Nữ sĩ Pháp Yveline Féray nghĩ gì?

Cuối những năm 90 thế kỷ trước, tôi gặp chị Yveline Féray (y-vơ-li-nơ Phê-rây) ở Nice (Ni-xơ) - thành phố du lịch và nghỉ mát nổi tiếng của bờ biển xanh Địa Trung Hải.

Hai vợ chồng chị mời tôi ăn cơm ở tiệm ăn Việt Nam Đông Hải sau buổi tôi nói chuyện ở trường đại học tỉnh đó.

Anh P.R.Féray - tiến sĩ văn học, là Giám đốc CERAC (Trung tâm Nghiên cứu Đông Á hiện đại). Hồi đó, chị Yveline - nhà sử học và nhà báo đã có tiểu thuyết được giải thưởng văn học địa phương miền Tây. Chị người thon dài, mắt sâu, trang điểm rất “mốt”, trông hệt diễn viên điện ảnh.

Một phụ nữ phương Tây cách xa ta trên vạn dặm mà dám bỏ ra 7 năm trời nghiên cứu, nhập vai, nhập cảnh để viết pho tiểu thuyết Vạn Xuân (10 mille printemps) dài hơn 800 trang về Việt Nam cách đây 600 năm!

Bìa cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân bằng tiếng Pháp.

Bìa cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân bằng tiếng Pháp.

Độc giả Việt Nam không có định kiến hẳn cho là Vạn Xuân thành công về nhiều mặt, khung cảnh lịch sử được trình bày rất nghiêm túc và đậm đà màu sắc địa phương để định hướng cho độc giả phương Tây. Tác giả cố tạo ra bầu không khí tâm lý, tư duy và tình cảm nước Đại Việt thế kỷ 15, làm cho người đọc “đồng hóa vào một nền văn hóa khác của một thời điểm khác”.

Sau đây, xin trích đăng lại bức thư của Yveline Féray (gửi cho Hữu Ngọc) tả lại quá trình sáng tác cuốn Vạn Xuân:

Thân gửi bạn Hữu Ngọc!

(...) Từ ngày xuất bản vào tháng tư 1989, Vạn Xuân đã gợi nhiều sự tò mò do đề tài và khuôn khổ lớn của nó. Với nhiều thiện chí, các nhà phê bình ở Pháp đã nói về “một sự đánh cuộc”, “một sự đánh đố khó tin”, “một tham vọng rồ dại”, “một bức bích họa” (...). Tôi rất hiểu là độc giả Việt Nam có thể ngạc nhiên đến mức không tin... Làm thế nào mà một phụ nữ không biết nói và đọc tiếng Việt, không biết chữ Nôm, chữ Hán lại dám lao vào một công việc liều lĩnh này: dám viết “một trước tác cổ điển về thế kỷ 15” (Việt Nam), một thứ “Thủy hử” của sông Hồng, một pho tiểu thuyết rộng lớn cố thuyết phục độc giả Pháp mà nhất là được độc giả Việt Nam công nhận?... Giờ đây chỉ xin nói là trong cuộc phiêu lưu này, trong cuốn tiểu thuyết về các thử thách, đã có một sợi dây oan nghiệt, một món nợ tiền kiếp phải trả, một cuộc gặp gỡ tiền định.

Nước Việt Nam ư? Nghĩ lại từ xa xưa, hình như tôi đã biết đất nước này từ thuở nào ấy. Nhưng để chính xác hơn, tôi xin nói: từ ngày tôi gặp gỡ anh Pierre Richard Féray (Pi-e-rơ Ri-sa Phê-rây) ở trường đại học, nơi chúng tôi cùng theo học nhà sử gia lớn chuyên về thời Trung cổ Georges Duby (Gioóc-giơ Đuy-by); rồi tôi lấy anh, quê mẹ anh là xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định, còn anh đã làm đề án tiến sĩ về sự hình thành của cách mạng Việt Nam. Sau khi đi Hà Nội tham gia cuộc hội thảo quốc tế về Nguyễn Trãi, chính anh đã kể cho tôi về câu chuyện đẹp mà bi thảm, anh khuyến khích tôi viết. Nhưng tôi cần phải 2 năm trời suy nghĩ. Tôi nhìn Nguyễn Trãi mặc áo đại triều, đội mũ cánh chuồn, ở trong áp phích của ban tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm với sự khâm phục và sự sợ hãi thiêng liêng đối với những vĩ nhân. Nếu lúc ấy tôi chỉ cần tưởng tượng được một phần nghìn những khó khăn sẽ gặp thì cũng đủ để tôi ngần ngừ. Tôi có với tới những nhân vật xuất chúng này không, với thời đại bản lề của lịch sử Đại Việt ấy chăng? Áp dụng những nguyên tắc giáo dục của mẹ tôi (tôi tặng sách này cho mẹ tôi); tôi sẵn sàng làm việc không mệt mỏi, nhưng như vậy đã đủ chưa? Mà trước tiên tôi phải đi Việt Nam, theo gót bước chân Nguyễn Trãi. Khi Nhà xuất bản Julliard (Giuy-li-ar) giúp tôi phương tiện tài chính để đi nghiên cứu tại chỗ... Sau khi chép vào một cuốn vở to niên biểu Nguyễn Trãi do Paul Schneider (Pôn Snê-der) dịch từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư đợi hàng bao năm trên giá tủ sách, tôi bay đi Hà Nội và Côn Sơn năm 1982.

Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn ngạc nhiên về sự hào hiệp và kiên nhẫn của các nhà sử học, địa lý học, ngôn ngữ học, nhà văn, nhà nghiên cứu của các bạn đã mở tung cửa dĩ vãng của họ cho một phụ nữ Pháp đang vấp phải từng từ tiếng Việt. Tôi biết chút ít về châu Á vì những năm đầu dạy học của tôi là ở Cao Miên. Còn về nước Việt Nam của anh, tôi phải khám phá cái mới và khám phá lại cái đã biết. Tôi muốn học, tìm hiểu, thấy tất cả...

(còn nữa)

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nu-si-phap-yveline-feray-nghi-gi-n171931.html