Nữ Đại sứ chiếm lĩnh sân khấu ngoại giao Anh - xu thế thức thời hay cuộc đọ sức muộn màng?
Sự hiện diện ngày càng tăng của các nữ Đại sứ được xem như dấu ấn của sự tiến bộ xã hội khi vị thế của phụ nữ ngày càng được coi trọng.
Sẽ không còn những tháng ngày khi ngành ngoại giao Vương quốc Anh không chào đón phái nữ hay khi một phụ nữ đã kết hôn thường phải rời bỏ vị trí công vụ. Thế kỷ XXI đòi hỏi sự tham gia bình đẳng của nữ giới với nam giới và là cơ hội cho phái đẹp được tiếp cận những vị trí cao cấp vốn chỉ dành cho phái mạnh.
Những vị trí trọng yếu
Mới đây, Bộ Ngoại giao Anh thông báo việc bổ nhiệm bà Menna Rawlings - Đại sứ Anh tại Australia nhiệm kỳ 2015-2019 làm nữ Đại sứ đầu tiên của Anh tại Pháp.
Như vậy, nhà ngoại giao 53 tuổi tiếp tục tham gia “câu lạc bộ nữ Đại sứ” hiện nay của Anh gồm các Đại sứ Dame Karen Pierce tại Washington D.C (Mỹ), Julia Longbottom tại Tokyo (Nhật Bản), Jill Gallard tại Berlin (Đức), Caroline Wilson tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Deborah Bronnert tại Moscow (Nga), Vicki Treadell tại Canberra (Australia) và Jill Morris tại Rome (Italy).
Ngoài ra phải kể đến Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Dame Barbara Woodward và Đại sứ Anh tại NATO Dame Sarah Mackintosh.
Rõ ràng là các nhà ngoại giao nữ đang chiếm lĩnh sân khấu ngoại giao Anh với những vị trí chủ chốt ở nước ngoài. Sự thay đổi này phản ánh thực tế rằng trước đây phụ nữ vốn phải “giỏi hơn” đàn ông thì mới được gia nhập ngành ngoại giao thì giờ đây, các nhà ngoại giao nữ đang gặt hái những "quả ngọt" mà họ xứng đáng được nhận.
Có thể nói chính sách tuyển dụng và thăng tiến công bằng hơn trong Bộ Ngoại giao Anh đang mang lại kết quả tích cực. Sự xuất hiện của phái nữ trong các chức vụ ngoại giao cấp cao của Vương quốc Anh là kết quả hoàn toàn hợp lý cho những nỗ lực của Bộ Ngoại giao nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn trong quá trình tuyển dụng và thăng tiến.
Phụ nữ cuối cùng đã có thể "bắt kịp", sau nhiều năm phải chứng kiến những “ưu đãi” chỉ dành cho nam giới. Với nhiều thành tích xuất sắc trong ngoại giao, ở khía cạnh nào đó, họ minh chứng rằng Bộ Ngoại giao đã bỏ sót nhiều tài năng với trình độ chuyên môn cao trong suốt thời gian qua.
Do đó, việc “đôn” các tên tuổi nữ vào những vị trí quan trọng là liệu pháp giúp đôi bên cùng có lợi và được xem như một cuộc đọ sức muộn màng giữa hai giới.
Một xu hướng mới
Sự thay đổi tại Bộ Ngoại giao Anh có thể sẽ là sự bắt đầu của một xu hướng mới, thậm chí có thể thành công vượt quá các mục tiêu và kế hoạch đặt ra. Bộ Ngoại giao Anh không chỉ đặt mình vào vị thế là một nhà tuyển dụng trao cơ hội bình đẳng, mà còn đang tiên phong cho một xu thế trên thế giới.
Tuy nhiên, những vị trí nắm giữ quyền lực trong Bộ Ngoại giao Anh vẫn thuộc về nam giới. Ông Philip Barton hiện là Thứ trưởng thường trực còn ông Tim Barrow là Vụ trưởng Chính trị.
Còn người đứng đầu ngành ngoại giao Anh vẫn có “truyền thống” là nam giới. Nữ Ngoại trưởng duy nhất là bà Margaret Beckett chỉ nắm giữ vị trí này trong chưa đầy một năm (tháng 5/2006- tháng 6/2007).
Việc phụ nữ có tiếp tục chiếm được những vị trí hàng đầu trong ngoại giao hay không sẽ phụ thuộc lớn vào cách họ tự chứng minh bản thân với tư cách là Đại sứ. Liệu chính sách đối ngoại nhìn chung có thực sự đang đi theo hướng “nữ quyền”, với các kỹ năng mềm yêu cầu sự tham gia của phụ nữ nhiều hơn trước?
Liệu chiến thắng của phái đẹp trong Bộ Ngoại giao có thể báo trước sự xuất hiện của nhiều phụ nữ hơn ở những vị trí cấp cao hơn không?
(theo The Spectator)