Nữ nhà văn bị liệt truyền cảm hứng cho giới trẻ
Từng bị bỏ lại trong nhà xác và nhiều lần nghĩ đến cái chết để giải thoát nhưng Trần Thị Trà My đã quyết tâm tự đứng lên trên chiếc giá đỡ 4 chân để trở thành nhà văn. Không những thế, cô gái này đã đến nhiều nơi truyền cảm hứng cho giới trẻ, người lầm lỡ nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống.
Một ngày giữa tháng 10/2020, Trà My đến gặp gỡ giao lưu cùng gần 1.000 học sinh vùng biên giới thuộc thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) trong chương trình mang tên ngày hội “Khi tôi 18”. Chương trình do Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp với trường THPT chuyên Bình Long tổ chức, đã giúp các bạn trẻ được tiếp thêm nghị lực, ý nghĩa cuộc sống bằng những câu chuyện từ người thực, việc thực của nữ nhà văn khuyết tật Trà My.
Nữ nhà văn Trà My (tên thật Trần Thị Trà My, SN 1986, quê Quảng Trị) bị tổn thương não ngay từ khi mới 3 tháng tuổi nên chỉ nằm một chỗ và không thể nói được. Gần 1.000 học sinh vùng biên nghẹn ngào khi anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước cho hay nữ nhà văn Trà My từng bị bỏ lại trong nhà xác suốt 8 tiếng đồng hồ vì đã ngưng thở.
Nữ nhà văn Trần Trà My chia sẻ về cuộc đời và truyền cảm hứng cho học sinh
Với đôi chân bị liệt, miệng nói không rõ chữ và chỉ 1 ngón tay cử động bình thường, 9 ngón còn lại rất yếu ớt, Trà My thấy mình là kẻ vô dụng nên cô từng muốn tự tử để chấm dứt mọi nỗi đau và giải thoát nỗi buồn. Nhưng rồi, Trà My cho biết, năm 16 tuổi, cô đã dũng cảm đứng lên, tập đi, tập viết, tập sử dụng đôi chân và đôi tay. Năm 2007, Trà My quyết tâm rời xa gia đình, vào TP. HCM tìm cách rèn luyện để nói được và mưu sinh bằng nghề viết.
Những tác phẩm của Trà My lần lượt ra đời. Năm 2008, tác phẩm đầu tay của Trà My được xuất bản mang tên “Giấc mơ đôi chân thiên thần”. Năm 2010, Trà My cho ra đời cuốn sách “Chúng ta chính là Mùa xuân”. Năm 2013, xuất bản tập truyện ngắn “Yêu trên từng ngón tay”. Nữ nhà văn vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho ra đời những cuốn sách tiếp theo.
Học sinh cảm phục nghị lực phi thường của nữ nhà văn
Những bạn trẻ vùng biên xa xôi đi từ ngạc nhiên này đến sự nể phục khác khi nghe cô gái khuyết tật- nhà văn Trà My đã chia sẻ về hành trình vượt qua nghịch cảnh để trở thành một người phụ nữ bình thường và một nhà văn. "Đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, đôi lúc, chúng ta phải đấu tranh và chiến thắng chính mình để sáng suốt lựa chọn lối đi phù hợp nhất cho bản thân.
Muốn thành công, cần kiên định và dũng cảm đi theo lối đi ấy dù có vất vả, khó khăn đến đâu”- Trà My nói, rồi bật khóc và cho biết chưa từng được đi học suốt 16 năm đầu đời. “Các em thực sự rất may mắn hơn chị vì các em được cắp sách đến trường. Còn với chị, đó chỉ là một ước mơ xa vời…”, Trà My nói. Nam sinh Lê Quý Dương - lớp 12D6 (THPT chuyên Bình Long) bày tỏ: “Em rất khâm phục chị Trà My khi chị đã không gục ngã mà lại trở nên vững tin để xa gia đình, sống một mình và lập nghiệp tại TP. HCM. Thật kỳ diệu khi chị có thể gõ máy tính bằng một ngón tay để viết sách”.
Anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước chia sẻ về cuộc đời của nữ nhà văn Trà My và truyền cảm hứng cho học sinh
Từ cõi chết trở về, Trà My hiểu được giá trị của sự sống và chị hoàn toàn tin trong mỗi con người luôn có những hạt mầm tử tế đang chờ được tưới nước để sinh sôi, nảy nở. Đó chính là lý do chị đi đến hàng chục trại giam và tặng những quyển sách do chính mình viết. Với những câu chuyện về sự tử tế trong các trang sách, Trà My hy vọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống sẽ lan tỏa, giúp cảm hóa những người từng lầm lỡ.
“Điều làm tôi sống an nhiên nhất là luôn tôn trọng các trạng thái cảm xúc trong con người mình. Nói một cách dễ hiểu là thấy đau thì cứ khóc, thấy vui thì phải cười và thấy mệt là nghỉ ngơi. Tôi vẫn lạc quan mà sống theo bản năng của chính mình” (Nữ nhà văn Trà My).