Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh lên trang chủ Google
Ngày 1/2, trên trang Google search tại Việt Nam, logo của công cụ này hiển thị hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh - nữ tổng biên tập tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam.
Bức vẽ thể hiện nữ sĩ Sương Nguyệt Anh mặc áo dài, tóc búi cao, xung quanh là các trang viết, bình hoa mai. Được biết, bức vẽ này do họa sĩ Camelia Phạm (Hà Nội) thực hiện.
Về lý do tôn vinh, Google cho biết bà Sương Nguyệt Anh là nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam - tờ báo Nữ Giới Chung xuất bản số đầu tiên vào ngày 2/1/1918. Việc tôn vinh nhà thơ nhằm “đề cao tài năng và vai trò của nữ giới trong xã hội, cổ vũ người phụ nữ nói lên tiếng nói và lan tỏa sức ảnh hưởng của mình”.
Sương Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre, là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ông cũng là thầy dạy bà đọc và viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Năm 1888, khi Sương Nguyệt Anh 24 tuổi, cha của bà là Nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu qua đời. Bà và anh trai tiếp quản trường học của cha để dạy cho dân địa phương. Sau đó, bà Sương Nguyệt Anh chuyển đến Rạch Miễu, Mỹ Tho, kết hôn và sinh con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời.
Ngày 2/1/1918, tờ báo Nữ giới chung lần đầu xuất bản, bà Sương Nguyệt Anh trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam. Bà viết nhiều tác phẩm về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội, bút danh Sương Nguyệt Anh, nghĩa là "Nguyệt Anh góa bụa". Bà qua đời ngày 20/1/1921, ở tuổi 57.
"Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam, mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Một số đường phố mang tên Nguyệt Anh ở TP HCM, Đà Lạt, Vũng Tàu", phần giới thiệu của Google Doodle nêu.
Sương Nguyệt Anh qua đời vào tháng 1/1921 tại làng Mỹ Chánh Hòa, thọ 57 tuổi. Bà được an táng cạnh mộ cha mẹ, hiện nay thuộc Khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, ấp 6, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Bằng tất cả tài năng, tâm huyết, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp chung, Sương Nguyệt Anh đã để lại trong tâm trí người Việt Nam hình ảnh đẹp về một nữ chủ bút đầu tiên, một nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Ngày nay, tên của bà được đặt cho nhiều đường phố, trường học, câu lạc bộ... với niềm trân trọng, tự hào..