Nữ giáo viên 26 năm gieo niềm tin cho trẻ bị ảnh hưởng chất độc màu da cam
Thời gia vừa qua, những câu chuyện về bạo lực học đường khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang, thế nhưng quanh đây vẫn có những câu chuyện cảm động kể về người thầy đang ngày đêm miệt mài gieo chữ và niềm hi vọng cho những đứa trẻ thiệt thòi.
Lớp học tình thương
Để dạy một đứa trẻ bình thường, các cô giáo đã phải dùng rất nhiều tình thương, sự kiên nhẫn. Thế nhưng để dạy những đứa trẻ mang trong mình thiệt thòi thì điều đó càng khó hơn, tình thương, sự nhân phải cần gấp vạn lần nữa. Ấy vậy mà bao năm qua, cô giáo Lê Thị Hòa (sinh năm 1973, Chương Mỹ, Hà Nội) giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn ngoài thời gian đi dạy ở trường, cô vẫn miệt mài gieo chữ cho gần 60 trẻ mắc ảnh hưởng từ chất độc da cam/dioxin tại “Lớp học tình thương” ở chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Bắt đầu từ năm 1993 cô đã nhận 23 bạn nhỏ bị nhiễm chất độc màu da cam phải nghỉ học giữa chừng về dạy trong gian bếp nhỏ của gia đình mình, lớp học tạm rộng chưa đến 10m2, bám đen bồ hóng bếp, phải đi xin gỗ vụn về đóng tạm thành bàn học. Thiếu thốn đủ bề ấy vậy nhưng cả cô và trò đều được gia đình động viên cùng giúp đỡ sách vở, bút, bảng, phấn… cho các con không bị thiệt thòi.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, nên cô Hòa hiểu hơn ai hết những mảnh đời bất hạnh và không nề hà xung phong nhận dạy miễn phí tại tớp học tình thương tại chùa Hương Lan. Thời gian trôi, lớp học tạm dần nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân; người nọ truyền tai người kia, số trẻ khuyết tật đặc biệt quanh vùng tìm về xin học ngày một đông hơn. Cô giáo Hòa đã tìm đến sự giúp đỡ nơi cửa chùa và được sư thầy trụ trì chùa Hương Lan đồng ý hỗ trợ phòng học rộng đến hơn 100m2, kèm theo đó là đầy đủ sách vở, thiết bị lớp học...
Từ lớp học nhỏ 23 học sinh ngày ấy, “Lớp học tình thương” tại chùa Hương Lan chính thức khai giảng vào ngày 14/9/2007 thu hút đông hơn sự tham gia nhiều học sinh khó khăn đến từ các vùng quê lân cận tề tựu về đây. Trong 26 năm qua cũng phải có đến hơn 300 đứa trẻ tham gia lớp học này, cô Hòa chia sẻ thêm.
Vui mừng hơn trong năm học mới này, “Lớp học tình thương” đón 58 học sinh khuyết tật đặc biệt với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, 19 học sinh chưa biết chữ được xếp chung lớp để học kiến thức lớp 1; 39 học sinh đã biết chữ học chung một lớp, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.
Cô Hòa chia sẻ: “Trong số trẻ theo học có 30 trẻ biết chữ, biết hát 7 bài hát khác nhau và tất cả đều nhận thức được hành vi, phép tắc giao tiếp cơ bản như: chào, tạm biệt, xin lỗi, yêu thương… Tưởng chừng như đơn giản, nhưng làm được như vậy đã là một kì tích đối với chính cuộc đời của các con.
Bởi thời gian để các con có thể thuộc bài, định hình hành vi có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm liền. Có những trẻ đi học 5 năm mới chỉ bập bẹ đánh vần hết bảng chữ cái và may mắn cũng có nhiều trẻ lớn lên đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình”.
Không chỉ vậy, đến lớp học, ngoài các kiến thức văn hóa, các bạn nhỏ còn được học về kĩ năng sống, về cách ứng xử, về đạo lí làm người như các bạn học sinh khác ở trường...
Dạy trẻ khuyết tật giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ
Cô Hòa chia sẻ, dạy trẻ khuyết tật giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ, lúc cần cương quyết, lúc lại mềm mỏng nhẹ nhàng nhưng trên hết là nâng niu, gửi gắm trọn niềm tin vào trẻ. Chỉ có vậy các con mới mở lòng và dịu đi cơn bạo bệnh.
Thế nhưng, nhiều lúc cô cũng phải khóc theo học trò của mình “Có những ngày trái gió trở trời, nhiều con bị đau đầu dữ dội, chúng gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Thương các con, tôi chỉ biết ôm chặt trong lòng, mặc sức cho cắn vào tay mình để các con không tự cắn vào lưỡi rất nguy hiểm. Cứ thế cô khóc, trò gào… đến khi chúng dịu cơn bệnh mới thôi; cảnh tượng lúc ấy nếu ai không quen sẽ kinh sợ lắm”, cô Hòa chia sẻ.
Không chỉ dạy chữ, cô Hòa còn dạy học sinh của mình học múa, học hát, lớp học luôn rộn vang tiếng cười nói. Một tin vui vừa mới đến với cô giáo Lê Thị Hòa là một trong 2 nhà giáo vinh dự được đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019 vì những đóng góp thầm lặng mà cao cả của cô.
Chia sẻ cảm xúc của mình, cô Hòa tâm sự: “Rất vui vì xã hội đã quan tâm đến tôi và các con, nhưng thực sự tôi không làm việc để được khen thưởng. Tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trái tim của một người mẹ, một nhà giáo, giải thưởng chỉ là thứ phụ. Tôi trăn trở hi vọng xã hội, cộng đồng sẽ cùng chung tay với để giúp đỡ trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin được hòa nhập và sống bình đẳng”.
Bên cạnh đó, cô từng được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi; Tổng phụ trách Đội tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2014, cô Hòa vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành GD-ĐT Thủ đô dạy HS các lớp tình thương, HS khuyết tật”; năm 2017 được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của TP Hà Nội…