Nữ già làng đặc biệt ở Tây Nguyên
Nữ già làng Ksor Blâm (ngụ xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) luôn đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ cho bà con với tinh thần 'cái gì khó là có già Blâm'.
Ở vùng biên giới xa xôi của tỉnh Gia Lai, bà Ksor Blâm (80 tuổi, ngụ làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) là nữ già làng lớn tuổi nhất hiện nay ở Tây Nguyên. Già Blâm là thủ lĩnh tinh thần, điểm tựa cho làng; có nhiều cống hiến giúp quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cho bà con mượn tiền, mượn bò... để thoát nghèo
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, già làng Ksor Blâm trông rất khỏe mạnh và minh mẫn. Già thường xuyên lặn lội "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền hướng dẫn, giúp đỡ cho bà con. Cái gì khó là có già Blâm.
Nhắc về mình, già làng Blâm vui vẻ nói: “Già vẫn còn khỏe lắm, sẽ cống hiến hết mình cho làng, cho địa phương. Già sẽ làm già làng cho đến khi đôi chân không còn nghe lời nữa”.
Nhìn lại mái tóc hoa râm, già Blâm kể, năm 17 tuổi đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, làm công tác giao liên với nhiều nhiệm vụ nguy hiểm và gian khó. Chiến tranh kết thúc, bà về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai và về hưu năm 1987 với quân hàm Thượng úy.
Trở lại với địa phương, bà Blâm nhanh chóng hòa nhập và trở thành “hạt nhân” trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Bà được bà con tin yêu, tín nhiệm làm già làng và bà luôn gương mẫu đi đầu, xứng đáng với niềm tin yêu của bà con.
Để nói dân tin, nghe theo, gia đình già Blâm luôn đi đầu trong làng về kinh tế, nếp sống văn hóa; gia đình các con của bà thuộc diện khá giả tại địa phương. Nhờ già Blâm, dân làng Krông có kinh tế, đời sống không ngừng nâng cao.
Từ năm 2010, bà đã thành công vận động cho hàng chục hộ dân trên địa bàn tham gia làm công nhân cao su, có thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng. Vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết trồng lúa nước hai vụ.
Thấy nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà Blâm dùng tiền của mình cho các hộ dân mượn làm vốn làm ăn, mượn bò để nuôi… Nhờ vậy, nhiều hộ thoát khỏi khó khăn, vươn lên thoát được cái nghèo. Trong nhiều năm qua, già Blâm đã cùng chính quyền địa phương và các đoàn thể xây dựng nhà tình nghĩa cho hàng chục hộ gia đình.
“Mình nói, tuyên truyền mà không làm gương thì rất khó để bà con tin, nghe theo. Cái miệng mình nói, cái tay phải làm, phải chỉ cho bà con thấy. Già cảm thấy mừng là những việc làm của mình đã mang lại hiệu quả, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, không nghe theo kẻ xấu xúi dục” - già Blâm chia sẻ.
Bà thường xuyên nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân, vận động nhân dân yên tâm sản xuất, không nghe kẻ xấu xúi dục chống phá đoàn kết dân tộc.
Nữ già làng đặc biệt
Nói về già làng Ksor Blâm, anh Ksor Thâng, Trưởng thôn Krông (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) tự hào: “Lúc tôi mới sinh ra, già Blâm đã làm già làng rồi và duy trì mấy chục năm nay. Người dân trong làng rất tin tưởng và yêu quý già Blâm, coi như người thân gia đình. Nhờ già Blâm mà đời sống bà con ngày càng đi lên, chăm chỉ làm ăn, cả làng nay chỉ có 12 hộ nghèo”.
Trước đây, người dân làng Krông và xã Ia Mơ nói chung không biết làm lúa nước, chỉ có một vụ lúa rẫy. Nhưng từ khi đập thủy lợi Ia Mơ chính thức vận hành năm 2017, toàn xã đã có hơn 200 ha lúa nước hai vụ, kinh tế của người dân không ngừng nâng cao. Vùng biên viễn Ia Mơ vốn đầy rẫy khó khăn nay đã “thay da đổi thịt”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, bày tỏ: “Già làng Blâm là một nữ già làng rất đặc biệt, có đóng góp lớn cho làng và địa phương. Già Blâm luôn là người đi đầu, nêu gương giúp cho người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật ở địa phương”.
Từ nhiều năm nay, nữ già làng Ksor Blâm luôn là người đi đầu trong xóa bỏ hủ tục (tục chôn chung); đóng góp lớn trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Hàng năm, đóng góp của già Blâm đều được các cấp ghi nhận, tặng bằng khen, giấy khen từ địa phương đến huyện, tỉnh và Trung ương.
Nói về mong muốn của mình, nữ già làng Ksor Blâm bày tỏ: "Già mong muốn nhất là các hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Thời gian tới, mong nhà nước sớm đầu tư, mở rộng hệ thống kênh thủy lợi Ia Mơ đến khắp các buôn làng để bà con dễ dàng tiếp cận và đa dạng hóa sinh kế gia đình".
Luôn là điểm tựa của thôn, làng
Trong hội nghị gặp mặt già làng, người có uy tín khu vực biên giới dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tổ chức, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai biểu dương những đóng góp to lớn của các già làng, người có uy tín. Ông mong muốn họ luôn là điểm tựa của thôn, làng.
Đồng thời, ông Niên cũng mong muốn các già làng, người uy tín nêu gương, đi đầu tạo sự lan tỏa trong nhân dân, với tinh thần “già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo”; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nu-gia-lang-dac-biet-o-tay-nguyen-post830433.html