Nữ giáo viên mang bữa cơm có thịt đến với trò nghèo vùng cao
Suốt 5 năm qua, nữ giáo viên Phạm Thanh Huyền không quản khó nhọc, kết nối mạnh thường quân mang bữa cơm có thịt đến với trẻ em huyện biên giới Thanh Hóa.
Trở lại một ngày cách đây khoảng 5 năm về trước, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) xảy ra trận lũ lịch sử làm thiệt hại nhiều nhà cửa, hoa màu và vật nuôi. Con lũ hung dữ cũng làm hư hỏng nhiều điểm trường, cuộc sống của bà con sau lũ thiếu thốn trăm bề.
Khi ấy, nhiều đoàn thiện nguyện đã chung tay cùng Nhà nước, các tổ chức xã hội chia khó với huyện vùng cao Mường Lát. Cô Huyền cũng trong đoàn thiện nguyện lên với Mường Lát khi đó. Nữ giáo viên nhớ, thời điểm ấy hễ lực lượng chức năng mở đường đến đâu, đoàn thiện nguyện đi tới đó.
Thương trò đi chân đất, ăn cơm nguội với rau rừng
Hình ảnh khiến cô giáo Huyền không thôi ám ảnh khi lần đầu đặt chân lên vùng cao Mường Lát đó là những em nhỏ đi chân trần giữa ngày Đông lạnh giá. Bữa cơm của các bạn nhỏ nơi đây chỉ có vài cọng rau rừng nguội ngắt chấm với muối trắng.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Ngọc Lặc, cũng là một huyện miền núi của Thanh Hóa. Thế nhưng, tôi không tưởng tượng rằng, so với nơi mình đã lớn lên thì cuộc sống của bà con trên Mường Lát lại thiếu thốn đến vậy. Là một nhà giáo, chứng kiến những bạn nhỏ đi chân đất, trên người chỉ manh áo mỏng giữa ngày Đông lạnh giá ngày ấy, khiến tôi ám ảnh mãi cho đến bây giờ", cô Huyền xúc động nói.
Cũng như các đoàn thiện nguyện khác, ban đầu cô Huyền kết nối với mạnh thường quân hỗ trợ bà con các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm,... Cuối năm 2019, cô Huyền cùng đoàn thiện nguyện có dịp trở lại Mường Lát. Điểm dừng chân trong chuyến đi này là bản Cánh Cộng, Cá Giáng nằm sâu và khó khăn nhất của xã Trung Lý.
Cô giáo Phạm Thanh Huyền bên các bạn nhỏ điểm trường Ón, Trường Mầm non và Tiểu học Tam Chung (Mường Lát).
"Khi chúng tôi vào tới bản cũng là lúc trời tối mịt nên đành ăn bữa tối dưới ngọn nến le lói. Lúc đó, nhiều em nhỏ sinh sống trong bản ùa tới, thấy vậy thành viên trong đoàn thay nhau đút từng thìa cơm cho các con. Mặc dù, cái bụng đói meo song các bạn nhỏ rất nề nếp và trật tự. Chứng kiến hình ảnh ấy, chúng tôi nhủ lòng cần phải làm điều gì đó ý nghĩa cho mảnh đất này", cô Huyền bộc bạch.
Trong mỗi chuyến thiện nguyện lên với vùng cao, cô Huyền đều kết nối với mạnh thường quân, tổ chức xã hội xây dựng tủ truyện cho em, hỗ trợ các điểm trường mua sắm đồ dùng bán trú, đồ chơi cho trẻ mầm non.
Đặc biệt, mỗi khi năm học kết thúc, nữ nhà giáo lại sưu tầm sách giáo khoa rồi phân loại để tặng lại cho các bạn nhỏ ở vùng cao Thanh Hóa. "Sau mỗi chuyến thiện nguyện, thấy các bạn nhỏ nơi đây ngày càng thích đến trường khiến chúng tôi càng có thêm động lực để tiếp tục", nữ giáo viên chia sẻ.
Mang bữa cơm có thịt đến với trò nghèo
Từ năm học 2022-2023, cô Huyền đã kết nối với mạnh thường quân triển khai dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát". Dự án này được câu lạc bộ thiện nguyện - hiến máu Ngọc Lặc (do cô Huyền làm chủ nhiệm), Đoàn khối ngân hàng TP HCM tổ chức.
Theo đó, mỗi em nhỏ sẽ được tạo một mã số và được nhận nuôi bởi các nhà hảo tâm, với mức hỗ trợ cho mỗi em là 150.000 đồng/tháng và duy trì suốt năm học.
Các bố mẹ nuôi sẽ hỗ trợ từ những vật dụng nhỏ nhất như môi, thìa, khay đựng thức ăn cho đến bếp ăn, giếng nước... Mục đích là cùng với các thầy cô giáo, mang tới bữa cơm bán trú đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Cô Huyền nhớ, điểm trường đầu tiên được thụ hưởng từ dự án này là điểm trường Lát thuộc Trường Tiểu học Tam Chung, với hơn 70 học sinh. Đến nay, dự án đã mở rộng thêm 9 điểm trường của huyện Mường Lát, với tổng số các bạn nhỏ được thụ hưởng lên tới 500 em.
"Có một điều kỳ lạ là trong những chuyến thiện nguyện, dù suốt dọc đường mưa tầm tã không ngớt nhưng hễ lên tới Mường Lát trời lại tạnh ráo. Cho đến giờ tôi cũng không lý giải được là vì sao", cô Huyền tâm sự.
Thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung không giấu nổi niềm vui khi học sinh nhà trường được cô Huyền kết nối với mạnh thường quân hỗ trợ. Đến nay, 2 điểm trường Ón và Lát của Trường Tiểu học Tam Chung với tổng số 165 học sinh được hưởng lợi từ dự án này.
"Kể từ khi triển khai dự án đã giúp nhiều học sinh của nhà trường có bữa cơm trưa đủ dinh dưỡng. Chúng tôi hy vọng, dự án sẽ được tiếp tục mở rộng sang các điểm trường khác tại Mường Lát, để có thêm nhiều học sinh còn khó khăn được thụ hưởng", thầy Hùng chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường thiện nguyện đã qua, cô Phạm Thanh Huyền không khỏi xúc động. Bởi, được đáp lại tình cảm ấp áp của những bạn nhỏ và bà con nơi vùng cao Thanh Hóa. Nữ giáo viên dặn lòng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án ý nghĩa hơn nữa cho mảnh đất này để thanh xuân của mình không có gì phải hối hận.
"Niềm mong mỏi của chúng tôi đó là chỉ mong sao các bạn nhỏ tại Mường Lát sẽ có được những bữa cơm no, có điều kiện học tập tốt hơn và được tiếp xúc nhiều hơn nữa với thế giới bên ngoài", nữ giáo viên bộc bạch.