Nữ idol mới 14 tuổi đã phải theo phong cách gợi cảm
Sự xuất hiện của nhóm nhạc nữ Kpop mới NewJeans dẫn đến cuộc tranh luận về trẻ vị thành niên trong ngành công nghiệp được cho là thường lạm dụng những hình ảnh gợi cảm, theo SCMP.
Vào tháng 7, NewJeans, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc, đã khiến nhiều công chúng bất ngờ, khi phát hành MV đầu tay mà không đưa ra bất kỳ thông báo nào trước đó.
Album đầu tay của nhóm, cũng có tên NewJeans, phát hành vào ngày 1/8, đã nhận được hơn 444.000 đơn đặt hàng trước và trở thành album ra mắt có lượng đặt trước cao nhất trong các nhóm nhạc nữ Kpop.
Nhưng sự xuất hiện của nhóm nhạc này cũng dẫn đến nhiều ý kiến tranh luận về cách đối xử của công ty quản lý với những ngôi sao trẻ.
Mặt trái sau sân khấu
Một số người hâm mộ cáo buộc Min Hee-jin, người đứng đầu Ador, công ty chủ quản của NewJeans, đã khiến cho hình ảnh của các ngôi sao Kpop trẻ tuổi trở nên phản cảm. Những lời tố cáo đã xuất hiện từ lúc cô còn làm giám đốc sáng tạo tại Công ty Giải trí SM và tiếp tục khi chuyển sang làm việc tại công ty mới, với NewJeans. Các thành viên của nhóm đều là trẻ vị thành niên và Hyein, em út của nhóm, chỉ mới 14 tuổi.
Trên trang Instagram cá nhân của Min Hee-jin có rất nhiều bình luận, chủ yếu bằng tiếng Anh, yêu cầu cô giải quyết những khiếu nại và ngừng hợp tác với NewJeans.
Nhưng hơn hết, ngành công nghiệp giải trí hay thậm chí là luật pháp Hàn Quốc đang khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về sự thay đổi cần thiết để trẻ vị thành niên, những người chưa thể kiểm soát phần lớn sự nghiệp của mình, được bảo vệ tốt hơn khi làm việc trong lĩnh vực này.
Vụ việc này cũng nối tiếp mối quan ngại vốn hiện hữu về độ tuổi ra mắt của các thần tượng Hàn Quốc, đặc biệt là các sao nữ. Có thể kể đến như Leeseo của IVE, ra mắt vào năm 14 tuổi, Jang Wonyoung cũng chỉ 14 tuổi khi lần đầu ra mắt trong nhóm IZ*ONE hay Eunchae của Le Sserafim bắt đầu sự nghiệp năm 15 tuổi. Công chúng cũng dành sự quan tâm rằng liệu các vũ đạo khiêu gợi trong nhiều tiết mục Kpop có phù hợp hay không, khi không ít nghệ sĩ biểu diễn mới ở tuổi vị thành niên.
Quyền lợi của người hoạt động trong ngành giải trí thường chỉ được cải thiện sau khi xuất hiện các sự cố gây chú ý hoặc nhiều cá nhân cùng kiên quyết đứng lên đấu tranh.
Ngay cả một nghệ sĩ huyền thoại như Britney Spears cũng phải đứng lên chiến đấu vì quyền lợi của mình và giải thoát bản thân khỏi người quản lý, cũng chính là cha ruột của cô.
Ngôi sao cũng cần sự bảo vệ
Do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp giải trí tại Hàn Quốc, quyền của người lao động trong lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là đối với các ngôi sao Kpop.
Ví dụ, nghệ sĩ được đối xử công bằng hơn khi ký kết hợp đồng. Trước đây, các bản hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty chủ quản thường được ví như "hợp đồng nô lệ" bởi những ràng buộc lên tới cả chục năm.
Hiện nay, thời hạn của hợp đồng chỉ được kéo dài tối đa 7 năm. Thêm vào đó là giới hạn làm việc sau 22h đối với người dưới 16 tuổi, điều này sẽ giúp các nghệ sĩ trẻ tránh được việc phải làm việc khuya khi quay các chương trình tạp kỹ.
Đối với ngành công nghiệp có lao động chủ yếu là thanh thiếu niên, việc giới hạn độ tuổi ra mắt đối với các nghệ sĩ Kpop nên được thực hiện như điều hiển nhiên để những ngôi sao vị thành niên được bảo vệ tốt hơn. Trong thực tế, những nghệ sĩ này dễ gặp nguy cơ mất quyền lợi hay bị hại bởi những người quản lý.
Tuy nhiên, bởi khán giả cốt lõi của ngành giải trí cũng là giới trẻ nên không thể cấm hoàn toàn việc đào tạo và cho ra mắt thần tượng vị thành niên trong các nhóm nhạc Kpop. Chính điều này đã khiến việc bảo vệ những ngôi sao trẻ ngày càng khó khăn.