Nữ du khách Anh nêu lý do quyết định đến Việt Nam 'độc hành' trong một tuần
'Tôi muốn đến một nơi có thời tiết tuyệt vời, văn hóa thú vị, ẩm thực phong phú và con người thân thiện'.
Nữ du khách người Anh Lucy Handley có bài viết trên CNBC chia sẻ về hành trình của mình, đi từ Thành phố Hồ Chí Minh qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đến Phú Quốc.
Thành phố Hồ Chí Minh nổi bật
Tôi đã được kể nhiều về tình trạng tắc nghẽn ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi có dân số khoảng 9 triệu người. Khi máy bay của tôi bay thấp trên thành phố vào buổi tối, tôi có thể nhìn thấy ánh đèn của hàng trăm chiếc xe gắn máy chạy vù vù trên đường phố.
Nhưng ngồi trong taxi đến khách sạn, tôi bị mê hoặc bởi ánh đèn rực rỡ trên đường và thích thú với lượng người chở trên xe máy của họ - một gia đình bốn người, cộng với hàng tạp hóa, chất đầy trên một chiếc xe đạp. Tôi thậm chí còn nhìn thấy một người đàn ông chở đằng sau một chiếc gương soi dài khi đang đi trên đường.
Ngày hôm sau, tôi xuất phát từ 8 giờ sáng. Thanh, hướng dẫn viên du lịch của tôi, chỉ về phía tấm biển trên nóc khách sạn Rex gần đó có dòng chữ: "Five o'clock follies" đề cập đến các cuộc họp báo của quân đội Mỹ tại khách sạn trong chiến tranh.
Tầng thượng của khách sạn hiện là một quán bar, nơi có đồ uống thú vị và tầm nhìn xuống cả thành phố.
Ảnh hưởng của kiến trúc Pháp
Ảnh hưởng của kiến trúc Pháp vẫn còn thể hiện rõ ở thành phố này. Cách khách sạn Rex một dãy nhà, tôi dừng lại trước Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp Eugene Ferret thiết kế cuối thế kỷ 19.
Địa điểm này cũng trở thành nơi nhiều người đến chụp ảnh. Hai đôi cô dâu chú rể đang tạo dáng bên những bậc thềm của Nhà hát trong khi vẫn nhanh chóng tránh những dòng xe cộ đang di chuyển.
Xa hơn dọc theo con phố là Bưu điện Thành phố duyên dáng, cũng được thiết kế theo kiểu Pháp và hầu như không thay đổi kể từ những năm 1880. Từ đó, tôi đã gửi một tấm bưu thiếp về quê nhà ở Anh. Gần đó là Nhà thờ Đức Bà với hai ngọn tháp, một tòa nhà gạch đỏ và tượng Đức mẹ Đồng trinh.
Giờ ăn trưa
Vào khoảng giờ ăn trưa, tôi để ý thấy một nhóm nam giới trong trang phục công sở ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ trên vỉa hè, đây là cách phổ biến của người dân thành phố khi dùng bữa trưa.
Thanh đưa chúng tôi đến một quán cà phê bán nhiều loại bánh mì, là loại bánh mì có nhân thịt hoặc rau và các loại rau gia vị được ưa chuộng trên khắp Việt Nam. Cũng như những người nhân viên văn phòng lúc trước tôi nhìn thấy, chúng tôi ngồi ăn trên những chiếc ghế nhỏ dưới bóng râm vỉa hè.
Mặc dù chỉ ở lại một thời gian ngắn, nhưng tôi đã yêu kiến trúc vĩ đại, lịch sử và sự sôi động của thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố chắc chắn rất bận rộn, nhưng tôi thấy người dân vô cùng thân thiện - một nhân viên nhà hàng đã cố gắng giúp tôi băng qua đường.
Đồng bằng sông Cửu Long
Phía Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh là đồng bằng sông Cửu Long, một vùng của những cánh đồng lúa, sông ngòi và chợ nổi.
Tôi đã tham gia chuyến đi tham quan bằng xe buýt và thuyền trong hai. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là thị trấn Mỹ Tho để tham quan chùa Vĩnh Tràng được xây dựng vào năm 1849.
Chúng tôi đã đến thăm chợ Cái Bè, ngay bên ngoài thành phố Cần Thơ, nơi chúng tôi nếm thử trái thơm mới cắt với muối ớt (ngon một cách đáng kinh ngạc) và cà phê Việt Nam đậm đặc từ một người bán hàng neo thuyền của cô ấy bên cạnh thuyền của chúng tôi.
Mặc dù có thể đông đúc khách du lịch, nhưng chợ nổi là điểm nổi bật của đồng bằng sông Cửu Long đối với tôi. Những thương nhân đội nón lá bán mọi thứ từ trái cây đến đồ cắt tóc trên thuyền của họ - một trải nghiệm tuyệt vời nhất được nhìn thấy vào buổi sáng sớm.
Cuối cùng, tôi kết thúc hành trính của mình ở Phú Quốc, tại một khu nghỉ mát bên bờ biển nằm trong khu vườn xinh đẹp trên hòn đảo nhiệt đới, với những bãi biển rợp bóng cọ.