Nữ sĩ Pháp Yveline Féray nghĩ gì?

Từ cuộc gặp một học giả điệu bộ sống sượng, đi đâu cũng vác theo lủng lẳng chiếc điếu cày trong cái bị cói cũ, tôi đã nảy ra ý phác họa nhân vật Tử Chi. Từ một bức tranh dân gian ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật, tranh vẽ một người đàn bà khua kéo định cắt mái tóc dài của tình địch hay cắt cái gì khác; từ những câu đùa về “sư tử Hà Đông”, tôi đã quyết định nhất thiết phải có một nhân vật sư tử Hà Đông trong tiểu thuyết. Luôn có mặt trong tác phẩm của tôi là tất cả những phụ nữ khom lưng xuống gánh trong ruộng lúa, những người phụ nữ uốn người trước gió đồng hay mệt nhọc vì công việc nặng nề không ngớt. Qua họ đã xuất hiện trước mắt tôi những hình bóng Trần Thị Thái, Séo May, Thị Lộ... Tôi cảm thấy cái hồi hộp của con ong trước cánh đồng hoa, muốn kéo mật từ mỗi bông hoa... Như một nhà điện ảnh, tôi nhận xét các màu sắc, ánh sáng, cành tre rung rung, sẩm tối, quạ bay trên Văn Miếu, sương mù Hồ Tây vào buổi sớm, tiếng suối Côn Sơn róc rách, tiếng nước tươi mát mà Nguyễn Trãi đã nghe cách đây 600 năm, ruộng lúa mênh mông gợn sóng... Nói tóm lại, tôi biến đất nước xa xôi của anh thành quê hương tôi.

Nữ sĩ Pháp Yveline Féray.

Nữ sĩ Pháp Yveline Féray.

Về Pháp với những cuốn sổ tay đầy chữ và ký họa, tôi lao vào một công việc 7 năm đằng đẵng... Tôi nhanh chóng nhận thức được: viết về đời Nguyễn Trãi có nghĩa là viết về nước Đại Việt, cuộc chiến tranh chống nhà Minh là điển hình, biểu tượng những cuộc chiến tranh giải phóng dĩ vãng và hiện tại của Việt Nam để giữ gìn bản sắc và tự do dân tộc. Điều tôi muốn là viết được về một giai đoạn bảy mươi năm lịch sử Việt Nam với giọng Việt Nam (hay của một nhà nho thế kỷ 15).

Công việc vấp phải vô vàn khó khăn, phải vượt 3 thử thách: lựa chọn thời kỳ, cách xử lý đề tài, gạt bỏ mọi quan sát viên phương Tây trong tôi khiến cho công việc quá ư tiện lợi và nhất là cách đề cập vấn đề của một nhà Nho, một nhà chiến lược, một nhà ngoại giao, một nhà thơ thiên tài, một ngôi sao sáng. Vừa sợ vừa bị quyến rũ bởi Nguyễn Trãi, tôi quyết định bắt đầu cuốn sách bằng câu chuyện mối tình lén lút của bố mẹ Nguyễn Trãi, được sử biên niên của triều đình ghi chép - đây là điều hiếm có; tôi thầm mong là làm như vậy thì câu chuyện ấy về sau sẽ không còn ám ảnh tôi nữa. Tôi thích thú miêu tả những rung động xích gần của đôi bạn tình như những cành anh đào ra hoa khiến họ vượt qua những cấm kỵ cho đến khi Nguyễn Trãi ra đời, thời thơ ấu giữa những ngọn đồi Côn Sơn trùng điệp.

Bạn Hữu Ngọc thân mến! Hãy tha thứ cho sự thiếu khiêm tốn của tôi. Chính trong khi kể lại thời thơ ấu ấy, tôi đã phản ánh hạnh phúc thời thơ ấu của bản thân tôi. Tôi đã đưa vào ánh sáng Côn Sơn và Trần Nguyên Đán mà tôi đặc biệt trìu mến, thời thơ ấu tươi sáng của tôi ở xứ Bretagne (Brơ-ta-nhơ) bên cạnh một người đàn bà đã dạy dỗ tôi hơn nhiều sách vở. Cảm thông trong tình yêu thiên nhiên với Bài ca Côn SơnQuốc âm thi tập, tôi tạo Côn Sơn thành nơi ẩn cư của những người ẩn cư, thời hoàng kim của Nguyễn Trãi, nơi quê hương êm dịu là chỗ dựa cho các niềm vui sau này, lòng yêu nước tha thiết, thơ thấm nhuần Thiền tông. Tôi hết sức cảm động khi nói đến những mối quan hệ của tôi với Nguyễn Trãi, vừa thân mật - hình như qua hàng bao thế kỷ.

(...) Khi tôi hoàn thành Vạn Xuân, tôi khóc vì vui, vì kiệt sức, vì cô đơn. Các bạn nói là ở Việt Nam người ta sinh ra ở đời ai cũng có món nợ phải trả. Thế là tôi đã trả xong món nợ đời tôi và tôi bỗng cảm thấy lòng rỗng không. Từ ngày đó, 2 năm đã qua. Tôi đã không cụ thể hóa được bất cứ dự án sáng tác nào khác ở trong đầu. Lý do kể cũng đơn giản: chắc chắn là tôi chưa rút ra khỏi Nguyễn Trãi và đất Đại Việt thế kỷ 15 được. Người ta không chia tay một mối tình lớn một cách nhanh chóng như vậy.

Thân mến

Yveline Féray

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nu-si-phap-yveline-feray-nghi-gi-n172413.html