Nữ sinh 15 tuổi muốn thay đổi thế giới bằng khoa học
Lần đầu tiên Tạp chí Time bình chọn 'Nhân vật nhí của năm' và vinh dự đó đã được trao cho cô bé Gitanjali Rao, 15 tuổi, người Mỹ. Sở hữu nhiều phát minh khoa học, Gitanjali Rao mong muốn trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ và đặc biệt muốn thay đổi thế giới bằng khoa học. Đáng chú ý là tất cả phát minh khoa học của cô đều có một điểm chung là cải thiện cuộc sống con người.
Thần đồng tuổi teen
Khi Gitanjali Rao lên 4 tuổi, chú của Gitanjali đã tặng cô bé một hộp hóa chất. Đó chính là nền tảng để cô bé tìm đến khoa học với niềm đam mê mãnh liệt. Khi Gitanjali Rao học tiểu học, cô giáo từng nói với Gitanjali rằng, cô bé sẽ “làm thay đổi thế giới”. Lúc đó, Gitanjali đã tự hỏi phải sử dụng khoa học và công nghệ như thế nào để tạo ra sự thay đổi trong xã hội.
Năm lên 10 tuổi, Gitanjali bị sốc bởi cuộc khủng hoảng nước bị nhiễm chì ở TP Flint, bang Michigan. Từ đó, cô bé lao vào nghiên cứu cảm biến ống nano carbon tại phòng thí nghiệm nghiên cứu chất lượng nước ở Denver (bang Colorado) và đã phát triển thành công Tethys, một công cụ phát hiện nhanh chì trong nước máy với chi phí thấp.
Một thời gian sau, Gitanjali lại phát triển Kindly, một ứng dụng tiện ích của chương trình duyệt Chrome nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại mạng internet thông qua trí tuệ nhân tạo. “Bạn nhập một từ hoặc một cụm từ và công cụ Kindly có thể xác định đó có phải là hành vi quấy rối trực tuyến hay không”, Gitanjali giải thích.
Trong những tháng gần đây, Gitanjali Rao rất quan tâm đến lĩnh vực di truyền học và hy vọng sẽ được học chuyên ngành này tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng. Hiện nay, cô bé đang phát triển thiết bị phát hiện nhanh ký sinh trùng trong nước để giúp đỡ người dân ở các nước kém phát triển. Ngoài ra, Gitanjali còn nghiên cứu một sản phẩm có tên gọi Epione, có thể chẩn đoán chứng nghiện ma túy opioid ở giai đoạn đầu... Nữ sinh 15 tuổi cho biết, cô không thể tưởng tượng được một thế giới tràn ngập lòng nhân ái mà không có sự can thiệp của khoa học và công nghệ. Và hy vọng những phát minh của mình sẽ giải quyết được các vấn đề của thế giới hiện nay.
“Nếu tôi làm được, bạn cũng có thể làm được”
Nhưng sự thông minh không dừng lại ở đó. Gitanjali Rao khuyến khích thế hệ của cô có sự tò mò khoa học và đưa ra những sáng kiến của riêng họ. Hơn hết, cô bé còn tạo ra quan hệ đối tác với các viện, bảo tàng và tổ chức khoa học khác để tổ chức các hội thảo sáng tạo cho học sinh từ cấp tiểu học đến trung học. “Gần đây, tôi đã đạt được mục tiêu là cố vấn cho 30.000 học sinh, sinh viên. Điều đó rất thú vị. Nó giống như việc tạo ra một cộng đồng các nhà phát minh trẻ”, Gitanjali tâm sự.
Trong các buổi hội thảo, Gitanjali thường chia sẻ phương châm nghiên cứu khoa học của mình là “quan sát, suy nghĩ, nghiên cứu, xây dựng và giao tiếp” cũng như “câu thần chú”: “Đừng cố giải quyết tất cả các vấn đề, hãy tập trung vào một cái khiến bạn đam mê”.
Xuất thân từ Ấn Độ, có bố mẹ làm trong ngành công nghệ thông tin, cô bé Gitanjali muốn rũ bỏ hình ảnh một nhà nghiên cứu là nam giới, lớn tuổi, da trắng và tóc bạc thường xuất hiện trên ti vi. Gitanjali Rao nói: “Trẻ em đam mê khoa học là điều cần thiết chứ không phải là một sự lựa chọn. Vì vậy, tôi thực sự muốn gửi thông điệp này: Nếu tôi làm được, bạn cũng có thể làm được”.
15 tuổi, Gitanjali đang sở hữu nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải thưởng Thử thách nhà khoa học trẻ, giải thưởng Thanh niên vì môi trường... Đầu tháng 12-2020, Gitanjali được tạp chí Time chọn từ 5.000 ứng cử viên Mỹ, tuổi từ 8 đến 16 để vinh danh là “Nhân vật nhí của năm”. Ngoài ra, Gitanjali Rao còn nằm trong bảng xếp hạng 30 nhân vật dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Ngoài đam mê khoa học, Gitanjali Rao còn thích làm bánh, đấu kiếm, đạp xe, viết thư pháp, múa hát truyền thống Ấn Độ, bơi lội và chơi piano. Cô hy vọng có thể cùng gia đình đi du lịch khi đại dịch Covid-19 kết thúc.