Nữ nhân viên văn phòng cướp giật tài sản chưa thành, có phải chịu tội?
Nữ nhân viên văn phòng chưa chiếm đoạt được tiền, vậy hành vi này đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm hay chưa?
Như VietNamNet đã đưa, tối 12/4, Công an TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã tạm giữ hình sự N.T.P.T. (32 tuổi, ở phường Tân Phong, TP Lai Châu) để làm rõ hành vi cướp giật tài sản.
Trước đó, vào khoảng 18h40 ngày 10/4, công an nhận được tin tố giác tội phạm, tại cửa hàng xăng dầu số 2, thuộc Công ty Cổ phần thương mại xăng dầu Lai Châu (phường Đông Phong, TP Lai Châu), xảy ra vụ cướp.
Theo lời khai ban đầu của T., cô là nhân viên văn phòng, đang công tác trên địa bàn TP. Do túng thiếu, trong lúc đi đổ xăng, thấy nhân viên cây xăng cầm tiền sơ hở, T. đã cướp giật tiền. Nhưng khi tăng ga tẩu thoát, T. đã bị nhân viên cây xăng hô hoán và giật lại số tiền trên.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, chuyện nữ nhân viên văn phòng với ngoại hình ưa nhìn, một mình thực hiện hành vi cướp giật là chuyện chưa từng xảy ra.
Diễn biến vụ việc cho thấy, dù nữ nhân viên văn phòng chưa chiếm đoạt được tiền, mục đích chiếm đoạt tài sản chưa thực hiện được, nhưng hành vi này đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm - tội Cướp giật tài sản.
Theo quy định của pháp luật, nữ nhân viên văn phòng có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 1- 5 năm tù, theo quy định tại khoản 1, điều 171 BLHS.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi của nhân viên văn phòng, làm rõ nhận thức của đối tượng này về hành vi của mình, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy, đối tượng này có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác thì hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Theo luật sư, trong vụ việc này, khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng, hoàn cảnh của đối tượng là những vấn đề quan trọng để làm sáng tỏ bản chất vụ việc, làm căn cứ thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Đây là một vụ cướp giật tài sản khá hi hữu khi đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản còn trẻ tuổi và có hình thức ưa nhìn, khác hẳn với những đối tượng cướp giật chuyên nghiệp, thường đi theo nhóm và thực hiện hành vi nguy hiểm khi vừa tham gia giao thông vừa thực hiện hành vi cướp giật tài sản.
Vụ việc này sẽ là bài học cho những đối tượng người lao động lợi dụng sơ hở của người khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cái giá phải trả cho hành vi cướp giật tài sản không hề nhẹ, mức hình phạt thấp nhất của hành vi cướp giật tài sản theo quy định của pháp luật là 1 năm tù và mức cao nhất là án ù chung thân.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ nguyên nhân sự việc để làm căn cứ thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, đồng thời là cơ sở xem xét quyết định hình phạt cho phù hợp.