Nữ 'đại gia' bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng từ việc mua nợ ngân hàng
Do tiến độ giải quyết tại Tòa án nhân quận 1 (cũ), TP. HCM chậm nên bà H liên hệ tìm mối quan hệ để vụ án được giải quyết nhanh hơn và bị lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng…
Ngày 8-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1982, ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông (cũ), Hà Nội); Lê Nam (sinh năm 1989, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (cũ), Hà Nội; cựu cán bộ TAND Tối cao) và Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1971, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (cũ), Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là bà Nguyễn Thị Xuân H (sinh năm 1973, trú tại Hà Nội) - Giám đốc Công ty cổ phần Tân Hưng Phát.
Theo cáo trạng, đầu năm 2011, Công ty cổ phần Tân Tân ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP. HCM hạn mức 106 tỷ đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, công ty này mất khả năng thanh toán nên Vietcombank khởi kiện Công ty Tân Tân ra TAND quận 1 (cũ), TP. HCM.

Ảnh: Minh họa
Năm 2017, khi vụ kiện chưa giải quyết xong, Vietcombank ký hợp đồng bán khoản nợ này cho Công ty TNHH Tân Hưng Phát do bà Nguyễn Thị Xuân H là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc doanh nghiệp. Sau khi mua nợ, Công ty Tân Hưng Phát kế thừa quyền và nghĩa vụ, tiếp tục vụ kiện nói trên.
Do tiến độ giải quyết vụ việc tại TAND quận 1 chậm, nên bà H liên hệ với bị cáo Nguyễn Việt Anh tìm mối quan hệ để vụ án được giải quyết nhanh.
Lợi dụng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với bà H nên Việt Anh đưa thông tin gian dối quen nhiều lãnh đạo cấp cao có thể giải quyết việc cho bà H. Việt Anh yêu cầu bà H chuyển tiền để mua quà đi quan hệ với các lãnh đạo.
Tin tưởng Việt Anh nên bà H đã chuyển tổng số tiền 10 tỷ đồng. Việt Anh hướng dẫn bà H khi chuyển tiền thì ghi nội dung: “Em Xuân Hồng cho anh Việt Anh mượn tiền”.
Tháng 12-2021, Việt Anh nói đã tìm được mối quan hệ là “sân sau” của các lãnh đạo cao cấp và giới thiệu bà H gặp vợ chồng Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Đình Nghĩa (trú tại Hà Nội).
Sau đó, từ ngày 21-12-2021 đến 5-1-2022, bà H chuyển 48 tỷ đồng cho vợ chồng Hạnh - Nghĩa. Hai bên lập hợp đồng tư vấn, Hạnh hứa hẹn trong 15 ngày sẽ xử lý xong công việc của bà H tại Cơ quan thi hành án TP. HCM để người phụ nữ này lấy tài sản về.
Thông qua các mối quan hệ xã hội, vợ chồng Hạnh - Nghĩa liên hệ với bị cáo Nguyễn Thị Hạnh nhờ giải quyết vụ tranh chấp của bà H.
Nhận mối làm ăn, Nguyễn Thị Hạnh tìm người giúp giải quyết công việc. Hạnh khai đã liên hệ với 2 cá nhân và chuyển 4 tỷ đồng nhưng không giải quyết được công việc.
Thông qua một số bạn bè quen biết, Nguyễn Thị Hạnh được giới thiệu gặp Lê Nam (cán bộ TAND Tối cao) là người giúp giải quyết công việc giữa Công ty Tân Tân và Công ty Tân Hưng Phát.
Nam hứa hẹn giải quyết được, sẽ xử cho Công ty Tân Hưng Phát thắng kiện và nếu muốn giải quyết thì phải xử lý ngay. Nam yêu cầu đưa 11 tỷ đồng để giải quyết công việc nhưng Hạnh đưa trước 6 tỷ đồng. Hạnh thông báo yêu cầu bà Nguyễn Thúy Hạnh đưa 11 tỷ đồng. Thúy Hạnh đưa trực tiếp cho Nguyễn Thị Hạnh số tiền này, có viết giấy biên nhận.
Nhận tiền xong, Nguyễn Thị Hạnh giao 6 tỷ đồng cho Lê Nam trong khuôn viên dưới khu vực sân của TAND Tối cao nhưng không có người chứng kiến, không viết giấy biên nhận. Còn 5 tỷ đồng, Hạnh chi tiêu cá nhân và thỏa thuận sẽ sang tên 2 thửa đất cho Lê Nam bù vào 5 tỷ đồng này.
Thời gian sau, Nam yêu cầu đưa thêm 20 tỷ đồng để giải quyết công việc thì Nguyễn Thị Hạnh bảo Lê Nam đến Công ty Vietshine của Thúy Hạnh nhận tiền.
Ngày 25-5-2022, Lê Nam đến, đỗ xe ở lề đường, trước sảnh tòa nhà. Có 3 nhân viên của Công ty Vietshine hỗ trợ đếm tiền, bỏ vào thùng bìa cát tông rồi cùng Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Hạnh bê thùng tiền xuống đưa vào ghế sau xe tô tô của Nam.
Nhận tiền xong, Nam đi luôn, không viết giấy tờ gì và nói thời gian giải quyết công việc từ 6 tháng đến 1 năm.
Đầu năm 2023, biết Nam không giải quyết được công việc, Hạnh nhiều lần đòi lại tiền nhưng bị cáo Nam không trả.
Tháng 5-2023, biết Hạnh không làm được việc, bà H đòi tiền thì Hạnh trả lại hơn 3 tỷ đồng. Tháng 8-2023, bà H làm đơn tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản của Thúy Hạnh, Nguyễn Đình Nghĩa, Nguyễn Thị Hạnh, Lê Nam.
Sau khi CQĐT triệu tập đến làm việc, Lê Nam gọi điện cho Nguyễn Thị Hạnh hướng dẫn không khai ra Nam, nhận tội một mình và hứa ở bên ngoài sẽ lo công việc, chăm sóc con cho Hạnh. Cựu cán bộ TAND Tối cao còn hướng dẫn thay hết sim điện thoại và chỉ liên lạc với Nam bằng sim rác.
CQĐT xác định, tổng số tiền bà H đưa cho Nguyễn Thúy Hạnh để giải quyết vụ tranh chấp kinh doanh thương mại là 48 tỷ đồng. Nguyễn Thúy Hạnh chuyển cho Nguyễn Thị Hạnh 41 tỷ đồng. Sau đó, Nguyễn Thị Hạnh chuyển cho Lê Nam 20 tỷ đồng và 2 thửa đất trị giá 5 tỷ đồng thành 25 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Việt Anh không thừa nhận hành vi phạm tội, song căn cứ vào lời khai của bà H., các bên liên quan và tài liệu thu giữ xác định Việt Anh lợi dụng quan hệ tình cảm để chiếm đoạt 10 tỷ đồng của bà H.
Lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo Lê Nam cũng cho rằng mình không tư vấn cho bà H.; không làm bất cứ công việc gì để giải quyết tranh chấp thương mại trên, không có việc nhận 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào các dữ liệu điện tử là các file ghi âm cho thấy Nguyễn Thị Hạnh và Lê Nam đưa ra các thông tin gian dối để nhận tiền.
Đối với Nguyễn Thúy Hạnh, cơ quan tố tụng xác định, quá trình giải quyết vụ án, người phụ nữ này đã trả lại bà H số tiền “chênh lệch”, không có yếu tố chiếm đoạt, không hưởng lợi gì nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Mở tòa, đưa các bị cáo ra xét xử sơ thẩm, song Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã phải quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số nội dung, tình tiết mà không thể làm rõ ngay tại phiên tòa.