Nữ điệp viên huyền thoại lật tẩy âm mưu của phát xít Đức
Một trong những nữ điệp viên huyền thoại, bà Gohar Vartanian vừa qua đời ở tuổi 93. Bà là một trong những điệp viên của mạng lưới phản gián đã lật tẩy âm mưu của phát xít Đức hòng ám sát 3 nhà lãnh đạo phe Đồng Minh là Stalin, Roosevelt và Churchill tại hội nghị ở Tehran (Iran) năm 1943.
Gohar Vartanian sinh ngày 25-1-1926 ở Armenia, khi đó thuộc Liên Xô. Khi mới chưa đầy 10 tuổi, bà theo gia đình chuyển đến sống tại Tehran. Năm 16 tuổi, vì lòng yêu Tổ quốc, bà cùng chồng tương lai Gevork Vartanian được tuyển mộ vào một nhóm trinh sát. Nhiệm vụ của nhóm là đi khắp Tehran, thu thập tin tức và theo dõi những nhân vật nghi là tình báo Đức.
Lúc này, Iran là một trong những “điểm nóng” vì là nguồn cung dầu mỏ quan trọng cho Anh. Do nằm giữa châu Âu và châu Á, Iran là cầu nối của Anh với các thuộc địa và án ngữ ngay sát các mỏ dầu phía Nam Liên Xô, “nguồn sống” tối quan trọng cho Hồng quân. Iran là điểm đến của hàng nghìn người châu Âu tị nạn chiến tranh, trong đó phần lớn là người Đức. Đây là cơ hội quý cho mật vụ Đức trà trộn, xây dựng một mạng lưới chống lại hoạt động tiếp tế của phe Đồng Minh cho Liên Xô. Khi cần, Đức có thể dùng điệp viên chi phối chính phủ Iran ngả theo Berlin, hoặc tổ chức phá hoại mở đường cho xâm lược. Đến năm 1943, Nikolai Kuznetsov, một điệp viên Liên Xô đóng giả làm sĩ quan Đức hoạt động trong lòng địch báo cáo một tin chấn động: Phát xít Đức đang lên kế hoạch “Bước nhảy dài”, ám sát 3 nhà lãnh đạo phe Đồng Minh ở hội nghị Tehran, diễn ra vào ngày 28-11. Toàn bộ mạng lưới tình báo Liên Xô tại Iran khi đó lập tức được huy động để ngăn chặn âm mưu này. Nhiều tuần sau đó, cô gái trẻ Gohar cùng đồng đội rong ruổi trên đường phố 14 đến 16 giờ mỗi ngày để truy tìm manh mối.
Biết trước kế hoạch của Đức, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin đã mời Tổng thống Mỹ Roosevelt nghỉ trong đại sứ quán Liên Xô, địa điểm tổ chức hội nghị, với lý do để tiện đi lại vì đại sứ quán Mỹ ở xa. Do bị tàn tật, ông Roosevelt vui vẻ nhận lời, dập tắt hy vọng của Đức hòng ám sát ông trên đường đến dự hội nghị. An ninh được tăng cường cẩn mật quanh khu vực đại sứ quán.
Một ngày, nhóm của Gohar Vartanian phát hiện một nhóm người khả nghi hay ra vào một ngôi biệt thự trên con phố chính của Tehran, gần đại sứ quán Liên Xô. Ngay lập tức khám xét, phản gián Liên Xô bắt được 6 đặc vụ SS cùng nhiều vũ khí, thuốc nổ và máy điện đài. Toán tiền trạm này có nhiệm vụ chuẩn bị cho toán đặc nhiệm chính do Otto Skorzeny chỉ huy, thực hiện vụ ám sát. Otto Skorzeny là một trong những sĩ quan được Hitler tin dùng nhất, người đã chỉ huy thành công chiến dịch giải cứu trùm phát xít Mussolini của Italy. Nếu “đánh động” là nhóm tiền trạm ở Tehran bị bắt, Berlin sẽ thay đổi phương án. Mật vụ Liên Xô sẽ phải điều tra lại từ đầu. Do đó, dưới sự giám sát chặt chẽ, nhóm tiền trạm Đức này vẫn báo tin về “đầu não” rằng mọi chuyện diễn ra đúng kế hoạch. Mãi đến gần ngày toán đặc nhiệm thứ hai chuẩn bị thâm nhập, mật vụ Liên Xô gửi về một mẩu tin, “cảnh báo” rằng kế hoạch đã bị lộ. Do đã quá gần ngày diễn ra hội nghị, Berlin không kịp trở tay. Otto Skorzeny nhận lệnh phải hủy bỏ nhiệm vụ. Âm mưu thay đổi cục diện chiến tranh của phát xít Đức bị triệt phá.
Ngày 1-12-1943, hội nghị kết thúc tốt đẹp. Ba nhà lãnh đạo phe Đồng Minh đã đạt được đồng thuận rằng, liên quân Anh-Mỹ sẽ mở mặt trận Tây Âu, “chia lửa” cho Liên Xô và định hình lại thế giới sau chiến tranh. Hội nghị Tehran cũng là một trong những sự kiện đặt nền móng cho Liên hợp quốc hiện tại. Sau thành công ở Tehran, bà Gohar Vartanian cùng chồng trở về Armenia, chính thức được tuyển vào Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB). Năm 1956, hai người lên đường làm nhiệm vụ trở thành điệp viên chìm ở nước ngoài.
Trong suốt 30 năm, dưới vỏ bọc là một cặp vợ chồng thương nhân gốc Iran, bà và chồng hoạt động bí mật ở Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu. Ông Gevork Vartanian chia sẻ, người vợ, người đồng chí của mình là trợ thủ đắc lực của ông. Vỏ bọc cặp vợ chồng cũng khiến nhiều nhân vật cấp cao ông tiếp cận không mảy may nghi ngờ, đặc biệt tại các sự kiện sang trọng. Để làm nhiệm vụ, bà Gohar Vartanian đã làm lễ kết hôn với chồng tới 3 lần.
Năm 1986, bà cùng chồng trở về Liên Xô để nghỉ hưu, hoàn toàn không bị lộ thân phận trong suốt thời gian ẩn mình ở nước ngoài. Hai điệp viên được trao tặng vô số huân chương, trong đó, Gevork Vartanian được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô cao quý vì những chiến công sau hàng chục năm hoạt động. Sau khi về hưu, bà Gohar và ông Gevork Vartanian tiếp tục truyền đạt lại kho kinh nghiệm quý báu của họ cho các thế hệ sĩ quan tình báo kế cận. Nhiều hồ sơ về hoạt động của đôi vợ chồng điệp viên này đến nay vẫn còn là ẩn số. Từ chiến công cứu 3 nhà lãnh đạo phe Đồng Minh, một bộ phim do Liên Xô, Pháp và Thụy Sĩ đồng sản xuất có tên “Tehran 43” ra đời năm 1981.
Cùng với nhiều điệp viên huyền thoại Liên Xô khác, bà Gohar Vartanian trở thành nguồn cảm hứng, hình mẫu về sự tận tụy và lòng trung thành trong giới tình báo Nga.