Nữ giới trong thị trường lao động
Các nhà kinh tế hiếm khi đồng ý với nhau – trước một sự kiện kinh tế, hai nhà nghiên cứu có thể đưa ra các nhận định, phân tích hay dự báo hoàn toàn khác nhau. Có lẽ vì thế mà giải Nobel kinh tế các năm qua được trao cho các công trình nghiên cứu mang tính giải thích, khái quát hóa, lý thuyết hóa các hiện tượng kinh tế chứ không trao cho các công trình đưa ra giải pháp. Giải năm nay cũng không nằm ngoài xu hướng này khi trao cho bà Claudia Goldin, một giáo sư năm nay 77 tuổi thuộc Đại học Harvard.
Theo Ủy ban Giải kinh tế, các công trình nghiên cứu của bà Goldin “đã đem lại cho chúng ta những kiến giải mới và thường gây ngạc nhiên về vai trò của phụ nữ, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, trong thị trường lao động”.
Chẳng hạn, người ta thường nghĩ phụ nữ thường tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động mỗi khi kinh tế phát triển mạnh như thời kỳ cách mạng công nghiệp. Hay nói cách khác, có một mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và số lượng phụ nữ đi làm.
Tuy nhiên, quan sát của bà Goldin kèm theo cách khai thác dữ liệu mới trải dài 200 năm qua cho thấy thực tế không phải như vậy: mức độ tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động không chỉ ở Mỹ mà còn trên cả thế giới trong hai thế kỷ qua thăng trầm theo dạng hình chữ U.
Thời kỳ tiền công nghiệp, không chỉ làm nội trợ, phụ nữ sát cánh với đàn ông trong công việc đồng áng, các ngành nghề thủ công, là lao động chính trong các nghề dệt may, chăn nuôi – dù thống kê chính thức bỏ qua các hình thức lao động này. Chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra, mức độ tham gia thị trường lao động của nữ giới mới giảm sút rõ rệt, xuống đáy của chữ U nói trên. Lý do là việc tập trung lao động vào các nhà máy xa chỗ ở gây trở ngại cho phụ nữ có gia đình muốn đi làm.
Qua đến những năm 40, 50 của thế kỷ 20, xu hướng phụ nữ đi làm mới bắt đầu phục hồi do nhiều yếu tố cộng hưởng. Chúng bao gồm các tiến bộ công nghệ, sự phát triển của khu vực dịch vụ, nền giáo dục mở rộng cho cả nam lẫn nữ và đặc biệt là các biện pháp ngừa thai, giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ. Nghiên cứu của bà Goldin cho thấy không thể trông chờ vào tăng trưởng kinh tế để gia tăng số lượng phụ nữ tham gia lao động mà phải dựa vào các yếu tố khác.
Một ví dụ khác về kiến giải mới của bà Goldin về tỷ lệ tham gia thị trường lao động khác nhau giữa nam và nữ là mức độ kỳ vọng của nữ giới đối với nghề nghiệp tương lai. Đầu thế kỷ 20, đa số phụ nữ nghĩ họ sẽ chỉ làm việc vài ba năm, sau đó lấy chồng rồi ở nhà lo chuyện nội trợ. Một kỳ vọng như thế sẽ tác động lên con đường học tập của họ, kể cả việc chọn ngành nghề, mức độ đào tạo.
Sự chọn lựa này còn tác động lên khả năng đi làm của họ ngay cả khi con cái đã lớn, nền kinh tế cần nhiều lao động hơn nhưng họ không thể đáp ứng. Sự cách biệt giữa kỳ vọng và thực tế kéo dài trong hầu hết thế kỷ 20 và mãi đến những năm 1970 mới bắt đầu khép lại. Nay ở các nước phát triển, nhìn chung phụ nữ nhận được mức độ giáo dục còn tốt hơn cả nam giới vì kỳ vọng vào việc làm tương lai là cao hơn.
Đối với sự khác biệt về thu nhập của nam giới và nữ giới, bà Goldin cũng có những kiến giải mới mẻ. Quan sát số liệu thống kê thu nhập của cả hai giới trong nhiều năm, bà nhận định chênh lệch thù lao tiền công giữa nam và nữ gia tăng đáng kể cùng với sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ.
Trước đó, chênh lệch dù có nhưng không cao bởi lao động được trả công theo năng suất, làm bao nhiêu được trả bấy nhiêu. Cùng với các việc làm mới trong các ngành dịch vụ, tiền công được trả theo tháng thay vì theo công việc và chủ lao động trả lương cao hơn cho những lao động nam làm việc liên tục, lâu dài, không bị gián đoạn bởi việc sinh đẻ, chăm con…
Ngày nay, mặc cho các quy định không phân biệt đối xử, thu nhập của nam lao động vẫn cao hơn nữ chừng 10-20% ở các nước phát triển, theo bà Goldin, là do yếu tố làm mẹ. Trong một nghiên cứu xuất bản vào năm 2010, bà Goldin cùng hai đồng tác giả nhận định ban đầu thu nhập nam nữ như nhau nhưng sau khi nữ có đứa con đầu tiên, thu nhập bắt đầu giảm so với nam dù họ có mức độ đào tạo và kinh nghiệm như nhau.
Trên thị trường lao động hiện đại, người chủ luôn đòi hỏi nhân viên luôn có mặt, linh hoạt xử lý công việc khi cần. Bởi phụ nữ cần chia thời gian cho việc chăm sóc con cái, họ không thể nào đáp ứng yêu cầu này bằng đồng nghiệp nam nên đành chịu một mức thu nhập thấp hơn.
Giải Nobel Kinh tế năm nay trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (gần 1 triệu đô la Mỹ) chỉ trao cho một mình Giáo sư Claudia Goldin chứ không san sẻ cho hai, ba nhà kinh tế như những năm trước.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nu-gioi-trong-thi-truong-lao-dong/