Nữ nhân Inuit kiên cường trên hoang đảo
Wrangel là một hòn đảo thuộc Bắc Băng Dương, nằm giữa biển Chukotka và biển Đông Siberia. Wrangel thuộc thẩm quyền quản lý hành chính của khu tự trị Chukotka thuộc Nga.
GD&TĐ - Wrangel là một hòn đảo thuộc Bắc Băng Dương, nằm giữa biển Chukotka và biển Đông Siberia. Wrangel thuộc thẩm quyền quản lý hành chính của khu tự trị Chukotka thuộc Nga.
Đây được xem là “đồn lũy” cuối cùng của loài voi ma mút rậm lông và là nơi có mật độ gấu Bắc cực cao nhất trên thế giới. Năm 1921, có một nhóm thám hiểm đến đây giành chủ quyền, nhưng hai năm sau, chỉ một người sống sót kể lại câu chuyện này.
Người phụ nữ duy nhất trong đoàn thám hiểm
Ada Blackjack qua đời ở Alaska vào ngày 29/5/1983, hưởng thọ 85 tuổi và được chôn cất tại Nghĩa trang Công viên Memorial Anchorage. Trên mộ của bà có một tấm bản do Billy đặt có khắc dòng chữ: “Nữ anh hùng của đảo Wrangel”.
Một thế kỷ sau, câu chuyện của bà vẫn tiếp tục gây được tiếng vang và truyền cảm hứng, đặc biệt là đối với những người bản địa Alaska.
Chuyến thám hiểm được khởi xướng bởi Vilhjalmur Stefansson, một nhà thám hiểm Bắc cực sinh ra ở Manitoba, Canada. Ông là người đã chống lại quan điểm cho rằng cực Bắc là một vùng đất hoang tàn và quảng bá nó là “Bắc cực thân thiện”.
Mặc dù, Wrangel là lãnh thổ của Nga, nhưng thực tế là nó không có người ở. Do đó, theo Stefansson, có thể tuyên bố nó thuộc về Canada hoặc Vương quốc Anh, với tham vọng biến nó thành một căn cứ không quân trong tương lai.
Ông đã tuyển bốn thanh niên cho nhiệm vụ này gồm ba người Mỹ và một người Canada. Sau khi rời Seattle vào ngày 18 tháng 8 năm 1921, họ đến Nome, Alaska tìm thuê những người Inuit để đi cùng.
Mặc dù đã thuê được một con tàu đưa họ đến đảo, nhưng những người bản địa bất ngờ từ chối chuyến đi này, mặc dù đã hứa hẹn trước đó. Trên bến tàu chờ họ chỉ duy nhất có Ada Blackjack, một phụ nữ Inuit bé nhỏ.
Mục đích thuê những người Inuit là nhằm tận dụng kỹ năng săn bắn và sinh tồn của họ, điều mà Ada không có, khiến nhóm thám hiểm vô cùng thất vọng. Ada Blackjack sinh năm 1898 tại khu định cư của người bản địa Spruce Creek, Alaska.
Khi còn nhỏ, cô đã được mẹ gửi đến Nome, cho các nhà truyền giáo Giám lý nuôi dưỡng. Họ đã dạy cô đọc, viết và nấu “thức ăn của người da trắng”. Lớn lên cô trở thành một thợ may lão luyện, kỹ năng may quần áo lông thú của cô ấy sẽ giúp ích cho cô rất nhiều sau này.
Stefansson đã hứa trả thù lao 50 đô la một tháng trong thời gian cô tham gia chuyến thám hiểm, nhiều hơn những gì cô có thể kiếm được ở nhà. Và đó là số tiền mà cô cần. Ada đã ly dị chồng, Jack Blackjack, người mà cô kết hôn năm 16 tuổi, sau khi bị anh ta đánh đập, ngược đãi.
Trong số ba đứa con mà cô đã sinh ra cho anh ta, hai người đã chết và chỉ còn cậu bé Bennett, mắc bệnh lao mạn tính và sống trong trại trẻ mồ côi vì cô không đủ khả năng tự chăm sóc. Hy vọng kiếm tiền chữa bệnh cho con đã khiến cô đồng ý khi được thuê đi cùng đoàn thám hiểm.
Mặc dù vậy, Ada cũng rất lo lắng và có một nỗi sợ hãi sâu xa đối với gấu Bắc cực. Việc đến thăm một pháp sư ở Nome cũng không làm cô bớt lo lắng. “Cái chết và nguy hiểm đang ở phía trước”, pháp sư cảnh báo và khuyên cô nên đề phòng lửa, dao.
Ada cũng không cho là thích hợp khi đi một mình đến một hòn đảo xa xôi với bốn người đàn ông, nhưng cô yên tâm rằng họ sẽ thuê thêm người Inuit tại một điểm dừng ở Siberia.
Vào ngày 9 tháng 9 năm 1921, mọi người lên đường, gồm Allan Crawford, 20 tuổi, trưởng nhóm người Canada; ba người Mỹ: Lorne Knight và Fred Maurer, đều 28 tuổi và Milton Galle, 19 tuổi; Ada Blackjack, 23 tuổi và con mèo Vic mà thủy thủ đoàn của con tàu đã tặng họ.
Sự khắc nghiệt của đảo hoang
Họ đến Wrangel sau chặng dừng ngắn ngủi ở Siberia mà không tuyển được người Inuit nào. Ada bị sốc về điều này và cảm thấy lo sợ cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Khi những người đàn ông nâng quốc kỳ của Liên hiệp Anh lên và tuyên bố hòn đảo này là thuộc sở hữu của người Anh, cô ra bãi biển, mắt nhìn vào con tàu đang rời đi và khóc.
Kế hoạch của nhóm thám hiểm là ở hòn đảo này khoảng 2 năm - thời gian đủ để được công nhận chủ quyền với vùng đất có người ở, theo luật pháp quốc tế thời đó, và sẽ có tàu tiếp tế tới sau một năm. Ada, một phụ nữ người Inuit, sẽ chịu trách nhiệm may quần áo lông, giúp cả nhóm chống chọi với nhiệt độ thấp ở Bắc cực.
Dự tính sau khi đổ bộ lên đảo hoang, họ sẽ dựng trại, khám phá thực địa, thu thập mẫu đất và chờ đợi cho đến khi Stefansson thuê một con tàu đến tiếp tế nguồn thực phẩm vào năm kế tiếp.
Thời điểm họ đến, thời tiết khá ôn hòa một cách đáng ngạc nhiên và toàn đội đã sớm bắt nhịp vào cuộc sống nơi hoang đảo. Tuy nhiên, sau một vài tuần, tình hình đã thay đổi. Ada, buồn bã vì nhớ nhà và sợ hãi, sống khép kín.
Mỗi lần nhìn thấy dao của đàn ông đều cô đều kinh hãi, bị ám ảnh bởi lời cảnh báo của pháp sư. Cô biết không ai trong số những người đàn ông muốn cô ở đây, họ đều hối hận vì đã thu nhận cô.
Ngày nọ, cô đi vào trong tuyết với một chai dầu xoa với ý định uống để tự sát nhưng không đủ can đảm. Lần khác, cô theo dấu vết những con cáo ra xa trại vì tin rằng có những linh hồn cải trang thành cáo và nếu tìm được, cô sẽ được đối xử tử tế.
Cô trở nên chểnh mảng việc nấu nướng và may vá. Đầu tiên, những người đàn ông tìm cách dỗ dành cô, sau đó họ chế nhạo, không cho ăn, buộc cô phải ở ngoài trời lạnh, và thậm chí còn trói cô vào cột cờ và dọa đánh.
Khi mùa đông đến, tâm trạng của Ada dường như bớt nặng nề, khi những người đàn ông không còn hung hãn. Họ cùng đoàn kết để sống sót qua những tháng tối tăm, lạnh giá, để được ăn no, mặc ấm, cùng ngăn chặn những con gấu Bắc cực rình rập khu trại và mong chờ sự xuất hiện của một con tàu tiếp tế.
Nhưng mùa hè đến rồi chầm chậm trôi đi, hàng rào băng giá quanh hòn đảo vẫn còn mà con tàu do Stefansson điều động từ Alaska vẫn không thấy tăm hơi.
Mùa đông lại đến, cả nhóm phải vất vả chống chọi, họ suy sụp không chỉ về tinh thần, mà còn về thể chất. Đặc biệt là Knight, người đã ngã bệnh trong khi khám phá một mình vào mùa thu năm đó và có dấu hiệu của bệnh scurvy (còn gọi là bệnh scorbut, một tình trạng thiếu hụt vitamin C gây còi xương).
Vào tháng 1/1923, khi nhiệt độ giảm mạnh xuống âm 50 độ, Crawford, Maurer và Galle lên đường vượt biển băng, hướng về phía Siberia tìm tàu cứu hộ nhưng họ không bao giờ được nhìn thấy nữa.
Trở về
Trên đảo giờ chỉ còn Ada và Knight trong tình trạng bệnh hoạn. Người phụ nữ Inuit chưa từng sống ở vùng hoang dã trước đây, nay phải gánh vác trách nhiệm cho sự sinh tồn của cả hai. Cô tự học cách bắt cáo trong bẫy và bắn chim từ bầu trời, thậm chí còn lấy hết can đảm để xua đuổi gấu ra khỏi trại.
Cô đã cho Knight phần thịt tươi để anh chống lại bệnh scurvy, nhưng khi căn bệnh ngày càng trầm trọng, anh ta luôn miệng mắng mỏ, buộc tội cô đã không làm hết sức để họ được ăn và sống. Trong suốt thời gian đó, cô ấy cũng có những dấu hiệu ban đầu căn bệnh giống như anh ta.
Vào ngày 23/6/1921, Knight qua đời. Ada không còn sức để kéo anh ta ra khỏi túi ngủ nên đã dựng một hàng rào bằng thùng gỗ xung quanh để bảo vệ tử thi khỏi thú dữ, còn cô chuyển vào trong lều để tránh mùi thối rữa của xác chết.
Ada giờ đây, ngoài con mèo Vic làm bạn, thực sự cô đơn. Cô mong đợi những người khác sẽ quay lại, nhưng không biết chắc. Điều gì sẽ xảy ra với cô nếu buộc phải trải qua một mùa đông nữa ở nơi xa xôi và khắc nghiệt này? Liệu cô có còn gặp lại con mình nữa không?
Ngay sau cái chết của Knight, cô đã tự tay giết con hải cẩu đầu tiên để làm thực phẩm, nhưng khi đạn sắp hết, cô lặn lội đi tìm trứng và đốn gỗ để tự đóng thuyền. Trong thời gian rảnh rỗi, cô mày mò học chụp ảnh từ những chiếc máy ảnh của đoàn. Một số bức ảnh cô chụp trong những ngày đơn độc, trong đó có những bức cô chụp chính mình.
Vào ngày 20/8/1921, Ada giật mình tỉnh ngủ sau khi nghe những tiếng động lạ. Cô chộp lấy ống nhòm và phóng ra ngoài. Màn sương mù luôn bao phủ hòn đảo, nhưng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nó từ từ bay lên, đủ để qua cặp kính ống nhòm, cô nhìn thấy một con tàu. Chạy nhanh ra bãi biển, cô lao xuống nước ngay khi một chiếc thuyền tiến vào bờ.
Cô mong Crawford, Maurer và Galle có mặt trên tàu nhưng đón cô lại là Harold Noice, đồng nghiệp của Stefasson. Qua những lời đầu tiên trao đổi, những người cứu hộ đã nhận ra tình huống bi thảm của đoàn thám hiểm.
Ada Blackjack, cô thợ may Inuit, người miễn cưỡng tham gia chuyến thám hiểm, bị coi thường, bị mắng mỏ, ngược đãi, người phải tự học cách săn và bẫy ở Bắc cực, lại là người sống sót cuối cùng.
Sự trở lại của Ada và cái chết của các thành viên đoàn thám hiểm, đã tạo một làn sóng phẫn nộ lớn trong công chúng đối với chính phủ.
Truyền thông ca ngợi cô như là “Người hùng”, phiên bản “Robinson Crusoe nữ”, nhưng người phụ nữ bé nhỏ ấy vẫn điềm tĩnh, chỉ đơn giản cho biết: “Là một người mẹ, tôi cần phải sống để trở về với con trai mình”; “Dũng cảm ư? Tôi không biết. Nhưng tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng khi vẫn còn sống”.
Ada sau đó đưa Bennett đến Seattle để chữa bệnh lao và tái hôn rồi có một cậu con trai khác tên là Billy. Cô trở về sống ở Alaska đến cuối đời.