Nữ nhiếp ảnh gia bị tấn công tình dục tự 'chữa lành' bằng chụp ảnh khỏa thân
Đối với nữ nhiếp ảnh gia Kristina Shakht, chụp ảnh khỏa thân không phải để thỏa mãn đam mê sáng tạo nghệ thuật, mà còn là một cách để chữa lành vết thương tâm hồn sau khi bị tấn công tình dục.
Dù sống ở Mỹ từ nhỏ, Kristina Shakht dành phần lớn thời gian ở Saint Petersburg, Nga - quê hương của mẹ cô. Tại đây, cô hình thành tình yêu với nhiếp ảnh cùng “những chiếc máy ảnh đồ chơi rẻ tiền” do bố mẹ mua cho. Năm 4 tuổi, Shakht được đi học ở một ngôi trường nghệ thuật. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với tư cách là một nữ nghệ sĩ ở Nga. Sau một số cuộc tìm kiếm tâm hồn ở Berlin, nữ nhiếp ảnh gia đã trở lại Mỹ vào 2 năm trước, định cư tại thành phố New York.
Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát và New York trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất xứ cờ hoa, Shakht thực hiện bộ ảnh khỏa thân đen – trắng, được gọi là “Emmi and the Orchids” (Emmi và hoa lan), với Polaroid (máy chụp ảnh lấy liền), từ căn hộ nhỏ ở quận Brooklyn.
Lấy cảm hứng từ bức “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” của Sandro Botticelli và “Đức Mẹ đồng trinh và em bé” của Leonardo da Vinci, cũng những bức tượng thời Hy Lạp cổ, bộ ảnh nhằm mục đích xua tan cảm giác xấu hổ và tôn vinh cơ thể phụ nữ.
“Sau khi chụp Emmi Shockley (người mẫu), tôi bắt đầu chơi đùa với hoa vào những ngày buồn chán. Sau đó, tôi kết hợp tất cả với nhau tạo thành một bố cục trông rất hữu cơ, tinh khiết và đẹp mắt. Tôi cảm thấy như chúng ta đang ở rất xa với tự nhiên. Có rất nhiều sự xấu hổ, tự ti và cấm kỵ xung quanh cơ thể phụ nữ… Tôi nghĩ đó là điều tự nhiên – như những bông hoa này cũng là tự nhiên”, Shakht giải thích lý do kết hợp ảnh phụ nữ khỏa thân với ảnh hoa lan.
Loạt ảnh cũng cho thấy Shakt đang thực thi quyền tự do sáng tạo, bởi hơn ai hết, cô là người nhận thức rõ những bất lợi mà nghệ sĩ nữ phải đối mặt ở những nơi khác thế giới. “Như trường hợp của Julia Tzvetkova ở Nga, cô ấy phải đối mặt với 2 – 6 năm tù vì đăng bức vẽ những bông hoa hình cơ quan sinh dục phụ nữ lên mạng xã hội. Vì vậy, đối với tôi, bộ ảnh trước hết mang ý nghĩa chính trị. Dù bạn không thể thấy ý định đó trong câu chuyện, nhưng đó chắc chắn là một trong những động lực thúc đẩy nghệ thuật của tôi bây giờ: nói không dùng từ ngữ về những điều khiến tôi bận tâm”, cô bộc bạch.
Theo Shakht, quá trình sáng tạo bộ ảnh được tập trung vào giai đoạn tĩnh lặng của lệnh đóng cửa do dịch bệnh – giai đoạn đầy thử thách khơi dậy nguồn cảm hứng mới, sự kết nối và đổi mới bản thân. Ở đây, nữ nhiếp ảnh gia hướng đến chủ đề cơ thể phụ nữ và sự cô lập. “Tôi muốn bộ ảnh này là một tác phẩm của tình yêu, mang đến cảm giác không gian an toàn. Đó là cảm giác mà bạn có được khi nhìn những đám mây bồng bềnh hoặc đi chân trần trên bãi cỏ. Thoải mái, mới mẻ và sạch sẽ”, Shakht đặt kỳ vọng.
Hơn thế, bộ ảnh không chỉ đại diện cho một dự án sáng tạo của Shakht, còn mang ý nghĩa hơn thế: “Là một người sống sót sau khi bị tấn công tình dục, đối với tôi câu chuyện này là một cách để chữa lành và điều chỉnh lại kinh nghiệm của tôi”.