Nữ quái 'săn' người
Từng làm việc cho tổ chức lừa đảo trực tuyến có tên 'Tập đoàn Thế kỷ' được đặt tại Campuchia, Trương Ngọc Huyền dù chưa đầy 17 tuổi nhưng đã ma mãnh, dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ, lôi kéo một số người ở TP Huế qua Campuchia lao động 'việc nhẹ lương cao'.
Không ít người tin tưởng rằng đó là sự thật, trong đó có những nạn nhân dưới 16 tuổi đã lần lượt rời quê qua Campuchia với hy vọng đổi đời, nhưng không ngờ khi qua xứ người mới biết mình bị lừa vào làm việc cho tổ chức lừa đảo trực tuyến… Cũng từ đây, hành vi mua bán người của Trương Ngọc Huyền dần dần hé lộ.
Sập bẫy tổ chức lừa đảo “Tập đoàn Thế kỷ”
Do hoàn cảnh khó khăn, vừa học xong lớp 9, em T.N.K.B. (sinh năm 2010, trú phường Vỹ Dạ, TP Huế) phải nghỉ học giữa chừng. B mong muốn có công việc lao động chân tay nhẹ nhàng để phụ giúp gia đình nhưng chưa tìm được việc. Và khoảng tháng 4/2024, thông qua mạng xã hội, B được tài khoản Facebook có tên “Ngọc Huyền” mời kết bạn nên em đồng ý. Qua những lần trò chuyện, B biết được chủ tài khoản này là người Huế, đang đi làm xa. Ngay khi biết được tâm lý, B cần việc làm kiếm tiền nên “Ngọc Huyền” tìm cách lôi kéo, dụ dỗ B qua Campuchia.
“Ngọc Huyền” vẽ ra viễn cảnh, công việc bên xứ người nhẹ nhàng, ngày làm vài tiếng nhưng lương thưởng rất cao. Nghe những lời nói ngon ngọt của người mới quen qua mạng, B thu xếp vài bộ quần áo rồi bắt xe vào miền Tây theo hướng dẫn của “Ngọc Huyền”. Sau đó, B được đưa qua Campuchia và sống ở một vùng xa xôi, hẻo lánh. Bên trong khu vực B sinh sống như một nơi giam lỏng và hàng ngày có người theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, không được sử dụng điện thoại riêng.

Phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến đường dây mua bán người cho tổ chức lừa đảo trực tuyến “Tập đoàn Thế kỷ”.
Những ngày sống ở trên đất khách, B luôn trong nỗi sợ hãi, lo lắng và hối hận vì tin vào lời ngon ngọt của “Ngọc Huyền”. Hàng ngày, B bị các đối tượng bắt ép phải gọi điện qua mạng cho hàng chục người lạ để tìm mọi cách lừa đảo nhưng không có kết quả. Nỗi sợ hãi, áp lực trong B ngày càng lớn khi bị đe dọa, nếu lừa không đủ chỉ tiêu thì sẽ bị bán cho công ty khác. Sau nhiều ngày sống trong hoảng sợ, B cầu cứu một nam nhân viên cùng làm việc trong tổ chức lừa đảo “Tập đoàn Thế kỷ” về nguyện vọng được trở về nhà. Người này bảo B, nói gia đình chuyển tiền chuộc thì mới được về…
Từ những thông tin chắp vá từ câu chuyện em B bị lừa qua Campuchia làm việc cho tổ chức lừa đảo, Cơ quan điều tra đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tích cực xác minh và tìm ra manh mối tài khoản Facebook “Ngọc Huyền” dụ dỗ, lôi kéo em B qua Campuchia chính là Trương Ngọc Huyền (sinh năm 2008, trú tại TP Huế). Quá trình điều tra của lực lượng chức năng, năm 2023, Trương Ngọc Huyền được một người đàn ông (không rõ nhân thân, lai lịch) quen biết qua mạng xã hội có tài khoản Facebook là “Lộcc Nguyễnn” đưa sang Campuchia làm việc cho một nhóm lừa đảo trực tuyến có tên “Tập Đoàn Thế kỷ” có địa chỉ khu Chinatown, TP Sihanouk, tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia.
Tại đây, Huyền được giao nhiệm vụ là “Tuyển dụng nhân sự” và người quản lý trực tiếp Huyền là Nguyễn Thị Hồng Ngân (sinh năm 2001, trú tỉnh Đồng Nai). Nhiệm vụ của Huyền là thông qua các mối quan hệ quen biết và thông qua ứng dụng Facebook đăng bài viết để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt người khác đưa qua Campuchia chuyển giao cho nhóm “Tập đoàn Thế kỷ”. Mỗi trường hợp sau khi vào làm việc cho “Tập đoàn Thế kỷ” từ 10 đến 15 ngày mà đạt yêu cầu thì Huyền được trả tiền công là 15 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 12/5/2024 đến ngày 10/6/2024, Trương Ngọc Huyền đã dụ dỗ và lừa gạt đưa được nhiều người Việt Nam qua Campuchia làm việc cho nhóm “Tập đoàn Thế kỷ”, Nguyễn Thị Hồng Ngân là người tiếp nhận và trả tiền công cho Trương Ngọc Huyền. Cụ thể, ngày 12/5/2024, Trương Ngọc Huyền sử dụng Facebook, tên tài khoản “Nhi Nhi” lừa một người đàn ông (không rõ nhân thân, lai lịch) sử dụng tài khoản Facebook có tên “Thái Hòa”, sinh sống tại TP Huế sang làm việc cho nhóm “Tập đoàn Thế kỷ”. Tiếp đó, ngày 21/5/2024, Trương Ngọc Huyền sử dụng Facebook, tên tài khoản “Ngọc Huyền” lừa T.N.K.B. (sinh năm 2010, trú TP Huế) sang làm việc cho nhóm “Tập đoàn Thế kỷ”.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 6/2024, Huyền về quê và sử dụng Facebook tên “Ngọc Huyền” lừa H.N.T.U. (sinh năm 2006, trú tại đường Chi Lăng, TP Huế) và L.T.Q.Nh. (sinh năm 2009, trú TP Huế) sang làm việc cho nhóm “Tập đoàn Thế kỷ”. Trương Ngọc Huyền được nhóm “Tập đoàn Thế kỷ” thông qua Nguyễn Thị Hồng Ngân trả 30 triệu đồng đối với 2 trường hợp mà Huyền lừa đưa qua Campuchia. Ngoài ra, đối với 2 nạn nhân là H.N.T.U. và L.T.Q.Nh. do khi sang Campuchia chỉ làm việc tại nhóm “Tập đoàn Thế kỷ” 1 ngày, sau đó bị chuyển sang làm việc cho nhóm khác tại Campuchia nên Huyền không được trả tiền công…
Không chỉ tham gia “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”, Trương Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Hồng Ngân còn có hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Cụ thể, tháng 6/2024, Huyền muốn nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam nên đã thuê Nguyễn Công Lễ (sinh năm 2001, trú tỉnh Đồng Nai) cũng là thành viên trong nhóm “Tập đoàn Thế kỷ” tổ chức đưa Huyền nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch qua khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh với số tiền 3,8 triệu đồng. Khi Huyền sang đến địa phận Việt Nam thì Nguyễn Công Lễ tiếp tục thuê xe taxi chở Huyền về TP Hồ Chí Minh để Huyền bắt xe về TP Huế.
Tương tự, khi nạn nhân T.N.K.B. không muốn làm việc tại “Tập đoàn Thế kỷ” và có nguyện vọng về Việt Nam thì Nguyễn Vương Tấn Trọng (sinh năm 2003, trú tỉnh Đồng Nai), là nhân viên của nhóm “Tập đoàn Thế kỷ” hướng dẫn B liên hệ người nhà, yêu cầu phải trả cho “Tập đoàn Thế kỷ” 17 triệu đồng để chuộc dưới hình thức đền bù hợp đồng. Ngoài ra, Trọng yêu cầu em B phải có thêm 8,3 triệu đồng chi phí mới được nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Qua điện thoại, bà Trần Thị Th., mẹ của B nghe tiếng con nói trong sợ hãi nên đành chạy vạy vay mượn đủ tiền để gửi qua chuộc con. Sau khi nhận được tiền, Trọng đã chuyển 17 triệu đồng cho 1 đối tượng người Trung Quốc của nhóm “Tập đoàn Thế kỷ”.
Ngoài ra, Trọng thuê xe chở em B từ TP Preah Sihanouk, Campuchia đến khu vực giáp với cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Sau đó, Trọng liên hệ với Nguyễn Thị Hồng Ngân để tổ chức cho B nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Nạn nhân B khi vừa qua biên giới được mẹ đón và đưa về quê nhà ở TP Huế.
Liên quan đến việc mua bán các nạn nhân ở TP Huế cho tổ chức lừa đảo trực tuyến “Tập đoàn Thế kỷ”, ngày 30/6 vừa qua, TAND TP Huế đã đưa vụ án ra xét xử. HĐXX cho rằng, hành vi của Trương Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Hồng Ngân đã xâm phạm đến quyền con người của các công dân và hành vi của Nguyễn Thị Hồng Ngân, Nguyễn Vương Tấn Trọng và Nguyễn Công Lễ đã vi phạm pháp luật về chế độ quản lý hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
AND TP Huế đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hồng Ngân 13 năm 3 tháng tù về 3 tội “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Trương Ngọc Huyền 7 năm 6 tháng tù về 2 tội “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Nguyễn Vương Tấn Trọng và Nguyễn Công Lễ cùng mức án 1 năm 3 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”.
Cẩn thận với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”
Thời gian qua, tại TP Huế, có nhiều nạn nhân bị lừa qua Campuchia đã được lực lượng Công an giải cứu trở về nhà an toàn. Điển hình, mới đây, đường dây nóng của Công an TP Huế tiếp nhận đề nghị cầu cứu của gia đình ông T.V.Q. và bà L.T.N.C. (trú tại TP Huế) về việc con trai của ông bà là anh T.V.V. (sinh năm 2004) bị dụ dỗ và bị lừa đưa sang Campuchia. Theo thông tin điều tra của cơ quan Công an, do không có công ăn việc làm ổn định nên đầu tháng 8/2024, anh V tìm kiếm công việc qua mạng xã hội TikTok và sau đó một chủ tài khoản giới thiệu qua Campuchia làm việc và hứa hẹn với mức lương 800 USD/tháng. Sau đó, V được các đối tượng đưa sang khu Venus thuộc TP BaVet, tỉnh Svay Riêng, Campuchia làm việc cho tổ chức tội phạm do người Trung Quốc quản lý.
Tại đây, V bị tịch thu toàn bộ điện thoại, thiết bị điện tử mang theo. Công việc của V được các đối tượng giao là lừa người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư với mức lương thỏa thuận 200 USD/tháng kèm thêm 10% doanh số thu được. Tuy nhiên sau 2 tháng, V không đạt được doanh số nên quản lý thông báo sẽ bán anh cho một công ty khác. Lo sợ bị đánh đập và bị bán nên anh V tìm cách liên lạc về cho gia đình… Sau khi tiếp nhận thông tin, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh điều tra Công an TP Huế đã xác định cụ thể vị trí của nạn nhân và phối hợp với cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Campuchia và các cơ quan liên quan để giải cứu đưa nạn nhân trở về nhà an toàn.
Tương tự, giữa năm 2024, em H.T.K.A. (sinh năm 2007, trú tại xã Trung Sơn, TP Huế) - người đồng bào dân tộc Pa Cô bị một đối tượng quen qua mạng xã hội lừa đem bán sang Campuchia để làm “việc nhẹ lương cao”. Tại Campuchia, em K.A bị quản thúc, nhốt trong một công ty do người nước ngoài điều hành, phải lao động cực khổ và bị áp bức, đánh đập. Sau đó, K.A tìm cách liên lạc về gia đình để báo tin. Ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ ông Hồ Văn H., bố của K.A, lực lượng Công an TP Huế đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các đơn vị liên quan giải cứu thành công, đưa K.A trở về gia đình an toàn.
“Nếu không được lực lượng Công an cứu kịp thời thì giờ này không biết con tôi sẽ đi về đâu, làm gì. Được giải cứu an toàn, được trở về nhà, trở về với núi rừng Trường Sơn, con gái tôi như được hồi sinh lần thứ hai trong đời”, ông Hồ Văn H nói trong xúc động.

Trương Ngọc Huyền (bìa trái) và các bị cáo liên quan đến đường dây mua bán người.
Bên cạnh một số trường hợp may mắn được lực lượng chức năng giải cứu trở về an toàn thì một số nạn nhân muốn trở về nhà phải đóng tiền chuộc. Đơn cử như anh P.Đ.T. (SN 1986, trú tại TP Huế) - một trong những nạn nhân trở về từ Campuchia. Anh T kể rằng, trong khi đang làm công nhân sản xuất hộp đóng giày tại TP Hồ Chí Minh thì có một người đàn ông đến gặp anh và nói, ở Hà Nội có một công ty đang cần lao động, thu nhập sẽ gấp đôi so với chỗ làm hiện tại. Vốn hoàn cảnh khó khăn, muốn có công việc lương cao để phụ giúp gia đình nên T đồng ý theo người đàn ông lạ mặt này. Sau khi lên xe của người đàn ông thì gần 3 ngày sau, T đến một nơi được gọi là “công ty”.
Tại đây, T được giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khoảng 1 tháng bị buộc tham gia đường dây lừa đảo, T mới biết là mình đang ở trên đất Campuchia. Biết công việc các đối tượng “ép” làm là vi phạm pháp luật nên T nhiều lần xin được về Việt Nam thì các đối tượng yêu cầu, muốn về phải gọi điện cho người thân nộp ít nhất 90 triệu đồng tiền chuộc. Anh T đành gọi về nhà cầu cứu anh trai vay mượn khắp nơi được 100 triệu đồng để chuyển theo yêu cầu các đối tượng và sau đó mới được tha về nước.
Theo cơ quan Công an, để dụ dỗ người dân sang Campuchia làm việc, các đối tượng đã lừa dối và hứa hẹn trả cho người lao động mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên sau khi đưa sang bên kia biên giới, các nạn nhân bị giam lỏng và ép buộc phải làm việc không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí có nhiều trường hợp bị đánh đập, hành hạ. Nếu nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Những trường hợp không có tiền chuộc thì bị giao làm việc nặng nhọc và bị đe dọa đánh đập hoặc bán sang cho những công ty khác.
Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, không nghe, không tin và không làm theo những lời dụ dỗ của các đối tượng với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” để tránh bị lừa đưa sang nước ngoài làm việc gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản. Trong trường hợp bị lừa hoặc phát hiện các đối tượng có hành vi lừa đảo, dụ dỗ để lừa bán người sang nước ngoài, cần nhanh chóng trình báo với cơ quan Công an và các ngành chức năng để được kịp thời giải quyết.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nu-quai-san-nguoi-i774424/