Nữ du khách nước ngoài bị cưỡng hiếp tập thể ở Ấn Độ

Vụ nữ du khách Brazil bị cưỡng hiếp tập thể ở bang Jharkhand, miền Đông Ấn Độ đang châm ngòi làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc.

 Bức ảnh do cảnh sát Dumka công bố cho thấy ba người đàn ông đã bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp và hành hung một cặp đôi nước ngoài đi du lịch ở Ấn Độ. Ảnh: Cảnh sát Dumka/X.

Bức ảnh do cảnh sát Dumka công bố cho thấy ba người đàn ông đã bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp và hành hung một cặp đôi nước ngoài đi du lịch ở Ấn Độ. Ảnh: Cảnh sát Dumka/X.

Cảnh sát ở miền Đông Ấn Độ đã bắt giữ 3 người đàn ông và đang truy tìm 4 người khác trong vụ cưỡng hiếp tập thể một du khách Brazil gây chấn động quốc gia Nam Á này.

Vụ việc châm ngòi làn sóng phẫn nộ và biểu tình trong bối cảnh bạo lực tình dục đối với phụ nữ vẫn là một vấn đề dai dẳng và nhức nhối ở quốc gia tỷ dân.

Chấn động

Vụ tấn công xảy ra với nữ travel blogger Brazil và chồng người Tây Ban Nha trong một khu rừng vào đêm 1/3, khi cặp đôi đang cắm trại trong chuyến du lịch bằng xe môtô dọc miền Đông Ấn Độ tới Nepal, theo Washington Post.

Cố gắng kìm nước mắt và xuất hiện với những vết bầm tím trên mặt, cặp đôi chia sẻ trong một đăng tải trên Instagram vào sáng 2/3 rằng 7 người đàn ông đã kề dao vào cổ họ và thay phiên tấn công tình dục người phụ nữ trong khi đánh đập và khống chế người chồng, theo BBC.

Cảnh sát địa phương ở bang Jharkhand cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 5/3 rằng họ đã đưa các nạn nhân đến bệnh viện gần đó và xác nhận nội dung câu chuyện của họ. Cảnh sát quận Dumka nói rằng họ đã xác định danh tính toàn bộ 7 người đàn ông trong vụ việc và lập đội điều tra đặc biệt để truy bắt giữ 4 người vẫn còn lẩn trốn.

Trong khi các vụ bạo lực tình dục đối phụ nữ Ấn Độ - bị liệt vào hàng thấp hơn trong thang đẳng cấp - và nữ giới thuộc cộng đồng bộ lạc bản địa, thường ít được trình báo và không bị truy tố, vụ việc này liên quan đến một người nước ngoài công khai trên mạng xã hội với hơn 200.000 người theo dõi - đã thu hút sự chú ý ở mức độ hiếm thấy trên toàn quốc.

Các tờ báo lớn của nước này đều đưa tin về vụ việc, và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, chính trị gia và thậm chí cả những người nổi tiếng Bollywood cũng lên tiếng trên mạng xã hội để lên án vấn đề được gọi là nan giải bất chấp những nỗ lực cải cách văn hóa và pháp lý.

Quá coi nhẹ hành vi quấy rối và bạo lực tình dục

Karanjeet Kaur, tác giả của bài bài op-ed hôm 4/3 trên Washington Post về sự phẫn nộ của bà đối với bạo lực tình dục nhằm vào phụ nữ Ấn Độ, cho biết vụ việc đã châm ngòi rất nhiều cuộc bàn luận vì nạn nhân sống sót đã đứng lên chia sẻ một trải nghiệm khủng khiếp, mà đáng buồn là không xa lạ với với không ít phụ nữ Ấn Độ.

 Vụ việc của nữ du khách Brazil thu hút sự quan tâm đông đảo công chúng và khiến nhiều người bị sốc sau khi được cô đưa lên mạng xã hội, nhưng đáng buồn là những tội ác như vậy không xa lạ với với không ít phụ nữ Ấn Độ. Ảnh minh họa: CNN.

Vụ việc của nữ du khách Brazil thu hút sự quan tâm đông đảo công chúng và khiến nhiều người bị sốc sau khi được cô đưa lên mạng xã hội, nhưng đáng buồn là những tội ác như vậy không xa lạ với với không ít phụ nữ Ấn Độ. Ảnh minh họa: CNN.

“Chúng ta đã quá quen với bạo lực đối với phụ nữ đến nỗi chỉ khi diễn biến của một vụ án rất khác biệt thì lương tâm của chúng ta mới bị lay động”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Vào tháng 12/2012, hàng nghìn người Ấn Độ đã xuống đường phản đối vụ cưỡng hiếp tập thể và cái chết của một sinh viên 22 tuổi trong vụ việc chấn động đã khiến chính phủ Ấn Độ phải mở rộng định nghĩa pháp lý về hiếp dâm và đưa ra hình phạt tử hình cho tội cưỡng hiếp.

Bất chấp nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề, bạo lực tình dục đối với phụ nữ vẫn là vấn nạn dai dẳng ở Ấn Độ. Theo số liệu thống kê quốc gia, tội phạm bạo lực đối với phụ nữ vẫn tiếp tục gia tăng và các vụ hiếp dâm gây sốc tiếp tục nổi lên với mức độ thường xuyên đáng báo động. Nguyên nhân một phần được cho là từ văn hóa coi nhẹ hành vi quấy rối và bạo lực tình dục - cũng như việc không trừng phạt thủ phạm một cách thỏa đáng - trong một xã hội phụ hệ.

Các đô vật nữ của Ấn Độ đã tổ chức các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 1/2023 chống lại chủ tịch liên đoàn đấu vật nước này, cáo buộc nam lãnh đạo này liên tục có hành vi quấy rối phụ nữ trong thập kỷ trước. Tuy nhiên, người này vẫn không bị truy cứu trách nhiệm cho đến khi tòa án ra lệnh cho cảnh sát điều tra vụ án vào tháng 4/2023.

Người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ, Rekha Sharma, cũng bị cáo buộc coi nhẹ bạo lực tình dục sau khi blogger người Brazil đưa vụ việc lên mạng xã hội.

Khi một nhà báo Mỹ đăng lại câu chuyện của cặp đôi, trong đó người chồng nói rằng anh chưa bao giờ chứng kiến nhiều vụ xâm hại tình dục nhiều như ở Ấn Độ, bà Sharma đã chỉ trích người này “bôi nhọ” Ấn Độ.

 Các vụ tấn công tình dục phụ nữ được ghi nhận ở Ấn Độ được cho là chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Ảnh minh họa: CNN.

Các vụ tấn công tình dục phụ nữ được ghi nhận ở Ấn Độ được cho là chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Ảnh minh họa: CNN.

Những vụ cưỡng hiếp liên quan đến du khách nước ngoài tại Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của quốc tế về vấn đề này, theo CNN.

Năm 2018, một phụ nữ Anh bị cưỡng hiếp khi đang đi bộ đến khách sạn ở bang miền Tây Goa, một địa điểm du lịch nổi tiếng; hai năm trước đó, một phụ nữ Mỹ bị một nhóm đàn ông đánh thuốc mê và cưỡng hiếp trong phòng khách sạn 5 sao của cô ở New Delhi. Và vào năm 2013, sáu người đàn ông đã bị kết án tù chung thân vì tội hiếp dâm tập thể một du khách Thụy Sĩ.

Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, tổng cộng 31.516 vụ cưỡng hiếp được ghi nhận vào năm 2022, trung bình mỗi ngày có 86 vụ.

Và các chuyên gia cảnh báo rằng số vụ việc được ghi nhận chỉ là một phần nhỏ so với con số thực tế, ở quốc gia có chế độ gia trưởng sâu sắc, nơi mà sự xấu hổ và kỳ thị bao trùm các nạn nhân bị cưỡng hiếp và gia đình họ.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/nu-du-khach-nuoc-ngoai-bi-cuong-hiep-tap-the-o-an-do-post1462793.html