Nữ quyền và bạo lực đẫm máu trong tiểu thuyết kinh dị

Từ 'Boy Parts' đến 'Brainwyrms', ngày càng nhiều tác phẩm của các nhà văn nữ mang lại làn gió mới cho thể loại kinh dị, theo The Guardian.

Trong văn đàn của thể loại kinh dị, tiếng nói từ các nữ tiểu thuyết gia được thể hiện ngày càng rõ. Thậm chí, đã có một từ tiếng Anh mới được tạo ra nhằm xác định thể loại kinh dị của riêng họ.

Theo đó, từ “femgore” xuất hiện và dùng để chỉ những tác phẩm kinh dị và bạo lực liên quan đến cơ thể do các nhà văn nữ sáng tạo ra và hướng đến độc giả nữ và chủ nghĩa nữ quyền. Nhân vật chính chủ yếu của họ là những người (thường là phụ nữ trẻ tuổi) có thể rình rập, đánh đập, chém, chặt xác, xẻ thịt hay ăn sống nuốt tươi đồng loại.

 Không chỉ thu hút một lượng lớn độc giả, Bunny còn đại diện cho sự nổi lên của "femgore". Ảnh: Reactor.

Không chỉ thu hút một lượng lớn độc giả, Bunny còn đại diện cho sự nổi lên của "femgore". Ảnh: Reactor.

Sự bùng nổ của tiếng nói nữ quyền

“Femgore” dường như bắt đầu bùng nổ từ đầu thập kỷ này, được đánh dấu bằng sự ra mắt của tác phẩm trường học tăm tối và đầy kịch tính Bunny của Mona Awad năm 2020. Theo sau là cuốn sách hài đen tối Boy Parts ra mắt cùng năm của Eliza Clark, được các nhà phê bình ví như “American Psycho phiên bản nữ”. Cả hai cuốn tiểu thuyết này đều đạt được thành công lớn về mặt thương mại và là những điển hình ban đầu cho thấy sức mạnh của BookTok trong việc thúc đẩy doanh số bán sách.

Gần đây, cũng có nhiều tác phẩm “femgore” được ra mắt như Youthjuice của EK Sathue hay The Eyes Are the Best Part của Monika Kim. Vào mùa thu này, Of the Flesh, một tuyển tập mới về “những câu chuyện kinh dị hiện đại” của loạt tác giả bao gồm Evie Wyld, Lionel Shriver và Susan Barker cũng được xuất bản

Natasha Qureshi, biên tập viên tại Hodderscape, nhánh xuất bản tiểu thuyết kinh dị và giả tưởng thuộc nhà xuất bản Hodder & Stoughton, giải thích: “Kinh dị luôn là một thể loại thú vị khi đi sâu vào nỗi đau và sự buồn bã. Do đó, phụ nữ và cộng đồng người đồng tính, những nhóm được coi là yếu thế, có thể viết nó một cách độc đáo”.

Jen Williams, tác giả cuốn kinh dị dân gian mới The Hungry Dark, đồng tình với ý kiến này: “Phụ nữ từ lâu đã hiện diện trong thể loại này. Xét cho cùng, Mary Shelley là một trong những người mở ra thể loại này sớm nhất với Frankenstein vào năm 1818 trong khi Shirley Jackson là một trong những người đỡ đầu của tiểu thuyết kinh dị hiện đại".

"Tuy nhiên mãi cho đến nay, phụ nữ mới trở thành tâm điểm chú ý khi các tác giả kinh dị nữ cho thấy khả năng đối mặt với thực tại xã hội như quyền tự chủ cơ thể, nạn nạo phá thai hay các quyền lợi khác của phụ nữ”, Jen cho hay.

Trong một bài viết trên trang Lit Hub năm 2023, cây viết Molly Odintz đã xác nhận làn sóng văn học mới này và đặt câu hỏi: “Có phải họ (các tác giả nữ) đang chiến đấu với chế độ phụ hệ hay không? Phải chăng những nữ nhân vật chính giết người hàng loạt thể hiện sự phản kháng xã hội?”.

Phản ánh hay phản kháng xã hội?

Then Jen Williams, “thể loại kinh dị luôn phản ứng với thế giới xung quanh nó, từ nỗi kinh hoàng nguyên tử trong những năm 1950-1960, đến sự thương mại hóa và thây ma thời kỳ 1970-1980”.

Và hiện nay, “femgore” có thể là một phản ứng đối với văn hóa đại chúng những năm 2000 khi loạt phim khiêu dâm tra tấn trở nên rất phổ biến. Những bộ phim kinh dị siêu bạo lực chẳng hạn như Hostel, Captivity House of Wax, đều dành những cảnh tàn bạo và hình ảnh cắt xẻo quá mức nhất cho các nạn nhân nữ.

 Có nhiều tác phẩm "femgore" đã và đang tiếp tục được ra mắt. Ảnh: Stylist.

Có nhiều tác phẩm "femgore" đã và đang tiếp tục được ra mắt. Ảnh: Stylist.

Phản ứng trước các bộ phim khiêu dâm tra tấn và các chiến dịch truyền thông khiêu khích thường được sử dụng để quảng bá chúng, các tác phẩm “femgore” đều ít nhiều trao cho phụ nữ vai trò quyết định.

Trong các tác phẩm này, bạo lực tình dục đều hiện diện và thường đóng vai trò là chất xúc tác cho hành động trả thù tàn bạo của nhân vật chính. Và những nhân vật chính là phụ nữ trẻ, đẹp không còn bị hành hạ nữa mà đang có hành động bạo lực một cách có chủ ý.

Do yếu tố này, sự nổi lên của femgore cũng phần nào gắn với liền với phong trào #MeToo và nâng cao nhận thức về mức độ phổ biến của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, quan điểm lấy “độc trị độc”, coi việc đọc tiểu thuyết "femgore" như một loại phương pháp chống lại những tổn thương do bạo lực tình dục gây ra trong thế giới thực cho phụ nữ, dường như còn nhiều tranh cãi.

Chia sẻ với The Guardian năm 2021 về yếu tố bạo lực trong tác phẩm kinh dị của các nhà làm phim nữ, hay rộng hơn là các nữ tác giả kinh dị, nữ đạo diễn người Pháp Julia Ducournau cho biết: “Có một loại bạo lực rất đặc trưng trong tác phẩm của các nhà sáng tạo nữ. Không phải sự bạo lực của các thế lực bên ngoài, mà đó là bạo lực từ bên trong nội tâm nhân vật nữ. Liệu một cô gái có thể hy vọng về sự yên bình khi mối đe dọa về sự tàn ác của thế giới đã ăn sâu vào nội tạng?”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nu-quyen-va-bao-luc-dam-mau-trong-tieu-thuyet-kinh-di-post1486445.html