Nữ phó hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội là Nhà giáo tiêu biểu 2024

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội) được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải (1969) hiện đang là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội. Cô là 1 trong 96 nhà giáo trong khối giáo dục đại học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải bày tỏ: "Tôi muốn dành vinh dự to lớn này để tri ân công lao của các thầy, cô - những người đã trao truyền tri thức, cho tôi động lực để học tập, phấn đấu, cống hiến hết mình.

Niềm hạnh phúc của tôi được nhân lên bội phần khi danh hiệu cao quý này đến đúng thời điểm ý nghĩa là Lễ kỷ niệm 110 năm truyền thống đào tạo Dược của Trường Đại học Dược Hà Nội".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải (thứ 7 từ trái sang) nhận danh hiệu Nhà giáo Tiêu biểu năm 2024.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải (thứ 7 từ trái sang) nhận danh hiệu Nhà giáo Tiêu biểu năm 2024.

Tình yêu với nghề Dược bắt đầu từ bát nước lá nhọ nồi của mẹ

Được biết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải là người dân tộc Mường. Gia đình bên nội của cô có truyền thống làm nghề thuốc Nam ở bản Mường nhỏ thuộc xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Mẹ của cô Hải học dược tá khóa đầu tiên của Trường Trung cấp Y khi đó ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Anh trai cũng theo học tại Trường Đại học Dược Hà Nội.

Cô Hải bộc bạch: "Ngay từ nhỏ tôi đã thích thú với bát nước lá nhọ nồi mẹ cho uống khi sốt, lúc tôi dị ứng nhựa cây sơn, mẹ đun lá khế chấm vào vết đỏ hay những nồi nước xông thơm lừng của mẹ mỗi lần tôi bị cảm... Tất cả những điều dung dị đó đã khiến tôi yêu thích tìm hiểu về thuốc và nuôi mơ ước được trở thành dược sĩ".

Hành trình đi học của cô gái Mường khi ấy có không ít khó khăn, cô Hải kể, có những lần về quê đúng đợt mưa lũ, đường sạt lở, phải "tăng bo" (chuyển từ xe này qua xe khác), đi mất 3 ngày chưa về đến nhà, trong túi không có tiền, vừa đói, vừa mệt, vừa lo lắng.

Mặc dù vậy, tình yêu với nghề đã cho cô sức mạnh để vượt qua mọi thiếu thốn, vất vả. Cô Hải tâm sự: "Mẹ tôi kể lại, sau khi sinh 7 ngày, tôi bị viêm phổi nặng, tưởng chừng không thể qua khỏi nhưng may mắn được các bác sĩ cứu sống. Tôi yêu nghề Dược và mong ước được cống hiến để trả ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội tiếp tục sống".

Ngay từ lúc là sinh viên, cô Hải đã là một người ưu tú, trúng tuyển kì thi nội trú Dược của Bộ Y tế khi mới là sinh viên năm 4. Nhắc về những kỷ niệm ở giảng đường đại học, cô Hải không khỏi xúc động khi nói đến thầy, cô giáo của mình.

"Thầy, cô ở Trường Đại học Dược Hà Nội là những người uyên bác về tri thức, giỏi về kỹ năng nghề nghiệp lại vô cùng tâm huyết, trách nhiệm nhưng cũng rất nghiêm khắc với sinh viên.

Các bạn bè, đồng nghiệp của tôi trưởng thành từ mái trường này đều biết ơn thầy, cô vì những tri thức được trao truyền, về tấm lòng bao dung, bài học về kỷ luật nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm của những chiến sĩ áo trắng - người làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân phải "vừa hồng vừa chuyên".

Tấm gương của thầy, cô về sự tận tụy, hy sinh vì học trò cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học luôn khắc ghi trong tâm trí tôi, truyền cho tôi tình yêu đối với nghề.

Tôi trở thành giảng viên vì muốn được tiếp bước thầy cô, đứng trên bục giảng, khai mở cho sinh viên nguồn tri thức quý giá, hướng dẫn sinh viên những kỹ năng thực hành nghề nghiệp" - cô Hải nói.

Nữ Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đầu tiên trong 110 năm của trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải là nữ Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác chuyên môn đầu tiên trong lịch sử 110 năm của Trường Đại học Dược Hà Nội.

Chia sẻ về dấu mốc đặc biệt này, cô Hải bày tỏ: “Đây không chỉ là niềm tự hào của cá nhân tôi mà còn của tất cả các nữ đồng nghiệp tại Trường Đại học Dược Hà Nội. Vì chúng tôi đã được ghi nhận, được kề vai sát cánh cùng các nam đồng nghiệp, tham gia gánh vác trọng trách trong công tác quản lý của nhà trường.

Làm quản lý đào tạo ở 1 ngôi trường đại học có bề dày lịch sử, chưa bao giờ dễ dàng, không thể tránh khỏi những áp lực, nhất là thời điểm năm 2017 - khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ, đây cũng là lúc có nhiều chính sách mới liên quan tới giáo dục được ban hành.

Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật nói chung và khoa học sức khỏe nói riêng yêu cầu những người làm đào tạo cần liên tục cập nhật những thành tựu, tri thức. Đồng thời, tôi cũng phải nhìn nhận yêu cầu mới, đưa ra định hướng phù hợp với giáo dục đào tạo dành cho thế hệ gen Z”.

Trên cương vị công tác của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải đã cùng với tập thể lãnh đạo Trường Đại học Dược Hà Nội có những chủ trương, chỉ đạo trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của nhà trường, hội nhập sâu rộng trong đào tạo nghiên cứu khoa học để hướng tới phục vụ cộng đồng.

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo của Trường Đại học Dược Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu:

Ngoài 19 chương trình đào tạo truyền thống (bao gồm 7 chương trình tiến sĩ, 7 chương trình thạc sĩ, 4 chương trình Dược sĩ chuyên khoa cấp I và II, 1 chương trình Dược sĩ). Hiện nay, nhà trường xây dựng và tuyển sinh mới 4 ngành là Cử nhân Hóa Dược, Công nghệ Sinh học, Hóa học, Chương trình Chất lượng cao ngành Dược học.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành đào tạo ở tỷ lệ 98,31 - 100% với mức thu nhập cao, khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Cô Hải chia sẻ: “Nghề Y nói chung và nghề Dược nói riêng liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người. Do đó, người làm nghề không chỉ cần có am hiểu kiến thức, thuần thục kỹ năng mà còn yêu cầu cao về tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính kỷ luật.

Ở vị trí của 1 nhà quản lý, hơn bao giờ hết, cá nhân tôi phải tích cực học thêm về nghệ thuật lãnh đạo, tự bồi dưỡng về khoa học giáo dục, tích cực tìm tòi, nghiên cứu các xu hướng phát triển chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới để thường xuyên cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên của Trường Đại học Dược Hà Nội cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải kí biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với Trường Đại học Dược Kyoto (Nhật Bản).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải kí biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với Trường Đại học Dược Kyoto (Nhật Bản).

Trên cương vị của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng các kế hoạch công tác, triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, giám sát chặt chẽ, đánh giá các kết quả đạt được, rút kinh nghiệm để cải tiến các hoạt động trong từng lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Cô Hải phân công nhiệm vụ cho cấp dưới căn cứ vào năng lực, trình độ, sở trường của từng người với công việc được giao; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trên nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, có tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết cao giữa các bộ phận, tổ chức trong nhà trường.

Mong muốn tăng cường cơ hội hội nhập quốc tế cho sinh viên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải cho biết, những năm gần đây hoạt động trao đổi sinh viên của Trường Đại học Dược Hà Nội có sự gia tăng mạnh mẽ về chất lượng và số lượng.

Số lượng sinh viên được đi trao đổi tại các Trường đào tạo Dược ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Trung Quốc… gần 100 lượt/năm.

Các hoạt động hợp tác tạo cơ hội để người học có hoạt động thực hành trải nghiệm nghề nghiệp quốc tế với các trường/viện có uy tín trên thế giới như Đại học Sydney (Australia), Đại học Greifswald (Cộng Hòa Liên bang Đức), Đại học Yanming (Đài Loan, Trung Quốc), Đại học Illinois - Chicago (Hoa Kỳ), Viện Khoa học và Công nghệ (Hàn Quốc)…luôn được thúc đẩy.

Đồng thời, nhà trường phối hợp với các đối tác quốc tế như Bỉ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hoa Kỳ… tổ chức các hội thảo quốc tế về Thực tiễn hành nghề Dược trên thế giới và Kỳ thi chứng chỉ hành nghề quốc gia.

Cùng với đó, nhà trường hợp tác với Trung tâm Giáo dục Thông tin Yakizumi Nhật Bản, tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi, vận hành thử nghiệm kỳ thi Cấp chứng chỉ hành nghề cho sinh viên chính quy ngành Dược học năm cuối của Trường Đại học Dược Hà Nội và Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, thu được kết quả và kinh nghiệm hữu ích, có thể tham khảo áp dụng, triển khai trong thực tiễn tại Việt Nam.

"Tôi muốn sinh viên có được những trải nghiệm học tập, nghiên cứu trong môi trường quốc tế để sẵn sàng đáp ứng cơ hội việc với người nước ngoài, tăng cường khả năng hội nhập toàn cầu của các em" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải nói.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải (áo dài, đứng giữa) chụp ảnh cùng sinh viên trong Lễ kỷ niệm 110 năm Đào tạo Dược (1914 - 2024).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải (áo dài, đứng giữa) chụp ảnh cùng sinh viên trong Lễ kỷ niệm 110 năm Đào tạo Dược (1914 - 2024).

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Hải còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, các công tác vì cộng đồng như động viên cán bộ viên chức, người lao động tham gia phong trào “Lá lành đùm lá rách”, "Quỹ đền ơn đáp nghĩa"..., trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Đoàn Thanh niên tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho 5.500 lượt người dân vùng khó khăn; chỉ đạo đoàn công tác của Trường Đại học Dược Hà Nội hỗ trợ chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh; chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp với Viện Huyết học truyền máu, Bệnh viện trung ương quân đội 108 tổ chức hiến máu tình nguyện, giai đoạn 2017 - 2022, cán bộ, sinh viên nhà trường đã hiến tặng 2.600 đơn vị máu.

Cô Hải bày tỏ: "Tôi luôn khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Việc làm này đóng vai trò quan trọng để hình thành phẩm chất, đạo đức của những thầy thuốc tương lai. Khi có sự chia sẻ, thấu cảm với các mảnh đời, số phận khó khăn, sinh viên sẽ nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu, tận tâm, trách nhiệm với người bệnh".

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nu-pho-hieu-truong-truong-dai-hoc-duoc-ha-noi-la-nha-giao-tieu-bieu-2024-post247141.gd