Nữ giảng viên dân tộc Thái đam mê nghiên cứu khoa học
Mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển những giống cây tiềm năng của địa phương, đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, chính là mục tiêu hướng đến trong các đề tài nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Vì Thị Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm, Trường Đại học Tây Bắc.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với giảng viên Vì Thị Xuân Thủy, đó là người phụ nữ nhanh nhẹn, thông minh. Chị Thủy sinh năm 1984, là người dân tộc Thái ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn). Khi hỏi động lực nào đã giúp chị đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học, chúng tôi đặc biệt bất ngờ khi biết, khởi nguồn là từ bài hát “Đi học xa” của tác giả Hoàng Mai Lộc, cũng chính là ông ngoại của chị Thủy.
Chị Thủy nhớ lại: Năm 1995, tôi rời gia đình lên Thị xã (Thành phố bây giờ) ở cùng ông, bà ngoại để học tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Hằng ngày, đi bộ vượt con đường đất dài 3 cây số trơn trượt, lầy lội. Thương cháu gái, ông ngoại tôi đã sáng tác bài hát “Đi học xa” để động viên tôi cố gắng khắc phục khó khăn, chăm chỉ học tập. Những giai điệu, lời ca của ông như lời nhắn nhủ, động viên cháu gái nỗ lực học tập vì tương lai. “Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần” - đó là câu hát khiến tôi luôn xúc động, luôn tự hứa với ông sẽ vươn lên học giỏi, góp phần xây dựng quê hương Sơn La.
Đáp lại kỳ vọng của ông ngoại và gia đình, chị Thủy đã nỗ lực học tập và được tuyển vào Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. Năm 2006, tốt nghiệp cử nhân sư phạm Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, chị tiếp tục học lên cao học rồi trở thành nghiên cứu sinh. Đến năm 2008 trở về địa phương, chị tham gia giảng dạy tại Khoa Sinh - Hóa, Trường Đại học Tây Bắc. Giờ đây, lời ca trong bài hát “Đi học xa” vẫn luôn là sự động viên, nguồn cảm hứng cho chị Thủy trong sự nghiệp. Đặc biệt, chị đã lấy hình tượng của chính mình trong bài hát làm ý tưởng để xây dựng câu chuyện giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu nông sản Sơn La khi tham gia dự thi Khởi nghiệp sáng tạo.
Sau những giờ giảng trên lớp, chị lại dành thời gian cho những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã ấp ủ. Trong 5 năm trở lại đây, chị là Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuộc Chương trình “Nghiên cứu phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng Tây Bắc Việt Nam” với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhân giống in vitro và hoàn thiện quy trình canh tác giống khoai sọ Cụ Cang tại Sơn La” đã chuyển giao được 10.000 cây giống in vitro khoai sọ Cụ Cang tại xã Chiềng Ly (Thuận Châu); chị đoạt giải Nhất của cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2018, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA tổ chức với chủ đề “Phát triển thị trường món gà nướng và chẳm chéo của dân tộc Thái Sơn La”. Chị còn là tác giả của 20 bài báo khoa học, trong đó có 3 bài báo quốc tế trong hệ thống ISI và 17 bài báo trên các tạp chí khoa học Quốc gia; tác giả của 2 cuốn sách Công nghệ sinh học, đã được xuất bản năm 2020.
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chị Thủy luôn tận tình, trách nhiệm trong việc đổi mới cách thức truyền đạt kiến thức cũng như kinh nghiệm cho sinh viên. Dưới sự hướng dẫn của chị, nhiều thế hệ sinh viên đã được truyền cảm hứng, khơi nguồn đam mê học tập và nghiên cứu khoa học. Em Sommy Vilayphon (Sinh viên Lào) đang học tại K58 ĐHSP Sinh học - Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: Sự cởi mở, thân thiện của cô Thủy đã khiến không khí học tập luôn sôi nổi. Với phương pháp dạy của cô, chúng tôi được phát huy sự chủ động, sáng tạo, có nhiều cơ hội để trao đổi và trải nghiệm thực tế, tiếp cận kiến thức đa dạng, hiệu quả.
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong công việc, năm 2017 và 2019 chị Thủy đã được nhận Giải thưởng bài báo trong danh mục ISI của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Sơn La, các cấp, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen về thành tích nghiên cứu khoa học. Tin rằng, chị Vì Thị Xuân Thủy sẽ tiếp tục có nhiều công trình, đề tài khoa học, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.