Nữ giám đốc khuyết tật và cuộc hôn nhân cổ tích với chàng kỹ sư Australia
7 năm qua, Neil luôn tự tay làm việc nhà và tỉ mỉ chăm sóc vợ, người phụ nữ Việt khuyết tật luôn biết rõ mình độc lập, có giá trị và sức hấp dẫn riêng.
Cuộc hôn nhân của chị Nguyễn Thị Vân (37 tuổi, quê Nghệ An, sống tại Hà Nội) và anh Neil Bowden Laurence (người Australia) được xem là chuyện cổ tích giữa đời thường. Sự gắn kết của hai con người vốn cách xa cả về địa lý lẫn điều kiện, hoàn cảnh sống là bằng chứng đẹp đẽ của sức mạnh tình yêu, lòng kiên trì và nghị lực. Sau 7 năm chung sống, tình yêu của họ vẫn ngọt ngào, lãng mạn như ngày đầu.
Ngoài chuyện tình đẹp, chị Vân còn được biết đến là người hoạt động cộng đồng sôi nổi, nhà sáng tạo nội dung triệu view trên mạng xã hội. Trên các nền tảng Yotube, Facebook, TikTok, tài khoản của chị đều có hàng triệu người theo dõi; các video, bài viết được đăng tải đều thu hút hàng triệu view, truyền cảm hứng sống mãnh liệt cho nhiều người.
Chăm "thả thính", tìm được chồng như ý
Là một cô gái khuyết tật do bệnh teo cơ tủy sống bẩm sinh, Nguyễn Thị Vân chỉ nặng khoảng 18kg và phải ngồi xe lăn từ bé, ảnh hưởng đến cả hô hấp. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều cần người hỗ trợ; chỉ đôi tay nhỏ và khối óc là nằm trong khả năng điều khiển của Vân. "Tôi biết từ lúc mình còn nhỏ, đã có nhiều người nghĩ rằng con bé này lớn lên chắc chỉ đi ăn xin, và tôi đã luôn nỗ lực để gạt bỏ định kiến đó", chị tâm sự.
Chị Vân đang là Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty cổ phần dịch vụ Nghị lực sống (Imagtor) - nơi tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật. Năm 2019, chị được BBC bình chọn là một trong 100 người phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới. Ngoài ra, chị còn dành được nhiều giải thưởng lớn khác về nghị lực sống phi thường.
Tìm một nửa hoàn hảo của cuộc đời đối với người bình thường đã là việc không dễ, với người khuyết tật lại càng gian nan. Nhưng chính cách nhìn lạc quan và nghị lực sống đã giúp chị Vân tìm được tình yêu đẹp. Chị kể về nguồn cảm hứng tình yêu của mình: "Năm 2014, mình giành được học bổng của Chính phủ Australia và khi theo học ở nước ngoài, mình quen một cặp đôi mà chồng là giảng viên cao đẳng người Australia, vợ là một phụ nữ Malyasia bị mù. Họ quen nhau, cưới nhau và sống rất hạnh phúc như những người bình thường, và mình rất ngưỡng mộ tình yêu của họ".
Duyên vợ chồng của hai con người ấy đã khiến chị Vân hay đổi góc nhìn về chuyện tình yêu, suy nghĩ lạc quan và tích cực hơn về việc người khuyết tật kết hôn với người bình thường. Năm 2016, khi quay lại Australia và thấy cặp vợ chồng ấy vẫn sống với nhau rất hạnh phúc, Vân càng tin tưởng và nghĩ rằng phải cởi mở hơn trong chuyện tình cảm, vượt qua định kiến thì mới gặp được người phù hợp. Vì thế mà chị siêng "thả thính" hơn.
Còn anh Neil Bowden Laurence là kỹ sư, đã ly hôn 15 năm ở thời điểm quen chị Vân. Lúc đó anh sống khép kín, rất ít bạn bè, niềm vui hàng ngày chỉ đơn thuần là công việc. Một hôm lướt mạng xã hội Facebook, người đàn ông Australia bị thu hút mạnh mẽ bởi hình ảnh cô gái khuyết tật Việt Nam có nụ cười rạng rỡ như phát sáng. Anh gửi lời mời kết bạn và thường xuyên để lại bình luận dưới các bức ảnh của chị Vân.
Do hay làm việc với người nước ngoài nên chị Vân có nhiều bạn bè trên mạng là người ngoại quốc, do đó cũng không để ý Neil đã theo dõi trang cá nhân của mình từ khi nào. Trong một lần ngồi quán trà đá, chị đăng lên Facebook lời rủ rê: "Có ai muốn uống trà cùng Vân thì mời qua đây". Neil, khi đó đang ở tận Australia, bình luận: "Anh cũng muốn được ngồi uống trà với em". Vân đáp rằng: "Mời anh bay qua đây, em sẽ mời trà anh".
Nhờ câu chuyện xã giao trên mạng xã hội, họ gần gũi nhau hơn. Cuối năm 2016, trong đợt nghỉ Giáng sinh và năm mới, Neil bay sang gặp chị Vân. Trong 3 tuần ở Việt Nam, Neil giúp Vân trong những công việc thiện nguyện và giảng dạy tại Trung tâm Nghị lực sống. Anh bị cuốn hút bởi nghị lực và trí tuệ của chị, khâm phục cách chị vượt qua khó khăn để đạt đến thành công.
Còn Nguyễn Thị Vân cảm nhận được sự chân thành, ấm áp và lòng nhiệt huyết của Neil Bowden Laurence. Thời gian trôi qua, họ nhận ra không thể sống thiếu nhau. Neil hạ quyết tâm chinh phục bằng được cô gái Việt Nam đặc biệt này. Đầu năm 2018, anh quyết định nghỉ việc và bay sang Việt Nam, sống chung với Vân. Khoảng 1 năm sau đó, hai người kết hôn.
"Tôi được chồng chăm hoàn toàn nhưng không phụ thuộc"
Sau 7 năm chung sống, tình yêu giữa họ ngày càng bền chặt. Họ không chỉ là vợ chồng mà còn là đối tác lý tưởng trong công việc. Hai người cùng nhau lên kế hoạch xây dựng trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật, mở ra cơ hội mới cho những người có hoàn cảnh tương tự chị Vân. Hai vợ chồng tin rằng, bằng sự đồng tâm hiệp lực, họ có thể làm nên những điều kỳ diệu để giúp đỡ cộng đồng.
Trong cuộc sống gia đình, anh Neil muốn tự mình đảm đương mọi việc nhà thay vì thuê người giúp việc. Anh chăm sóc, phục vụ vợ trong từng việc nhỏ, đưa chị đi khắp nơi. 24h/24h trong ngày, không có lúc nào anh rời khỏi người phụ nữ bé nhỏ của mình.
Neil chia sẻ lý do không thuê giúp việc: "Chỉ đơn giản Vân là vợ của tôi, tôi thích chăm sóc vợ mình, đó là điều tất nhiên. Tự chăm sóc vợ có nghĩa là tôi có thể dành nhiều thời gian cho vợ mình, có thể bên cạnh cô ấy nhiều hơn, hai người có thể gần gũi nhau nhiều hơn. Đó là điều tôi mong muốn chứ không có gì vất vả cả".
Được chồng chăm sóc nhưng chị Nguyễn Thị Vân không bao giờ để mình rơi vào tâm thế phụ thuộc, giống như thời chưa có Neil. Chị là người rất độc lập, từ trong sinh hoạt đến tài chính. Chị có công việc, có mối quan hệ cá nhân, có nhiều thứ để tận hưởng và làm cho bản thân hạnh phúc, không bao giờ để mình phụ thuộc vào bất cứ ai, kể cả trong đời sống hôn nhân.
"Dù anh Neil chăm sóc mình hoàn toàn nhưng mình không thấy đó là sự phụ thuộc. Khi nào anh thấy mệt hay bất tiện thì Vân luôn có người khác hỗ trợ nên không có cảm giác áp lực hay phụ thuộc vào bất cứ ai. Anh Neil chăm Vân với tâm thế vui vẻ và muốn làm điều ấy, chứ không phải là bắt buộc", chị chia sẻ.
Chị Vân cho biết, cuộc hôn nhân của họ vẫn luôn ngọt ngào sau 7 năm là nhờ một nguyên tắc, đó là phải tôn trọng nhau.
Cả hai đều có sở thích riêng; họ tôn trọng sở thích của nhau nên khi sống chung không có mâu thuẫn hay xung đột. Chị Vân là người hướng ngoại, thích gặp gỡ mọi người, còn anh Neil là người hướng nội, không thích giao tiếp nhiều. Tuy nhiên khi ở cùng nhau, họ luôn cởi mở, nói chuyện rất vui vẻ và hài hước. Cả hai đều rất thích đùa nên cuộc sống chung nhẹ nhàng, đơn giản.
"Mình chỉ sinh ra và sống một lần nên hãy trân trọng bản thân và làm cho mình hạnh phúc. Khi mình hạnh phúc thì sẽ thu hút năng lượng tương tự, thu hút những người nhìn thấy giá trị của mình. Nếu bản thân không có tình yêu chính mình và cuộc sống thì không thể trông chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình", chị Vân nhắn nhủ.
Chuyện tình của cặp đôi đẹp như cổ tích giữa đời thường. (Ảnh: NVCC)
Nữ giám đốc khuyết tật triệu view
Căn bệnh bẩm sinh chưa có thuốc chữa không làm Nguyễn Thị Vân mất đi niềm tin vào cuộc sống. Người phụ nữ này có rất nhiều ước mơ, hoài bão và đó chính là động lực để chị vươn. Vân rất thích hoạt động cộng đồng và khi làm những việc có giá trị, chị thấy hạnh phúc.
Chị chia sẻ: "Để hỗ trợ được cộng đồng thì bản thân mình phải nỗ lực, bền bỉ, phải chứng minh được mình có thể tạo ra giá trị cho bản thân thì lúc đó mới có thể đồng hành với xã hội. Vân coi mình như một người làm mẫu, trong quá trình làm sẽ thấy nhiều giá trị và mình yêu thích, đam mê".
Những hình ảnh chị Vân hồi nhỏ. (Ảnh: NVCC)
Không chỉ năng nổ trong lĩnh vực hoạt động cộng đồng, Vân còn là nhà sáng tạo nội dung có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội. Chị hiện diện trên Yotube, Facebook, TikTok với cái tên "Vân kể chuyện". Những video, bài viết chị đăng tải đều thu hút triệu view và truyền cảm hứng cho hàng triệu người.
Ban đầu, chị Vân chỉ đơn giản muốn chia sẻ câu chuyện của mình với mong muốn cộng đồng hiểu và đồng cảm hơn với những người khuyết tật. Những video đầu tiên của chị nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Với nội dung chân thật, sâu sắc và đầy cảm hứng, các video không chỉ kể về những khó khăn chị Vân phải đối mặt mỗi ngày, mà còn mang lại cái nhìn lạc quan về cuộc sống.
“Tôi luôn tin rằng, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ánh sáng và biến khó khăn thành sức mạnh, thành động lực để tiến lên", chị từng chia sẻ trong một video trên mạng xã hội.
Chỉ sau vài năm hoạt động trên nền tảng số, cái tên "Vân kể chuyện" đã có hàng triệu lượt theo dõi, trở thành một biểu tượng truyền cảm hứng không chỉ ở Việt Nam mà còn được biết đến trên thế giới. Câu chuyện của chị chứng minh rằng, với sự nỗ lực không ngừng và tinh thần kiên cường, bất kỳ ai cũng có thể vượt qua nghịch cảnh và tạo nên những kỳ tích đáng kinh ngạc.
Những thông điệp từ "Vân kể chuyện" nhắn nhủ rằng, dù gặp phải hoàn cảnh bất lợi nào thì con người vẫn có thể tìm thấy đường đi riêng và tạo nên một cuộc đời đáng sống. Con người có thể bị giới hạn bởi hoàn cảnh, nhưng cũng có thể biến nghịch cảnh thành cơ hội để trưởng thành và lan tỏa giá trị tốt đẹp cho xã hội.