục lần đầu được gặp gỡ, giao lưu cùng nhiều gương năng động giàu thành tích; đến thăm nhiều địa danh từng được biết đến qua từng trang sách học trò; tham dự lễ báo công dâng Bác... Lệ Hằng lần đầu mặc áo vest, tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội và có phần điều hành giới thiệu thành viên Hội đồng tư vấn, đồng hành sinh viên nhiệm kỳ XI phát biểu tham luận chủ đề “Vai trò của sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên trong quá trình tự chủ Đại học”.
“Tôi tin việc vào đại học mở rộng vốn hiểu biết và đưa tri thức về bản là cách góp phần đổi thay bản làng, ghi dấu ấn dân tộc mình trong sự nghiệp phát triển chung của Việt Nam”.
Nữ sinh viên người Rục Cao Thị Lệ Hằng
Hằng bộc bạch: “Trở thành đại biểu, tham gia Đoàn Chủ tịch của một kỳ Đại hội toàn quốc và được tiếp xúc ở cự ly gần với nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà trước chỉ gặp trên ti vi... là điều tôi chưa từng nghĩ đến, thật giống như một giấc mơ đẹp. Nhiều trải nghiệm, bài học từ Đại hội, nhất là những thông điệp trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã giúp tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm bản thân, tiếp thêm động lực học tập và rèn luyện để trở về cống hiến cho bản làng, quê hương”.
Cô ấn tượng nhất với lời căn dặn của Chủ tịch nước tại Đại hội: “Hành trang để sinh viên ngẩng cao đầu bước vào hành trình lập nghiệp phải là tri thức và phẩm giá cùng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, là giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam; là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị và tôn trọng các dân tộc khác”; “Tổ quốc nhìn thấy tương lai tươi sáng của mình trong sức sống căng tràn và trong những ước mơ, hoài bão cao đẹp của các bạn”.
Ước mơ về bản làng gieo chữ
Cao Thị Lệ Hằng cho biết, sinh ra và lớn lên trong gia đình 8 anh chị em, sớm mồ côi bố, ở bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa). Mẹ Hằng - bà Hồ Thị Pấy bươn chải sớm khuya nơi núi rừng, khe suối cũng không đủ mang đến những bữa no cho đàn con tuổi ăn, tuổi lớn. Từ nhỏ cô đã ý thức phụ giúp mẹ làm việc nhà, làm rẫy mưu sinh và nỗ lực học thật giỏi.
Hằng cho biết, nghị lực 12 năm đèn sách của anh trai Cao Xuân Long - hiện làm Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng bản Mò O Ồ Ồ, khi điều kiện còn cực khổ hơn là động lực để cô phấn đấu. Vào đại học và cố gắng luyện rèn để ngày mai lập nghiệp, là cách để cô viết tiếp ước mơ giảng đường còn dang dở của anh chị và nêu gương cho các em trong gia đình, cũng như ở bản; thực hiện kỳ vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy của mẹ.
“Nhiều bạn cùng trang lứa học hết lớp 9 bỏ ngang, theo bố mẹ làm nương rẫy, vào rừng kiếm cái ăn, trong khi hoàn cảnh gia đình tôi còn eo hẹp hơn. Lên cấp 3, tôi học ở trường dân tộc nội trú tỉnh, cách bản cả trăm cây số, mỗi năm chỉ về thăm nhà 2-3 lần, nhiều lúc khóc nhớ nhà, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ học. Tôi biết, mẹ đã rất hy sinh, vất vả nuôi chúng tôi ăn học và chỉ học mới có kiến thức để thoát nghèo, no đủ”, Hằng nói.
May mắn, từ năm 2016, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng (Quảng Bình) nhận đỡ đầu Hằng trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Hành trình chinh phục con chữ của Hằng vì thế bớt gập ghềnh, trắc trở để học hết cấp 3 và thi vào đại học. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022, nữ sinh đến từ bản Mò O Ồ Ồ đạt 7,75 điểm trở lên các môn thi; trúng tuyển nguyện vọng 1 trường Đại học Sư phạm Huế với tổng điểm 25,5. Thông tin “nữ sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học” nhanh chóng lan rộng, thắp lên ước mơ con chữ khắp bản làng.
Để phù hợp hơn với điều kiện hoàn cảnh gia đình, Hằng quyết định theo học ngành Giáo dục mầm non ở trường Đại học Quảng Bình. Nói về lựa chọn theo nghề sư phạm, Hằng chia sẻ, từ nhỏ đã rất thích đến trường để được cô giáo dạy múa hát, học chữ, tự đọc sách dù phải đi bộ vượt quãng đường xa. Tình cảm quan tâm, dạy dỗ của các cô giáo bản đã gieo cho cô bé người Rục ước muốn theo nghề “trồng người” để đưa con chữ, thắp ánh sáng tri thức nơi bản làng quê hương.
Ở môi trường đại học, Hằng tiếp tục nỗ lực học tập và tham gia các chương trình tình nguyện, hiến máu và hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ tuyên truyền. Không chỉ biểu diễn văn nghệ trong những chương trình như chào tân sinh viên, nữ sinh viên đầu tiên của đồng bào Rục còn tích cực tham gia truyền thông tuyển sinh, tinh thần vượt khó đến các em học sinh ở bản, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.
Chị Lê Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội SVVN trường Đại học Quảng Bình cho biết: “Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường đã đồng hành, hỗ trợ Hằng từ những ngày đầu tiên nhập học. Sau một năm học, từ một cô bé rụt rè ít nói đã năng động, sôi nổi và bản lĩnh hơn”.
Trở lại trường sau Đại hội, cô sinh viên người Rục Cao Thị Lệ Hằng tiếp tục công việc học tập với quyết tâm trau dồi, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ. “Đây đều là hành trang cần thiết giúp bản thân và những người trẻ Thượng Hóa nói chung và người trẻ ở bản Mò O Ồ Ồ nói riêng, tự tin bước ra những môi trường lớn, thực hiện ước mơ, khát vọng cống hiến”, Hằng nói.