Nữ kỹ sư trẻ làm nghề 'trái tay' đưa dệt may Việt Nam vươn biển lớn

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng 'đặc sệt' kỹ thuật, sau khi lập gia đình dù chồng thường công tác xa nhà, phải một mình chăm sóc 2 con nhỏ, nhưng chị Nguyễn Thị Yến vẫn gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực công nghiệp dệt may.

Chị Nguyễn Thị Yến, nữ kỹ sư với khát vọng đưa dệt may Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.

Chị Nguyễn Thị Yến, nữ kỹ sư với khát vọng đưa dệt may Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.

Vốn là cô gái luôn đam mê thử thách trong những môi trường mới mẻ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Thị Yến đã chọn cho bản thân chuyên ngành đại học mà nhiều bạn nam đồng trang lứa theo “khối A” cũng phải e dè: Cơ-Tin kỹ thuật.

“Trái tay” nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc

“Thời điểm đó, tôi đã tìm hiểu và được biết đây là chuyên ngành giúp người học có kiến thức cơ bản để phát triển kỹ năng tính toán, thiết kế, nghiên cứu, khai thác công nghệ mới. Tôi cho rằng, nếu có tư duy và kiến thức nền vững chắc, thì khía cạnh “công nghệ mới” sẽ là tiền đề tốt, cho dù mai này có đi làm đúng nghề hay trái nghề”, chị Nguyễn Thị Yến nhớ lại.

Chị Yến cũng không ngờ rằng, suy nghĩ về việc đi theo ngành nghề “tay trái” lại có ngày trở thành sự thật. Cách đây khoảng 10 năm, chị bắt tay khởi nghiệp với 10 máy may, cung cấp sản phẩm đồng phục cho thị trường nội địa.

Là phụ nữ có gia đình, lại gánh vác trên vai công việc kinh doanh trong thị trường ngày càng khốc liệt, cho nên nhiều lúc tưởng chừng như chị Yến đã buông bỏ tất cả để tìm cho mình một công việc văn phòng đơn giản. Nhưng trách nhiệm với tập thể người lao động đã không cho chị được phép làm vậy.

Cứ thế, chị Nguyễn Thị Yến ngày ngày chèo chống con thuyền khởi nghiệp vượt bao sóng gió. Lần mang thai thứ 2, chị đã ốm nhiều tháng trời liên tục. Chồng công tác xa nhà, một mình xoay sở công việc với thời gian biểu lặp lại từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày: ôm bụng bầu đưa con gái lớn 3 tuổi đi học, đi chợ, lên công ty giải quyết việc kinh doanh, về cơm nước, dọn dẹp nhà cửa...

Dần dần, mọi thứ cũng đi vào guồng quay ổn định. Ngày hai con chị lớn lên, cũng là lúc “đứa con tinh thần” trưởng thành, có “sức đề kháng” mạnh mẽ không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

Quy trình sản xuất đồ bảo hộ y tế hiện đại, khép kín của Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dệt may Nam Dương.

Quy trình sản xuất đồ bảo hộ y tế hiện đại, khép kín của Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dệt may Nam Dương.

Từ những chiếc máy may thô sơ, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dệt may Nam Dương do chị Nguyễn Thị Yến làm Tổng Giám đốc đã sở hữu dây chuyền hiện đại với công nghệ may siêu âm, hệ thống phòng may sạch khép kín, phòng lab kiểm soát chất lượng tại chỗ... vận hành theo tiêu chuẩn ISO 13485 do công ty chuyên thử nghiệm, kiểm tra và chứng nhận nổi tiếng của Pháp Bureau Veritas công nhận.

Vài năm trở lại đây, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nữ Tổng Giám đốc 8x với tinh thần khởi nghiệp nhạy bén đã chuyển hướng sang sản xuất đồ bảo hộ y tế chất lượng cao.

Điểm sáng tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19

Bước vào lĩnh vực hoàn toàn mới, cho nên từ ban lãnh đạo cho tới công nhân viên, người lao động của công ty đều phải vừa làm vừa học. Cặm cụi cùng làm việc bất kể ngày đêm, dù giá nguyên liệu tăng “chóng mặt”, thậm chí từng bị bên cung cấp nguyên liệu thiếu uy tín hủy đơn hàng đúng phút chót... nhưng tinh thần và trách nhiệm của người đứng đầu đã giúp toàn công ty vượt khó thành công.

Những hợp đồng đặt hàng đồ bảo hộ y tế từ nhiều nước trên thế giới với số lượng lớn cứ thế tăng dần. Trong đó, có 1 trường hợp yêu cầu 3 triệu áo choàng cách ly chất lượng châu Âu với thời hạn chỉ có 4 tháng khiến chị Yến và toàn công ty khấp khởi "nửa mừng nửa lo". “Cuối cùng, đơn hàng cũng kịp hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, và chợt nhận ra đã trưởng thành hơn nhiều từ đại dịch”, chị Yến bộc bạch.

Năng động chuyển hướng kinh doanh, doanh nghiệp của nữ Tổng Giám đốc mới 35 tuổi không những vượt dịch thành công, mà còn bứt phá trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Hiện, có tới 90% sản phẩm của công ty nhắm tới các thị trường vốn nổi tiếng khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu.

Khách tham quan sản phẩm đồ bảo hộ y tế tại gian hàng của Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dệt may Nam Dương tại Triển lãm Y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Khách tham quan sản phẩm đồ bảo hộ y tế tại gian hàng của Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dệt may Nam Dương tại Triển lãm Y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ít người biết rằng, trong những đợt dịch Covid-19 ở nước ta hai năm vừa qua, doanh nghiệp của chị Nguyễn Thị Yến đã gửi hơn 30 nghìn bộ đồ bảo hộ tặng tuyến đầu chống dịch tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh...

Trước sự bùng phát của dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Yến đã chủ động và kêu gọi các đối tác ủng hộ hơn 10 nghìn bộ đồ bảo hộ tặng các khu điều trị người bệnh F0. Được biết, chỉ 1 nghìn bộ đồ như vậy đã có giá trị khoảng hơn 240 triệu đồng.

“Ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, tôi đã luôn tâm niệm phải đặt trách nhiệm lên hàng đầu trong mọi khía cạnh. Trong hoàn cảnh nhiều địa phương gặp khó khăn, các y, bác sĩ căng mình chống dịch, một doanh nghiệp có sản phẩm liên quan trực tiếp như chúng tôi tự nhận thấy cần phải san sẻ một phần nỗi lo, sự vất vả của cộng đồng”, chị Nguyễn Thị Yến cho hay.

Vừa qua, thương hiệu trang phục bảo hộ do Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dệt may Nam Dương cũng đã vinh dự đón nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng bình chọn năm 2022.

LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nu-ky-su-tre-lam-nghe-trai-tay-dua-det-may-viet-nam-vuon-bien-lon-post718202.html