Nữ giáo viên ho khan, tức ngực, đi khám phát hiện bệnh cực hiếm
Nữ giáo viên ho hai tuần không khỏi, đi khám thì phát hiện bệnh cực hiếm.
BSCKII Đặng Nguyên Kha, Trưởng khoa Ung Bướu Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, cho biết đơn vị vừa phẫu thuật điều trị thành công ca bệnh phổi biệt lập hiếm gặp cho bệnh nhân T.B.H (26 tuổi, nghề nghiệp là giáo viên, quê ở Quảng Nam).
Bệnh nhân đến khám với triệu chứng nổi trội là ho khan, tức ngực kèm khó thở nhẹ trong vòng hai tuần, không sốt. Bệnh nhân tự điều trị triệu chứng nhưng không cải thiện. Các triệu chứng ho, tức ngực ngày một khó chịu, ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống khiến bệnh nhân phải nhập viện.
Sau khi được thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra, bệnh nhân được phát hiện có khối choán chỗ thùy dưới phổi trái kích thước 77x77x120mm, có động mạch nuôi xuất phát từ đoạn xuống động mạch chủ ngực. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tổn thương phổi biệt lập thể trong thùy. Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng nhiễm trùng kèm theo.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị phổi biệt lập bội nhiễm, được điều trị kháng sinh khống chế nhiễm trùng và chuẩn bị tiến hành phẫu thuật.
Theo BS Kha, đây được đánh giá là ca bệnh hiếm, cùng với sự dị dạng bất thường mạch máu. Kíp mổ được thực hiện bởi BSCKII Đặng Nguyên Kha phối hợp với ekip của BSCKII Ngô Văn Chấn khoa Gây mê hồi sức. Sau hơn 2 giờ đồng hồ tiến hành phẫu thuật, với đầy đủ phượng tiện, ekip đã kiểm soát được các mạch máu lớn, loại bỏ thành công thùy phổi chứa tổ chức phổi biệt lập. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt, chưa phát hiện các biến chứng liên quan phẫu thuật, được ra viện sau 10 ngày.
BS Kha cho biết thêm phổi biệt lập là bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp, với tỷ lệ bắt gặp chỉ từ 0,1-6% trong tổng số các bệnh lý bất thường cấu trúc và sự phát triển của phổi.
Phổi biệt lập là một khối mô phổi bất thường không có chức năng hô hấp, không thông với cây phế quản và không được cấp máu bởi hệ động mạch phổi.
Bệnh này có thể phát hiện rất sớm (dưới 6 tháng tuổi) và đi kèm các bệnh lý dị dạng bẩm sinh khác. Ở tuổi vị thành niên trở về sau, bệnh dễ nhầm lẫn với tổn thương viêm phổi thông thường như ho, sốt, đau ngực, chẩn đoán thường khó khăn nếu không có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cần thiết tại các cơ sở y tế có chuyên khoa.
"Phẫu thuật vẫn là lựa chọn tối ưu cho điều trị phổi biệt lập", BS Kha nói.