Nữ Kiểm sát viên đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm
Gặp chị vào một chiều trung tuần tháng 6 khi tiết trời Hà Nội nắng như đổ lửa, nhưng trong câu chuyện giữa tôi với chị đề cập về những nhiệm vụ kiểm sát mà chị đã và đang làm khiến phóng viên cảm thấy khâm phục nên dường như cái nóng bức cũng được xua tan. Chị là Nguyễn Thị Hạnh, Kiểm sát viên, VKSND huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Gương sáng trong học tập, rèn luyện
Qua lời giới thiệu, khi chưa gặp Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hạnh, tôi nghĩ chị là người rất nghiêm nghị và khó…gần. Thế nhưng, khi được gặp, trò chuyện với chị thì những suy đoán trong tôi trước đó đã hoàn toàn sai. Bản lĩnh nghề nghiệp toát ra từ phong cách làm việc, đặc biệt là khi chị đối diện với các đối tượng tội phạm. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, chị là một người có tính cách thân tình và cởi mở.
Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội tháng 6/2010, cũng trong năm đó, ngành Kiểm sát Hà Nội tổ chức thi tuyển, tân cử nhân Nguyễn Thị Hạnh đã vượt qua kỳ thi tuyển một cách xuất sắc, sau đó, chị được phân công về nhận nhiệm vụ tại VKSND huyện Thanh Oai. Mặc dù, công việc mới tiếp nhận còn nhiều bỡ ngỡ, thời gian hạn hẹp nhưng cán bộ trẻ Nguyễn Thị Hạnh đã sắp xếp thời gian khoa học để vừa bảo đảm kế hoạch công tác, vừa tiếp tục học tập, rèn luyện. Với chị Hạnh, việc chinh phục một ngành học mới và học tiếp chương trình sau đại học không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu công việc, mà còn là cơ hội để chị tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích. Đồng thời, việc học còn là cơ hội để khẳng định năng lực của bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm sát được giao. Quá trình nỗ lực học tập không ngừng của chị đã được lãnh đạo đơn vị ghi nhận và các đồng nghiệp khâm phục.
Năm 2015, chị tốt nghiệp Thạc sĩ Luật và được bổ nhiệm Kiểm sát viên. Qua gần 10 năm công tác tại VKSND huyện Thanh Oai, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hạnh luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh việc làm tốt công tác chuyên môn, chị Hạnh còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Hiện, chị là Bí thư Chi đoàn liên cơ quan Tòa án - Viện Kiểm sát -Thi hành án huyện. Chị luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, phương thức hoạt động của Chi đoàn, khuyến khích, vận động đoàn viên học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, trau rồi kỹ năng xã hội, thực hiện nếp sống văn minh công sở và các phong trào thi đua. Đồng thời, chị chủ động tham gia tích cực các hoạt động do Huyện đoàn Thanh Oai tổ chức, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng Chi đoàn ngày càng vững mạnh.
Theo chị Hạnh, để bảo đảm công việc lãnh đạo đơn vị giao, có những ngày sau giờ học hoặc sau các hoạt động đoàn thể, chị Hạnh lại thức đến khuya để giải quyết các công việc tồn đọng trong ngày.
Trải qua không ít khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự giúp đỡ của lãnh đạo đơn vị và các đồng nghiệp, chị đã từng bước trưởng thành, là một Kiểm sát viên có bản lĩnh vững vàng trong quá trình giải quyết từng vụ việc được giao.
Chợ cá tự phát và vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”
Tâm sự về nghề, chị Hạnh tiết lộ, công việc của một Kiểm sát viên rất rộng, gồm: Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra (CQĐT)…Nhiều vụ án, Kiểm sát viên phải trực tiếp triệu tập và hỏi cung bị can; lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
Nhớ lại vụ án gần đây khiến chị gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết và phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chị Hạnh cho biết, đó là vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra đầu năm 2018, tại chợ cá ở xã Hồng Dương.
Chị Hạnh cho biết, vụ án này có 3 bị can, cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố và đưa ra xét xử. Tuy nhiên, điều làm cho chị và Điều tra viên (ĐTV) gặp khó khăn, là quá trình điều tra, lúc đầu, cả 3 bị can đều không nhận tội và một số bị hại do sợ hãi mà không hợp tác với CQĐT.
Theo lời kể của nữ Kiểm sát viên, từ khoảng năm 1990, tại ngã ba thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương hình thành chợ cá tự phát, hoạt động từ khoảng 2h - 6h sáng hàng ngày. Mỗi ngày, có khoảng hơn 20 tiểu thương buôn bán cá tại đây, chủ yếu là người ở các huyện như: Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức.
Trong các ngày 5 và 6/2/2018, Bạch Thế Hải (còn gọi là Hải “Xiêm”, SN 1980, trú tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) đã bảo “đàn em” là Trần Việt Linh (SN 1981, trú tại xã Xuân Dương) và Nguyễn Đình Tiến (tên gọi khác: Tò, SN 1988, trú tại xã Tân Ước, cùng huyện Thanh Oai) ra chợ cá tự phát này đe dọa, ép buộc, uy hiếp các tiểu thương bán cá để thu tiền. Các đối tượng thu tiền của người đi xe máy là 10 nghìn đồng; xe ba bánh hoặc xe ô tô từ 30 - 50 nghìn đồng; người đến mua cá là 5 nghìn đồng.
Do các tiểu thương bán cá đa phần là phụ nữ ở nơi khác đến nên thấy Tiến, Linh xăm trổ và nói là đàn em của Hải “Xiêm” - đối tượng xã hội, chủ quán karaoke ở gần chợ nên các tiểu thương đã sợ hãi, phải nộp tiền cho Tiến và Linh. Tổng số tiền các đối tượng cưỡng đoạt trong hai ngày là 335 nghìn đồng.
Tiếp đó, trong các ngày 7, 27 và 28/2/2018, Hải trực tiếp mang theo dao quắm cùng đàn em ra chợ cá đe dọa, uy hiếp tinh thần, yêu cầu các tiểu thương bán cá phải nộp tiền phí họp chợ cho Hải. Hải đã dùng dao quắm chém hỏng 2 chiếc bồn đựng cá bằng tôn của chị Nguyễn Thị Tuyết (trú tại thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) và kề dao vào cổ chị Nguyễn Thị Hà (trú tại thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên). Các hộ dân bán cá đều sợ hãi, không ai dám phản ứng gì.
Sau khi bị Hải nhiều lần đe dọa, uy hiếp, gây rối, phá đồ đạc, ép buộc phải nộp tiền phí họp chợ, các tiểu thương thống nhất nhờ anh Bùi Văn Tuấn (trú tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, cũng là người bán cá tại chợ), đại diện đến gặp, xin Hải và đàn em không quấy rối, cản trở công việc buôn bán tại chợ.
Chiều ngày 27/2/2018, anh Tuấn đến quán karaoke Tình Bạn gặp Hải. Tại đây, Hải yêu cầu các tiểu thương bán cá phải nộp 5 triệu đồng/tháng, nếu đóng liền 3 tháng thì giảm xuống còn 4 triệu - 12 triệu/3tháng. Ngoài ra, Hải còn yêu cầu các tiểu thương phải nộp thêm 2 triệu đồng để đổ đất, san mặt bằng ở khu vực “chợ mới” do Hải tự dựng lên. Tổng số tiền Hải đã cưỡng đoạt của các hộ dân bán cá là 14 triệu đồng.
Ngày 16/3/2018, anh Tuấn cùng môt số tiểu thương đã đến cơ quan công an tố giác hành vi cưỡng đoạt tài sản của Hải, Tiến và Linh, đồng thời cung cấp đoạn ghi âm cuộc nói chuyện nộp tiền giữa anh Tuấn và Hải, nội dung các tin nhắn trên điện thoại liên quan đến việc Hải đe dọa, yêu cầu anh Tuấn và các tiểu thương bán cá khác phải nộp tiền.
Kiên quyết đấu tranh với tội phạm ngoan cố
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hạnh đã phối hợp với Điều tra viên thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Bạch Thế Hải. Qua khám xét, CQĐT thu giữ được quyển sổ ghi chép lại việc những hộ dân đã nộp tiền “vé chợ” cho Hải.
Chị Hạnh cho biết: “Mặc dù đã bị bắt tạm giam, nhưng bị can Bạch Thế Hải và Trần Việt Linh không nhận tội. Tôi đã cùng với Điều tra viên trực tiếp hỏi cung từng bị can, đấu tranh làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của các bị can. Tôi đã kiên trì thuyết phục các bị can khai báo thành khẩn, cuối cùng, Hải mới chịu khai nhận tội của mình. Còn bị can Linh vẫn không nhận tội. Tôi biết, Linh là đối tượng đã có 2 tiền án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, đã quen với việc “vào tù, ra tội” nên đối tượng này rất lì lợm và ngoan cố”.
“Còn đối với các bị hại - tiểu thương buôn bán cá tại chợ, do lo sợ bị các đối tượng trả thù, có tiểu thương đã bỏ chợ, nghỉ buôn bán, không dám khai báo với CQĐT. Tôi đã cùng Điều tra viên tìm đến tận nhà các tiểu thương này, giải thích động viên, nói cho họ hiểu, các đối tượng phạm tội đã bị bắt giam và đang bị xử lý theo quy định của pháp luật, từ đó các tiểu thương không còn sợ hãi và tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật; tiếp tục đến khai báo với CQĐT”, chị Hạnh nhớ lại.
“Việc thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa đối với vụ án này cũng gặp không ít khó khăn. Đây là vụ án có đồng phạm, có bị cáo không nhận tội, nên trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa khi tham gia xét hỏi, tranh luận, tôi đã sử dụng những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo Hải, Tiến, để đấu tranh với lời khai báo gian dối của bị cáo Linh. Chứng minh luận điểm của Viện Kiểm sát là đúng, có căn cứ. Vì vậy, trước Tòa, bị cáo Linh đã phải cúi đầu nhận tội”, chị Hạnh kết thúc câu chuyện với phóng viên, nhưng vẫn như còn đau đáu về trách nhiệm của một Kiểm sát viên với cộng đồng, xã hội…
Chia tay chị Hạnh, dù chị không nói ra, nhưng tôi tin chị đã, đang học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Viện trưởng VKSND huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Tiến nhận xét:
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh là cán bộ có năng lực, nhiệt tình trong công tác, được đánh giá là một Kiểm sát viên trẻ có trình độ và bản lĩnh; có tinh thần cầu thị, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vận dụng tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ vào hoạt động thực tiễn, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Quá trình giải quyết các vụ án hình sự, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hạnh luôn cẩn thận xem xét, đánh giá một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện các chứng cứ cũng như các tài liệu có trong hồ sơ; là người có quan điểm, thái độ rõ ràng, thẳng thắn, trung thực, thượng tôn pháp luật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nêu cao tinh thần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; đề cao trách nhiệm của người cán bộ phục vụ nhân dân; có nhiều sáng kiến, giải pháp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong giải quyết tin báo tố giác tội phạm, được VKSND TP Hà Nội xét công nhận sáng kiến cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, đồng chí Hạnh luôn có ý thức xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh; giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Với các kết quả công tác đạt được, nhiều năm liền, đồng chí được VKSND tối cao, VKSND TP Hà Nội tặng bằng khen, giấy khen có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua “Thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.