Nữ phi công gốc Việt và giấc mơ một mình bay vòng quanh thế giới trong 45 ngày
Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở miền Trung Việt Nam, nữ phi công Nguyễn Anh Thư lớn lên tại Mỹ và mang theo sứ mệnh phá vỡ những định kiến cũ về phụ nữ bằng khát khao được một mình bay vòng quanh thế giới.
Tại một vùng ven của thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cô bé Nguyễn Anh Thư bất kể ngày hay đêm, cứ ngước nhìn lên bầu trời và dán chặt mắt vào những cánh máy bay đang ở cao trên tít cao. Thuở đó, không một ai khác ngoài chính Thư nghĩ đến việc cô sẽ trở thành phi công vào một ngày nào đó.
Ba mẹ, bạn bè và những người thân quen, đều xua tay và cười đùa khi Anh Thư kể về ước mơ lớn nhất của đời mình: trở thành một phi công. Họ có lý do để không quá tin vào điều này, vì Thư chỉ là một cô gái da vàng nhỏ nhắn. Nhưng Thư có lý do để tự tin vào chính mình.
Bằng mọi nỗ lực suốt thời niên thiếu, giờ đây cô bé ngày nào không chỉ là nữ phi công người Mỹ gốc Việt, cô còn là giảng viên chuyên ngành đào tạo phi công, sáng lập viên một tổ chức giúp phụ nữ cất cánh, và ôm ấp giấc mơ chinh phục địa cầu bằng đường hàng không.
Nguyễn Anh Thư đã có cả tuổi thơ quanh quẩn trong ngôi làng nghèo ở ngoại thành Tuy Hòa, Phú Yên. Thuở đó, điện nước là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ đối với người dân tại đây. Những thứ cơ bản nhất để duy trì một cuộc sống bình thường cũng đã hiếm hoi và đắt đỏ, nên việc nhiều trẻ em ở đây không đến trường cũng không quá đỗi lạ lùng.
“Ngôi làng nơi mình sống lúc nhỏ thiếu thốn vật chất rất nhiều, tuy không quá xa trung tâm thành phố Tuy Hòa nhưng do địa hình đồi núi nguy hiểm, nên cuộc sống lúc đó phải nó là vô cùng khó khăn. Mỗi ngày trôi qua, mình cùng những đứa trẻ trong xóm lúc đó chỉ biết phụ giúp việc nhà với cha mẹ rồi tụ tập chơi giỡn, rất ít đứa bé nào được đến trường.
Còn nhớ lúc đó, làng của mình rất ít người có xe máy, xe hơi gần như là không, vậy mà máy bay thì có rất nhiều. Mỗi buổi chiều, mình nhìn lên bầu trời và thấy những chiếc máy bay đang chầm chậm lướt qua bầu trời và tự đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi. Tại sao lại có máy bay? Tại sao người ta lại làm nó bay được? Mình có thể làm được điều đó không?”, Anh Thư kể lại.
Những câu hỏi tưởng chừng như rất ngô nghê và mang tính bộc phát, nhưng hóa ra nó đã đi theo cô gái quê đó đến suốt đời và làm động lực thôi thúc cô cực mãnh liệt. Lúc đó, cô bé Anh Thư chắc hẳn không nghĩ nhiều về việc trở thành một phi công là điều khó nhọc đến thế nào, cô chỉ biết mình sẽ nỗ lực thật nhiều để làm được điều đó.
“Đến tuổi đi học, suýt chút nữa mình đã không được đến trường. Thật may mắn vì lúc đó UNICEF mở trường học ở tại nơi mình sinh sống, mình và đám bạn ở trong xóm được đi học và có lẽ đó là bước ngoặt cũng như bước đệm giúp mình có được ngày hôm nay”, nữ phi công chia sẻ.
12 tuổi, cô cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện bảo lãnh. Bé gái người Việt không biết tiếng Anh, không có bạc tiền, không có ai quen biết để giúp đỡ, không có gì cả ngoài đôi bàn tay trắng và một gia đình người Việt. “Nhưng không có gì thì phải làm gì cho có, đã đặt chân đến nơi đất khách quê người thì phải cố sống, cố tồn tại”, cô nói.
Ngay lập tức từ khi những đôi chân thấm đẫm cái lạnh ôn đới, gia đình cô nhanh chóng tìm kiếm việc làm vào lao vào cuộc mưu sinh. Cô bé Anh Thư được đi học tại một ngôi trường gần nhà, bạn cùng lớp bây giờ không phải những đứa trẻ da vàng tóc đen cầm ná bắn nhau và rượt đuổi sau giờ học nữa, mà là những đứa trẻ da trắng tóc vàng đôi khi chẳng biết Việt Nam là ở đâu.
“Nhớ lại hồi đó, mọi thứ rất khó khăn khi mình vừa phải học tiếng Anh, học kiến thức và vừa phải tìm hiểu về văn hóa để cố gắng kết thân với bạn cùng lớp. Mình không thấy đó là sự không công bằng khi mình phải làm nhiều thứ cùng một lúc, mình chỉ thấy may mắn và cần cố gắng nhiều để xứng đáng với những gì mình đang có”, cô cho biết.
Quả đúng như vậy, bằng nỗ lực gấp đôi người khác, Anh Thư đã nhẹ nhàng đi qua thời trung học và ra khỏi ngôi trường cấp ba với danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp danh giá. 18 tuổi, cô gái Việt theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Purdue danh tiếng, đây là ngôi trường nằm trong top 10 của Mỹ chuyên đào tạo phi công cho Không quân Mỹ và phi hành gia cho NASA.
Nhớ lại khoảng thời gian sinh viên, Anh Thư chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì lúc đó khổ còn hơn chữ khổ. Học phí trung bình mỗi năm ở Purdue vào khoảng 20.000 USD, không quá cao nhưng đủ gây áp lực cho cô nữ sinh gốc Việt. Cô lại tiếp tục cuộc sống một lúc làm nhiều thứ như hồi trung học để đảm bảo có đủ tiền trang trải mọi chi phí.
Tốt nghiệp đại học và nằm trong top 10 thủ khoa toàn trường, nhưng Thư không xem đó là thành công mà chịu dừng lại. Ngay lập tức, cô nộp đơn vào Học viện Công nghệ Georgia và hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Kỹ sư Hàng không Vũ trụ tại đây. Trong thời gian này, cô đã có được chứng chỉ lái máy bay riêng cùng hàng loạt bằng cấp, danh hiệu khác về ngành hàng không.
Sau khi hoàn thành công việc nghiên cứu, cô trở thành giảng viên để đào tạo phi công. Năm 2017, Anh Thư trở thành giảng viên xuất sắc nhất tại AOPA (Aircraft Owners and Pilots Association) với hàng trăm phi công lành nghề đã được một tay cô hướng dẫn và đào tạo, cũng như hoàn thành chứng chỉ ATP (Airline Transport Pilot) hay bằng lái máy bay thương mại cỡ lớn.
“Nỗ lực nhiều để đạt được thành công, đó là chuyện dĩ nhiên mà ai trong chúng ta cũng phải làm, chứ mình không xem việc đó là quá lớn lao. Mình thấy vui và hạnh phúc vì những cố gắng vượt qua khó khăn của mình cuối cùng cũng đã sinh hoa ra quả ngọt lành.
Sau khi chứng minh bản thân có thực lực ở trường lớp và viện nghiên cứu, mình tiếp tục phải tự chứng minh bản thân ở vai trò đứng lớp đào tạo phi công. Học viên của mình là những người đàn ông Mỹ to khỏe, họ thường tỏ ra thất vọng khi biết người đứng lớp là một cô gái da vàng nhỏ bé. Mình không cố nói “Tôi là giảng viên của anh, anh phải tin tôi” hay đại loại như thế, mình chỉ giúp họ tự có câu trả lời qua quá trình làm việc cùng nhau”, cô chia sẻ.
Nghe qua câu chuyện của Anh Thư, từ một cô gái quê nhỏ bé đến cô giảng viên đứng lớp đào tạo hàng trăm phi công, tưởng chừng như rất đơn giản. Nhưng phía sau đó là những đêm ngủ trong xe hơi, ngủ lại sân bay vì mục đích tiết kiệm tiền và không cho gia đình biết.
Hóa ra, theo đuổi ngành hàng không là việc làm lén lút, Anh Thư không muốn gia đình biết vì sợ bị ngăn cản. Cô kể: “Ba mẹ mình lo sợ nhiều thứ, nhất là về việc một cô gái người Việt nhỏ bé như mình khó làm được những chuyện như thế này. Thế là mình quyết định tự thân vận động, tự đi làm thêm để kiếm tiền và tự làm tất cả mọi thứ”.
Mỗi loại máy bay khác nhau, mỗi vùng khí hậu và thời tiết khác nhau, đều cần từng loại chứng chỉ bay riêng biệt và số tiền để “đạt được hết cảnh giới” phải tính đến hàng tỷ đồng tiền Việt. Để đảm bảo theo bám được giấc mơ của đời mình, Thư phải cắt giảm tất cả chi phí kể cả việc ăn ở sinh hoạt.
“Nhớ lại lúc đó, buổi tối mình phải ngủ trong xe hơi để tiết kiệm tiền thuê nhà. Thầy của mình là một cựu quân nhân từng tham chiến ở Việt Nam, thấy vậy nên mới sắp xếp một chỗ trong sân bay để mình ngủ lại. Rất cực, rất khổ, nhưng chỉ biết lấy khó khăn làm bàn đạp để cố gắng”, cô chia sẻ.
Nhưng những khó khăn về cơm áo gạo tiền không là đáng kể nếu so với trở ngại về giới tính. Bất kể những thành tích đã đạt được, sự xuất hiện của Anh Thư tại các sân bay vẫn tạo ra sự nghi ngờ của nhân viên an ninh. Một vài lần cô bị từ chối nhập cảnh mặc cho cô giải thích và thuyết phục mọi người rằng cô là một phi công.
“Từ nhỏ, mình đã không nhận được quá nhiều sự ủng hộ khi đi theo con đường này, bởi vì mình là con gái. Lớn lên, dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng những suy nghĩ về việc phụ nữ không thể lái máy bay vẫn còn tồn tại và đã trở thành một định kiến. Những điều này khiến mình rất buồn và cảm thấy có trách nhiệm để thay đổi nó”, Anh Thư cho biết.
Trên cả thế giới chỉ có 6% phi công là phụ nữ và tính đến nay chỉ mới có 8 nữ phi công hoàn thành được sứ mệnh bay vòng quanh thế giới. Anh Thư không chỉ muốn trở thành người thứ 9 làm được điều đó, mà cô còn muốn lan truyền cảm hứng để con số đó được tăng lên liên tục.
Theo kế hoạch, Anh Thư sẽ bắt đầu khởi hành chuyến bay đi quanh địa cầu vào mùa hè năm 2020. Tổng hành trình của chuyến đi là 49.650 km trong vòng 45 ngày, đi qua 26 quốc gia của 4 châu lục, trong đó có cả quê nhà Tuy Hòa và Sài Gòn ở Việt Nam. Cuộc hành trình này đáng ghi nhận nhất có lẽ là chuyến bay vượt biển từ Hawaii đến California dài 3.872 km, và chuyến bay về thăm lại quê hương.
“Lần trước khi rời khỏi Việt Nam, mình chỉ là một cô bé ngước nhìn bầu trời và ước mơ về một tương lai xa xăm. Giờ đây, tương lai đó đã trở thành hiện thực, mình mong muốn trong chuyến bay vòng quanh thế giới này, mình sẽ về thăm lại Tuy Hòa, nơi mình được sinh ra và là nơi chắp cho mình giấc mơ to lớn.
Số tiền gây quỹ nhận được, ngoài dùng để làm lộ phí cho chuyến đi để đời, mình còn sử dụng làm học bổng cho các cô gái trẻ quan tâm đến lĩnh vực hàng không vũ trụ. Mình không chỉ muốn trở thành người phụ nữ bay vòng quanh thế giới, mà mình còn mong muốn giúp nhiều phụ nữ khác cũng làm được điều này”, nữ phi công Nguyễn Anh Thư chia sẻ đầy xúc động.