Nữ doanh nhân bảo tồn nguồn gen dược liệu quý

Cao Bằng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về đa dạng sinh học, nơi sinh trưởng hơn 600 loài cây thuốc quý, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn cao về hàm lượng, công dụng y học và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, nguồn dược liệu đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt; với mong muốn bảo tồn các loại gen dược liệu quý tại địa phương, năm 2014 chị Đinh Thị Thùy thành lập Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà, Công ty là doanh nghiệp khoa học duy nhất đi đầu trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Cao Bằng.

Là người đam mê nghiên cứu khoa học, mong muốn lưu giữ nguồn gen cây thạch hộc thiết bì, chị chủ động đưa ra chiến lược đầu tư nghiên cứu, phát triển loài cây này. Chị Thùy chia sẻ: Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc, có rất nhiều loại cây dược liệu, chúng tôi định hướng phát triển cây thạch hộc thiết bì và cây lan bạch cập. Hai cây này thuộc dược liệu quý bị khai phá rất nhiều, tôi mong muốn gìn giữ và bảo tồn nguồn gen. Với cây thạch hộc thiết bì, chúng tôi đã thành công từ giai đoạn 2014 - 2015 để được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh; giai đoạn 2016 - 2023 tiếp tục thực hiện thành công cây lan bạch cập, đó là cây dược liệu quý được mệnh danh là đại tiên thảo với nhiều công dụng như: bổ khí huyết, mạnh xương khớp, bổ thận, chữa ung thư, làm đẹp và cầm máu.

Năm 2015, trên cơ sở kết quả tự nghiên cứu bước đầu, Công ty được phê duyệt là đơn vị chủ trì, ký hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai đề tài KH&CN cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, nhân giống và phát triển sản xuất cây dược liệu thạch hộc thiết bì trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý. Sau 10 tháng nghiên cứu, Công ty thu được hơn 50.000 cây dược liệu thạch hộc thiết bì (invitro) cấy trong bình thủy tinh.

Chị Đinh Thị Thùy luôn sát sao từng công việc từ kỹ thuật nuôi cấy mô cho đến quy trình trồng, chăm sóc cây lan Bạch Cập

Chị Đinh Thị Thùy luôn sát sao từng công việc từ kỹ thuật nuôi cấy mô cho đến quy trình trồng, chăm sóc cây lan Bạch Cập

Làm khoa học đã khó, với phụ nữ càng vất vả hơn, để hoàn thành đề tài chị Thùy gặp không ít khó khăn vì công nghệ nuôi cấy mô thời điểm năm 2015 còn khá mới trên địa bàn tỉnh. Chị tự nghiên cứu, tìm tòi về kỹ thuật nuôi cấy trong bình thủy tinh, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tập huấn cho công nhân…, tất cả phải đầu tư đồng bộ, chi phí cao. Trái ngọt đã đến với chị khi đề tài xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu tại huyện Trùng Khánh với diện tích 500 m2, được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu đạt loại khá. Đến năm 2018, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà là doanh nghiệp khoa học công nghệ được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận đầu tiên tại tỉnh. Danh mục sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN như: cây giống và cây nguyên liệu thạch hộc thiết bì, rượu thạch hộc thiết bì, thực phẩm chức năng bào chế từ cây thạch hộc thiết bì. Các sản phẩm Công ty đã và đang nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh gồm hai loài cây dược liệu thạch hộc thiết bì, cây lan bạch cập; ngoài ra, Công ty nghiên cứu sản phẩm đối với cây lâm nghiệp (quế); các loại sản phẩm chế biến (rượu vang nho rừng, men ngọt hạt dẻ, rượu nếp Ong - hạt dẻ, rượu nếp Ong, rượu sim, cơm ngọt nếp Ong - hạt dẻ...).

Từ năm 2016 đến nay, chị Thùy nghiên cứu thêm về cây lan bạch cập nhằm bảo tồn gen và đã có kết quả khả quan. Tuy nhiên, để kết quả nghiên cứu được công nhận và đưa vào thực tiễn, cần có đánh giá của hội đồng khoa học bởi lan bạch cập là cây thuốc quý, cần được bảo tồn nguồn gen, được biết đến với nhiều công dụng như cầm máu, hỗ trợ chữa trị ung thư... do đó việc được hội đồng khoa học công nhận là rất cần thiết. Theo chị Thùy, để nghiên cứu thành công hai cây này đòi hỏi quá trình từ chọn lọc giống đến ra vườn ươm và trồng cây, quy trình ít nhất 5 năm. Khát vọng làm dược liệu luôn được chị nuôi dưỡng, dược liệu là cây thuốc để cứu sống người bệnh nên chị mong muốn làm được những việc có ích cho xã hội và lưu giữ nguồn gen một số cây dược liệu của tỉnh. Thời gian tới, Công ty tiếp tục nghiên cứu thêm một số cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong năm 2016, Công ty tiến hành ươm giống cây quế để hỗ trợ cho người nông dân. Đến nay, Công ty trồng hơn 1.700 ha quế tại các xã trên địa bàn huyện Nguyên Bình với mong muốn thay thế diện tích rừng nghèo kiệt thành rừng có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng trao Bảng vàng doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiêu biểu sáng tạo năm 2023 cho chị Đinh Thị Thùy.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng trao Bảng vàng doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiêu biểu sáng tạo năm 2023 cho chị Đinh Thị Thùy.

Phát huy năng lực, sở trường của mình, chị Thùy tự nghiên cứu việc bảo tồn gen, chọn giống, quy trình chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật cho nhân viên… Khi quá trình chọn giống dược liệu trong phòng thí nghiệm thành công, cây dược liệu sẽ được trồng tại khu Lũng Moong, xã Khâm Thành (Trùng Khánh). Từ khi nơi đây có vườn dược liệu, 15 chị em phụ nữ tại địa phương và hàng chục lao động thời vụ có việc làm với thu nhập ổn định.

Ngoài 2 ha trồng cây lan bạch cập tại khu vực Lũng Moong, xã Khâm Thành, để tận dụng quỹ đất và thúc đẩy du lịch, chị Thùy trồng thêm hoa đỗ quyên, hoa hồng, từ nhiều năm nay nơi đây trở thành địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh mỗi khi hoa đỗ quyên nở rộ.

Với những cống hiến, đóng góp cho khoa học của chị Thùy trong 9 năm qua, đến tháng 9/2023, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà vinh dự là một trong số 11 doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu sáng tạo toàn quốc, năm 2023 được Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (VTS) vinh danh.

Phan Huế

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nu-doanh-nhan-bao-ton-nguon-gen-duoc-lieu-quy-3171177.html