Nữ đảng viên dám nghĩ, dám làm
Khẩu hiệu 'đảng viên đi trước, làng nước theo sau' có lẽ thật đúng đối với đảng viên Đinh Thị Xoa, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ (Vân Hồ). Bà đã không ngại khó khăn, luôn đi đầu trong việc vận động các hộ trong bản, trong xã chuyển đổi diện tích trồng lúa ruộng 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau màu cho thu nhập cao; mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác rồi chuyển đổi thành HTX sản xuất rau an toàn đầu tiên của huyện Vân Hồ. Từ cách làm của bà, đã có nhiều HTX, Tổ hợp tác trong huyện Vân Hồ học tập mô hình đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.
Không cho đất nghỉ
Giờ đây, thói quen trồng lúa ruộng 1 vụ của bà con Vân Hồ không còn nữa, người dân đã chuyển hướng sang trồng các loại rau màu cho năng suất, thu nhập cao và liên tục gối vụ trên diện tích đất canh tác. Đến HTX Sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ, hỏi thăm bà Đinh Thị Xoa, dân tộc Mường, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX, chúng tôi khá bất ngờ khi mọi người chỉ tay về một phụ nữ dáng thấp đậm, đi ủng đang đứng dưới ruộng trực tiếp hướng dẫn gần chục thanh niên nam, nữ cách trồng, chăm sóc rau sạch. Rất khiêm tốn khi nói về HTX, bà Xoa tâm sự: Người dân trong xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều nên nhiều năm qua, bà con vẫn chỉ trồng ruộng 1 vụ, khi thu hoạch lúa xong, đất bỏ không vô cùng lãng phí, không có thu nhập đồng nghĩa với cuộc sống nghèo đói, khó khăn. Việc tìm hướng chuyển đổi sản xuất, tạo việc làm để có thu nhập ổn định cho người dân, tôi cũng đã trăn trở từ lâu, nhưng chỉ thực sự vào cuộc từ năm 2015. Lúc này, huyện Vân Hồ có chủ trương khuyến khích người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn. Nghỉ công tác ở Hội Nông dân xã, có nhiều thời gian, tôi đã trực tiếp nghiên cứu các giống rau phù hợp với khí hậu của địa phương, được tiêu thụ ở nhiều thị trường. Gia đình tôi không trồng theo cách truyền thống mà nghiên cứu chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi có kinh nghiệm, tôi bắt đầu đi vận động, hướng dẫn các hộ dân trong bản cùng làm theo; rồi vận động thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn với 5 hộ tham gia, tổng diện tích canh tác 1,4 ha…
Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn sau khi thành lập đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ giúp đỡ về kỹ thuật, đưa các thành viên đi tham quan, tập huấn mô hình ở một số nơi. Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hướng dẫn nhiệt tình của bà Xoa, nên các hộ dân tham gia Tổ hợp tác tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Những đám ruộng đầy cỏ, bỏ hoang ngày nào ở các bản Hang Trùng 1, Hang Trùng 2, Bó Nhàng... đã bắt đầu được thay thế bằng màu xanh của những cây cải ngồng, cải ngọt, cải mèo, rau muống, những vườn cà chua trĩu quả... Các loại rau, quả của Tổ hợp tác được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP tuy khó hơn so với cách trồng rau truyền thống nhưng bù lại là năng suất cao, chất lượng rau an toàn, giá bán cao hơn so với rau trồng đại trà nên các hộ dân rất phấn khởi. Từ 5 hộ tham gia ban đầu, sau mỗi vụ thu hoạch lại có thêm vài hộ đăng ký tham gia Tổ hợp tác, bởi bà con thấy hiệu quả. Tháng 4 năm 2016, bà Xoa quyết định chuyển đổi Tổ hợp tác thành HTX Sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ (HTX sản xuất rau an toàn đầu tiên của huyện Vân Hồ) với sự tham gia của 27 thành viên, diện tích canh tác trên 7 ha. Bà Xoa chia sẻ thêm: Khi thành lập, HTX được UBND huyện hỗ trợ dự án trồng rau an toàn, dự án trồng rau trái vụ miền Bắc do Chính phủ Úc tài trợ; chúng tôi tiếp tục được đưa đi thăm quan các mô hình trồng rau an toàn ở Mộc Châu, Hà Nội; được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Năm đầu tiên, HTX còn được hỗ trợ về rau giống, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, cầm tay chỉ việc cho các hộ nông dân; được hỗ trợ 1 nhà lưới rộng 1.000 m² trị giá gần 300 triệu đồng... Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn để các thành viên trong HTX hăng hái thi đua sản xuất, áp dụng các quy trình, kỹ thuật được học.
Với sự sáng tạo, nhạy bén với thị trường, bà Xoa đã hướng dẫn các thành viên HTX trồng thêm các loại rau, củ, quả phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện Vân Hồ, đang được các siêu thị tiêu thụ mạnh như cải bắp, su su, su hào, đậu leo, cà chua, bí đỏ, bí xanh... Nhờ đó, nhiều hộ dân ở xã Vân Hồ đã có thu nhập ổn định và tăng dần theo từng năm, nhiều hộ đã thoát nghèo. Ông Vàng A Sa, bản Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ, cho biết: Gia đình tôi có hơn 2.500 m² đất, tham gia trồng rau với HTX, mỗi năm thu hoạch 3 lần rau, đậu, cà chua; tổng lãi khoảng hơn 40 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, trồng ngô mấy năm trước. Ông Mùi Văn Nhung, Bí thư chi bộ bản Hang Trùng 2, xã Vân Hồ, chia sẻ: Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, có HTX Sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, bao tiêu sản phẩm đã giúp cho nhiều hộ dân trong bản có thu nhập ổn định. Nếu so với trồng lúa thì diện tích canh tác trồng rau lãi hơn nhiều. Mỗi ha trồng lúa sẽ được khoảng 6 -7 tấn thóc, thu nhập khoảng 60 triệu đồng; nếu trồng rau sẽ được 3 lứa, trung bình khoảng 90 tấn/năm, chỉ cần tính với giá 6.000 đồng/kg thì sẽ thu nhập khoảng 180 triệu đồng. Trong bản có gia đình chị Đinh Thị Mai đã thoát nghèo nhờ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia thành viên HTX sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ.
Liên kết vệ tinh để phát triển
Để HTX ngày càng phát triển bền vững, nhận thấy các thành viên trong HTX đã làm chủ được các quy trình kỹ thuật canh tác nên giữa năm 2018, bà Xoa đã bàn với HĐQT và Ban giám đốc tách các thành viên có diện tích ruộng gần nhau thành lập các Tổ hợp tác, làm vệ tinh cho HTX để thuận lợi trong quá trình mở rộng diện tích gieo trồng, tạo ra các vùng nguyên liệu chất lượng, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Giữa năm 2018, 4 hộ dân ở bản Hang Trùng 2 và 5 hộ dân ở bản Bó Nhàng 2 đã tách ra thành lập 2 Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Quá trình hoạt động thấy hiệu quả, diện tích rau màu ngày càng được mở rộng và phong phú về chủng loại, đến nay HTX Sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ đã thành lập được 6 Tổ hợp tác làm vệ tinh trong đầu mối trồng, quy hoạch các vùng nguyên liệu theo nhu cầu của thị trường. Hiện, HTX đang duy trì chuỗi cung ứng rau sạch cho các công ty, siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều đặn mỗi tuần từ 2 đến 5 tấn rau, quả các loại. Năm 2020, ngoài tiếp tục duy trì trồng các loại rau, quả HTX sẽ trồng thêm 5.000 m² măng tây để cung cấp ra thị trường.
Nhận xét về HTX Sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ và nữ Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX, ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Đồng chí Đinh Thị Xoa là một gương đảng viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong chuyển đổi mô hình sản xuất theo chủ trương của huyện. Cá nhân đồng chí đã giúp nhiều gia đình trong bản, trong xã chuyển đổi diện tích lúa ruộng 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau màu để có thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo. Từ mô hình đầu tiên do đồng chí sáng lập và thực hiện thành công đã động viên, khuyến khích rất nhiều các HTX khác trên địa bàn huyện học tập và làm theo. Huyện Vân Hồ hiện đã quy hoạch vùng trồng rau tại 6 xã là Chiềng Yên, Lóng Luông, Vân Hồ, Tô Múa, Chiềng Khoa, Song Khủa với tổng diện tích gần 400 ha; chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các HTX duy trì chất lượng các sản phẩm, hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật, phương pháp tiên tiến để áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt là hướng dẫn các HTX vay vốn sản xuất để đầu tư thêm trang thiết bị trong chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn.
Với những kết quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy HTX sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ phát triển, bà Xoa đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành trao tặng. Nhưng niềm vui, hạnh phúc của bà là đã và đang giúp được nhiều hộ nông dân ở Vân Hồ chuyển đổi sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu; khẳng định tính tiên phong của người đảng viên trong công tác, trong sinh hoạt, là tấm gương cho quần chúng noi theo
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nu-dang-vien-dam-nghi-dam-lam-30208