Nữ đạo diễn kể chuyện Kinh Bắc bằng nghệ thuật và tình yêu quê hương
Chương trình 'Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới' chào mừng sự kiện thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) vừa qua do đạo diễn Thu Hoài dàn dựng là một thử thách lớn và cũng là lần vượt ngưỡng khó trong nghề nghiệp, mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho chị.

Một đại cảnh trong chương trình nghệ thuật “Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới”.
Chương trình “Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới” là “vinh dự lớn - áp lực lớn” đối với đạo diễn Thu Hoài khi được giao đảm nhiệm vai trò Tổng đạo diễn, cho dù chị đã từng lập nhiều “kỷ lục” trong nghề.
Được ví như “concert Bắc Ninh” đậm đặc dấu ấn văn hóa Kinh Bắc, chương trình đã thu hút 30 nghìn người xem từ hai điểm cầu truyền hình trong tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và Quảng trường 3/2 của tỉnh Bắc Ninh.

Tổng đạo diễn Thu Hoài và các cộng sự trong đêm diễn ra chương trình.
Thu Hoài tâm niệm, một chương trình hay phải tạo ra sự kết nối, mang lại những cảm xúc dâng trào. Với mảnh đất đậm đặc nét đẹp văn hóa truyền thống như vùng quê Kinh Bắc việc lựa chọn “cái hay-đẹp-bản sắc-tinh túy” để thể hiện là điều vô cùng khó khăn. Nếu mang tất cả vào một chương trình sẽ là một kịch bản mô tả kiểu liệt kê, rất khô khan, nhàm chán.
Bằng tài năng, bản lĩnh và tình yêu quê hương, Thu Hoài và các cộng sự đã sáng tạo, xây dựng một kịch bản đầy thuyết phục, tính toán đưa một chương trình kiểu chương hồi thành mạch chuyện giàu sự kết nối, mềm mại thông qua nhiều ngôn ngữ nghệ thuật, có khi là âm nhạc, lúc lại diễn xướng, múa tương tác led, kết hợp nghệ thuật múa bóng và 3D mapping.

Những đặc trưng văn hóa Kinh Bắc được tạo dựng trên sân khấu hoành tráng.
Đặc biệt hơn, đây còn là cuộc chơi của công nghệ trình diễn nghệ thuật ánh sáng Dronelight hiện đại và đẳng cấp tạo ra sức hút lớn trên sân khấu quê nhà. Lần đầu 3D mapping, Holograme được ứng dụng trình diễn màn hình lớn lên đến gần 500m2 ở hai điểm cầu sóng truyền hình, để nỗ lực đạt hiệu quả tối đa cho chương trình.
Có thể nói, lần đầu tại Bắc Ninh, khán giả được thưởng thức và cảm nhận trọn vẹn thế nào là sức mạnh của nghệ thuật kết hợp cùng công nghệ, của âm nhạc hòa cùng niềm tự hào dân tộc, và của khát vọng tương lai đang thắp sáng với vùng đất Kinh Bắc.
Ấn tượng từ chương trình là việc kết hợp thành công giữa các yếu tố biểu cảm nghệ thuật và công nghệ trình diễn hiện đại. Sân khấu lớn, nhiều lớp, ánh sáng , hệ thống hình ảnh visual sắc nét…

Chương trình cũng tái hiện những tập tục truyền thống tốt đẹp đôi bờ sông Cầu với nghệ thuật quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thực hiện một chương trình nghệ thuật tôn vinh về một địa phương, một vùng đất, có lẽ khó nhất chính là việc hiểu nếp văn hóa vùng, miền. Lợi thế lớn nhất của Thu Hoài là sinh ra và lớn lên bên bờ , cho nên tuổi thơ chị và sau này đã thấm đẫm những câu quan họ cổ trong từ lời ăn tiếng nói, từng nếp sinh hoạt. Và những nét đẹp này, được chị đưa vào kịch bản một cách khéo léo và thật sống động.
Trên quê hương quan họ “một làn nắng cũng mang điệu dân ca" và có hòa mình vào những canh hát mới cảm nhận, thấm thía mạch nguồn của dòng chảy văn hóa quan họ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thấm vào từng nếp ăn nếp ở, từng lời ăn tiếng nói. Chính vì vậy, không chỉ hiểu, không dừng lại ở tình yêu mà tôi luôn nỗ lực chia sẻ, lan tỏa nét đẹp văn hóa và sự tự hào về quê hương thông qua chương trình.
Tổng đạo diễn Thu Hoài

Chương trình là thử thách lớn đối với nữ đạo diễn Thu Hoài.
Nét đẹp “tục kết chạ” lâu đời của quê hương cũng được Thu Hoài nhắc nhớ trong chương trình, khơi dậy mối liên kết của những làng quan họ cổ hai bên bờ bắc và bờ nam sông Cầu.
Nhờ vậy, các nghệ nhân quan họ từ hai bờ sông có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt văn hóa. Văn hóa ấy được trao truyền, nuôi dưỡng, chắt chiu gìn giữ và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến hôm nay khi dân ca quan họ Bắc Ninh đã trở thành di sản của nhân loại.
Và, đến hôm nay, họ lại chung nhau một niềm tự hào Kinh Bắc nghìn năm văn hiến, hòa chung một dòng chảy lịch sử-văn hóa-dòng chảy tâm linh cũng như nhiều yếu tố kinh tế xã hội bao quát trải dài, cùng hướng đến “Khát vọng ”.

Hình tượng Vua Lý Thái Tổ với Chiếu dời đô xuất hiện trên bầu trời đêm.
Với ba chương: “Dòng chảy lịch sử-Ngàn năm văn hiến”, “Từ làng nghề truyền thống đến thủ phủ công nghiệp phía bắc” và “Tỏa sáng miền khát vọng”, chương trình đã đưa người xem đi qua một hành trình sống động, gợi nhớ qua những biểu tượng, hình ảnh và các giá trị văn hóa đặc trưng Kinh Bắc thể hiện bằng ngôn ngữ của âm nhạc, ánh sáng, bằng những hoạt cảnh, lời thoại, video clip… theo một chủ đề xuyên suốt cùng những thông điệp gửi gắm trong đó.
Ánh sáng và thiết kế sân khấu ấn tượng đã tạo ra những phút giây “pháo hoa rực rỡ”, tạo sức kết nối mạnh mẽ. Trên bầu trời đêm Bắc Ninh, những nhân vật lịch sử, những hình ảnh biểu tượng của quê hương như Kinh Dương Vương - Thủy tổ của dân tộc, Lý Thái Tổ với Chiếu dời đô, Lý Thường Kiệt và bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, chiến thắng Xương Giang, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Vĩnh Nghiêm và cả hình ảnh chùm vải thiều bình dị… như được hiện sinh bằng ánh sáng rực rỡ, khiến hàng nghìn khán giả ngỡ như đang sống trong huyền thoại ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Lịch sử dân tộc và vùng đất Kinh Bắc hiển hiện sinh động và hấp dẫn.
Đóng góp quan trọng vào thành công của chương trình là vai trò âm nhạc, vừa đậm đặc truyền thống vừa mang hơi thở đương đại, tương hỗ cho một tổng thể chương trình nghệ thuật truyền tải câu chuyện văn hóa. Trong đó, hội tụ tinh túy của nghệ thuật diễn xướng dân gian vùng Kinh Bắc như: dân ca quan họ, đối ca và các bản mashup lần đầu được trình làng như: “Trên quê hương quan họ”, “Qua cầu sông Thương”… Hàng loạt ca khúc được dàn dựng: “Kinh Bắc”, “Bắc Ninh tỏa sáng”, “Bắc Ninh cất cánh”, “Con đường Phật giáo”, hay “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”… và cả những bài vè, đồng dao như “Đất trăm nghề” nối tiếp nhau tạo dựng một sử thi vùng đất, khắc họa chiều sâu lịch sử. Đó là con đường hoằng dương Phật giáo, truyền thống hiếu học, cách mạng và văn hóa của vùng đất nghìn năm văn hiến.

Hình ảnh tranh Đông Hồ và các biểu tượng văn hóa Kinh Bắc cũng được tái hiện trên sân khấu và bầu trời đêm Bắc Ninh.
Bên cạnh màn trình diễn cảm xúc của các nghệ sĩ nổi tiếng như các Nghệ sĩ Nhân dân: Quốc Hưng, Thúy Hường và các nghệ sĩ, ca sĩ: Lương Nguyệt Anh, Đinh Mạnh Ninh, Trần Tùng Anh,... một điểm nhấn của chương trình là tiết mục biểu diễn hoành tráng của ca sĩ Hòa Minzy đang “hot” trong làng nhạc trẻ Việt Nam với ca khúc “Bắc Bling” có sự tham của gần 3.000 diễn viên, học sinh, tạo ra một màn đồng diễn kỷ lục trên sân khấu Việt.
Điều đặc biệt là nữ ca sĩ Hòa Minzy đã biểu diễn tại cả hai điểm cầu truyền hình, mang lại sự sôi động và ấn tượng của chương trình.

Ca sĩ Hòa Minzy biểu diễn bài "Bắc B'ling" cùng khoảng 3.000 diễn viên và học sinh tại chương trình.
Nhiều hơn tài năng của một tổng đạo diễn Thu Hoài, có thể nói, thành công còn đến từ tấm lòng của những người con Kinh Bắc tham gia chương trình. Họ đã dám “vượt ngưỡng” để làm nên khác biệt trong niềm hạnh phúc và tự hào về quê hương.
Có lẽ, trong ký ức của người dân Bắc Ninh sẽ còn mãi đọng lại một chương trình nghệ thuật giàu bản sắc và ý nghĩa và màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời quê hương trong ngày hội “về chung một nhà”.